Người Cadong giữ làng sạch đẹp

09:02, 11/02/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Những năm gần đây, công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện Sơn Tây đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều ngôi làng ở huyện miền núi ngày càng sạch đẹp hơn. Sự thay đổi ấy còn xuất phát từ chính ý thức của cộng đồng dân cư ở các ngôi làng.
 
Nét đẹp thôn Huy Măng
 
Khi lớp sương mù dần tan biến, những ngôi nhà sàn nhỏ thấp thoáng bóng dáng người dân ở thôn Huy Măng, xã Sơn Dung hiện lên. Ẩn đằng sau dãy núi trùng điệp, cánh đồng ruộng xanh bát ngát là một ngôi làng mang đậm bản sắc văn hóa lâu đời của người Cadong. 
 
Thôn Huy Măng là một trong những ngôi làng đẹp nhất ở Sơn Tây. Cùng với vẻ đẹp bình yên vốn có của khung cảnh thiên nhiên chốn đại ngàn, đó còn là vẻ đẹp đến từ  ý thức của cộng đồng dân cư nơi đây.
 
Trước đây, do trình độ nhận thức hạn chế, bà con thường đổ rác thải sinh hoạt ra vườn, xuống gầm sàn nhà, lẫn với phân trâu, phân gà, gây ô nhiễm môi trường. Rác thải bừa bãi ra vườn, còn có cả mảnh thủy tinh, vật nhọn, không may dẫm phải là chảy máu chân.
 
Mỗi người dân Cadong ở Huy Măng luôn ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường ở bản làng mình sinh sống.
Mỗi người dân Cadong ở Huy Măng luôn ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường từ những việc nhỏ.
 
Thôn Huy Măng nay khác trước. Nhiều nhà đã ý thức tự xây nhà vệ sinh cho gia đình. Dưới gầm nhà sàn hay trước nhà đều có sọt rác. Còn ngoài ngõ thì cách 2 nhà là có vật dụng chứa rác tập trung để ngành môi trường đến giờ qui định, thu gom chở đi xử lý.
 
Toàn bộ số rác thải sinh hoạt hàng ngày đều được các thành viên trong gia đình thu gom gọn gàng, thay vì vứt bừa bãi. Từ trong nhà đến ngoài ngõ, nơi nào cũng sạch sẽ, thoáng mát. Chỉ cần ai thấy vỏ bánh, chai nhựa vứt ngoài đường, dưới rãnh nước trước nhà... đều được bà con nhặt bỏ vào thùng rác.
 
Bước chân đi dạo một vòng ngôi làng nhỏ, với những con đường bê tông thẳng tắp, cụ bà Đinh Thị Nhóa, người ở thôn Huy Măng kể với tôi, trước đây cuộc sống nghèo khó, dân làng chỉ biết lo cái ăn, mặc, nào nghĩ đến cái đẹp của xóm làng. Bây giờ, nhờ vào các chính sách dân tộc miền núi mà cuộc sống người dân đổi mới, xóm làng khang trang hơn. Bà con phải biết làm cho làng đẹp hơn mỗi ngày.
 
“Ai cũng yêu bản làng quê mình và có trách nhiệm với nơi mình sinh sống. Những đứa trẻ từ khi còn nhỏ đã được giáo dục như thế”, bà Nhóa chia sẻ với niềm tự hào.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Dung Phạm Đại Quang, từ khi hưởng ứng phong trào cả nước cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, thôn Huy Măng luôn ý thức giữ ghìn vệ sinh môi trường. Bởi họ ý thức được tầm quan trọng của môi trường sống, sức khỏe của người thân. Sự ý thức của bà con sẽ góp phần rất lớn vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 
 
Điểm sáng ở miền núi
 
Đặc thù ở khu vực miền núi không có nhiều khu công nghiệp nên lượng rác thải phần lớn là rác thải rắn sinh hoạt ở các khu dân cư. Do tập quán sinh hoạt, rác thải phần lớn vẫn được các hộ dân tự thu gom và xử lý tại nhà, đổ ra vườn.
 
Trong những năm gần đây, công tác thu gom chất thải rắn trên địa bàn huyện Sơn Tây luôn được chú trọng. Theo Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Bùi Văn Ba, UBND huyện đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Tây, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở trung tâm huyện và các xã dọc tuyến đường thu gom. 
 
Hiện tại, đơn vị đã thu gom cho 6 xã gồm Sơn Dung, Sơn Mùa, Sơn Bua, Sơn Long, Sơn Tân, Sơn Màu định kỳ (3 lần/ tuần). Nguồn kinh phí trích từ ngân sách huyện, với 700 triệu đồng năm. 
 
Mô hình thu gom rác trên địa bàn huyện Sơn Tây không chỉ giải quyết bài toán rác thải ở huyện nhà, các khu dân cư mà còn mang đến vẻ đẹp cho các ngôi làng cũng như góp phần nâng cao ý thức giữ gìn môi trường trong người đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình thu gom rác trên địa bàn huyện Sơn Tây đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn môi trường trong người đồng bào dân tộc thiểu số ở ngôi làng mình sinh sống.
 
Mặc dù công tác thu gom chất thải rắn trên địa bàn cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như còn xử lý bằng những biện pháp thô sơ, lạc hậu là chôn lấp, kết hợp dùng chế phẩm sinh học phân hủy rác. Hố xử lý rác tập trung của huyện tại xã Sơn Tân có quy mô nhỏ; HTX chưa được trang bị xe ép rác chuyên dụng để vận chuyển kịp thời và đảm bảo vệ sinh môi trường...
 
“Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, lượng rác thải mà HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Tây thu gom đạt gần 70% khối lượng rác thải trên địa bàn. Đáng mừng, mô hình không chỉ giải quyết được bài toán thu gom rác thải ở huyện nhà mà còn từng bước góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân vùng cao trong việc bảo vệ môi trường từ khu dân cư, nơi mình sinh sống. Hình ảnh sạch đẹp của một ngôi làng được thu gom rác thải sẽ lan rộng dần ra những ngôi làng khác”, ông Ba nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.