Ngày 1 tháng 1 năm 2020 có phải là bắt đầu thập kỷ mới hay không?

12:01, 01/01/2020
.
Những giờ qua, cả thế giới hân hoan chào đón năm mới 2020. Tuy nhiên, với câu hỏi: 2020 có phải là năm bắt đầu thập kỷ mới hay không, lại đang có nhiều tranh luận?
Hai luồng quan điểm
 
“1 năm có 365 ngày, 12 tháng. 1 thập kỷ là 10 năm, thế kỷ là 100 năm, thiên niên kỷ là 1000 năm” – đây là những kiến thức chúng ta được học trong sách Toán từ thời tiểu học. 
 
Tuy nhiên, năm nào được tính là bắt đầu một thập kỷ mới (thập niên mới)? Với câu hỏi này đang có những quan điểm trái chiều. 
 
Hiện trên các diễn đàn đang có nhiều ý kiến về việc năm 2020 có phải là bắt đầu một thập kỷ mới hay không? Có 2 luồng quan điểm về vấn đề này.
 
Thứ nhất, một thập kỷ bắt đầu bằng năm có số cuối là 0 và kết thúc vào năm có số cuối là 9.
 
Với quan niệm này, thì ngày 31.12.2019 không chỉ là ngày cuối năm cũ mà còn là ngày cuối cùng thập kỷ. Còn ngày 1.1.2020 không chỉ là ngày đầu tiên của năm mới mà còn là ngày đầu tiên của một thập kỷ mới (thập niên mới).
 
Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, một thập kỷ bắt đầu bằng năm có số cuối là 1 và kết thúc vào năm có số cuối là 0. Nếu theo cách tính này thì ngày 1.1.2020 chưa phải là ngày bắt đầu của một thập kỷ mới, mà phải là ngày 1.1.2021.
 
Không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng từng có ý kiến trái chiều về vấn đề này. Nguyên nhân được cho là do cách tính theo các lịch khác nhau. 
Theo lịch  Gregorius (dương lịch), ngày 1 tháng 1 là ngày đầu tiên của năm mới.
Theo lịch Gregorius (dương lịch), ngày 1 tháng 1 là ngày đầu tiên của năm mới.
Hãy tận hưởng năm mới theo cách bạn muốn
 
Theo  lý giải của trang The Sun, năm mới lần đầu được ăn mừng vào ngày 1.1.153 trước công nguyên tại Rome theo lịch La Mã.
 
Từ năm 46 trước công nguyên, hoàng đế Julius Caesar bắt đầu dùng lịch mặt trời và duy trì 1.1 là ngày đầu năm mới, áp dụng rộng rãi trong Đế chế La Mã.
 
Trong khi đó, tại Châu Âu thời trung cổ, ngày 1.1 bị bãi bỏ trong một thời gian ngắn, vì bị coi là một ngày lễ ngoại giáo. Ngày này sau đó được khôi phục là năm mới sau khi lịch Gregorian được giới thiệu tại Châu Âu vào năm 1582.
 
Lịch Gregorius còn có tên gọi khác là Tây lịch, dương lịch. Lịch Gregorius chia thành 12 tháng với 365 ngày, cứ 4 năm thì thêm một ngày vào cuối tháng 2 tạo thành năm nhuận (366 ngày). 
 
Cũng theo lịch Gregorius, 1 năm có 365 ngày, năm nhuận có 366 ngày; 1 thập kỷ là 10 năm, thế kỷ là 100 năm, thiên niên kỷ 1000 năm.
 
Đặc biệt, theo lịch Gregory thì thế kỷ 1 được bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 1 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 100. Thế kỷ 2 bắt đầu từ năm 101 và cứ như vậy theo công thức: Thế kỷ n bắt đầu từ năm 100×n - 99.
 
Nếu theo công thức này, thế kỷ 20 kết thúc chính xác vào ngày 31.12.2000 và ngày 1.1.2001 là ngày bắt đầu thế kỷ 21. Đồng thời ngày 1.1.2020 chưa phải bắt đầu một thập kỷ mới.
 
Ngày nay, bộ lịch Gregory được sử dụng không chỉ ở các nước theo đạo Thiên chúa ở Châu Âu mà còn được dùng trên toàn thế giới mà chúng ta vẫn gọi là dương lịch. 
Còn theo lịch thiên văn thì tồn tại năm 0 (tương ứng năm 1 của lịch Gregory), vì vậy thế kỷ 1 theo lịch thiên văn bắt đầu từ năm 0 và kết thúc vào năm 99, còn thế kỉ 21 bắt đầu từ năm 2000.
 
Tương tự, nếu tính theo lịch thiên văn thì thập kỷ mới bắt đầu từ 1.1.2020 đến 31.12.2029.  
 
Trước những quan điểm khác nhau, nhà nghiên cứu ngôn ngữ của trang ABC Tiger Webb cho rằng, thời gian là do con người đặt ra. Vì thế nếu bạn muốn ăn mừng thập kỷ mới “ngay và luôn” thì bạn cứ việc. Còn nếu không muốn, bạn đợi thêm một năm nữa cũng không sao.
 
Theo Bích Hà/LĐO
 

.