Làng chài tỷ phú kiệt quệ vì tự "bơi" trong bão nợ

05:12, 12/12/2019
.
(Baoquangngai.vn) - “Ngân hàng gọi lên gọi xuống miết. Lâu lắm rồi tôi không có một ngày bình yên, nhiều lúc tự hỏi sao mình lại lâm vào cảnh này?” – chủ tàu Trần Thị Bông, thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) nghẹn ngào.
Từ tỷ phú ra lều tạm

Gặp chủ tàu Dương Minh Tiến, ở thôn Phổ Trường, xã Phổ An trong tình cảnh thê thảm, anh ngượng ngùng trong căn lều dựng tạm bên bờ biển. Đó là túp lều chừng 20m2, quây bạt làm nơi buôn bán kiếm sống qua ngày của vợ chồng anh Tiến.

"Sức cùng lực kiệt. Hết cơ hội đi biển rồi. Còn cái nhà ông già mình mượn thế chấp, ngân hàng mà lấy nữa là cả nhà ra đường ở. Chẳng biết phải làm gì để thoát ra khỏi mớ bòng bong này”- anh Tiến chua chát.
 
Từ tỷ phú, sở hữu đôi tàu 8 tỷ đồng, vợ chồng anh Tiến phải ra lều tạm ở.
Từ tỷ phú, sở hữu đôi tàu 8 tỷ đồng, vợ chồng anh Tiến phải ra lều tạm ở.

Vợ chồng anh Tiến ra bờ biển dựng tạm túp liều từ sau tết để bán nước lặt vặt. Gần 40 tuổi, vợ chồng anh từ tỷ phú với đôi tàu trị giá 8 tỷ đồng xuống túp lều tạm chỉ trong 2 năm.

Anh Tiến vay ngân hàng hơn 3 tỷ đồng cộng với số tiền tích cóp sắm đôi tàu lớn 8 tỷ đồng hành nghề giã cào. Niền vui chẳng tày gan khi làm chủ đôi tàu lớn chưa được bao lâu thì nghề biển gặp khó. Nghề giã cào bị cấm khai thác ven bờ, nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, bị người đi bạn lừa cả tỷ đồng, nợ chồng nợ, vợ chồng anh Tiến điêu đứng.

Sau 2 năm, số tiền nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi lên đến gần 4 tỷ đồng. Đôi tàu lớn trị giá 8 tỷ đồng nằm bờ. Anh Tiến dựng lều bán nước, vợ bán bèo quanh làng chài.

“Ghe cắm ngân hàng muốn làm gì làm. Lo nhất là cái nhà của ba mẹ. Giờ anh chị em cho mượn trả tiền vay ngân hàng để lấy sổ về trả cho ông già mà ngân hàng cũng không chịu. Cả nhà ra đường ở thiệt rồi”- anh Tiến nheo mắt, thở dài nhìn ra biển.

Cùng cảnh ngộ như vợ chồng anh Tiến, vợ chồng chị Trần Thị Bông, ở thôn Tân Mỹ cũng đang sở hữu đôi tàu hơn 700CV đang neo bờ.
 
Ngôi nhà chị Bông đóng cửa im ỉm chờ ngân hàng đến kê biên
Ngôi nhà chị Bông đóng cửa im ỉm chờ ngân hàng đến kê biên.

Những năm trước, giữa lúc ăn nên làm ra, vợ chồng chị Bông không nghĩ được rằng, thời hoàng kim chóng lụi tàn. Hai năm trước, đôi tàu của chị bắt đầu “đi có, về không”, tàu làm ăn thất bát, gần 40 người đi bạn mượn của chị Bông cả tỷ đồng rồi một đi không trở lại.

Tỷ phú một thời nắm trong tay đôi tàu 10 tỷ đồng, chị Bông bán một chiếc tàu trả nợ, giờ còn 2,7 tỷ đồng tiền gốc và lãi. Chị Bông về nhà mẹ ở, chồng chị ra Quảng Nam làm thuê. Mấy tháng nay, ngôi nhà 2 tầng khang trang của bị Bông đóng cửa im ỉm chờ ngân hàng xuống kê biên.
 
Khốn khổ vì nợ nần

Dọc làng biển Nghĩa An, những chiếc tàu đã hoăn rỉ nằm im lìm trong bến. Có con tàu đóng dang dở đã bắt đầu mục nát. Theo trục đường chính trong xã, hàng loạt ngôi nhà cửa khóa trong thời gian dài treo biển bán nhà.

Nhiều người đi bốc nóng tiền lãi suất 5 - 10%/tháng để cho ngư dân vay cũng điêu đứng vì ngư dân chìm trong “bão” nợ, nhiều gia đình ly tán. 

Lần theo số điện thoại ghi trên một tấm biển bán nhà, tôi gặp một người phụ nữ. Giọng thỏ thẻ, chị cho biết, gia đình chị đã cho 2 con nghỉ học, cả nhà vào Sài Gòn làm thuê.

Chị vay “nóng” hơn tỷ đồng để cho ngư dân vay lại hành nghề biển, ngư dân lao đao, không trả, chủ nợ “hăm dọa”, chị đã bán một lô đất và một cái nhà được hơn 800 triệu, còn 600 triệu chị mất khả năng chi trả nên đành bán luôn cái nhà đang ở đi làm thuê.

Tôi dừng chân ở một tiệm tạp hóa, sát một căn nhà đang treo biển bán nhà, chủ tiệm cho biết: “Nhiều nhà dọc lối này đã bỏ đi, ngân hàng kê biên nhà, phát mãi nhiều lắm. Cả làng nợ ngập đầu, nợ ngân hàng, nợ “xã hội đen”, mỗi nhà vài tỷ đến vài chục tỷ”.
 
Nhiều con tàu đóng gian dở vì chủ tàu vướng vòng nợ nần.
Nhiều con tàu đóng gian dở vì chủ tàu vướng vòng nợ nần.

Sau gần 2 năm làng chài kiệt quệ trong “bão” nợ, ngư dân mong mỏi chính quyền sớm có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, cứu làng chài trong cơn tuyệt vọng để tạo điều kiện giúp cho ngư dân tiếp tục bám biển.

Bài, ảnh: C.P
 

.