(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, huyện Tây Trà đã hoàn thành các bước chuẩn bị cho việc sáp nhập vào huyện Trà Bồng vào cuối năm nay. Cùng với hoàn thành các bước cho việc sáp nhập, cả hệ thống chính trị của huyện cũng đã và đang làm tốt công tác tuyên truyền, nhằm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thực hiện Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 5.9.2019 của UBND tỉnh về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 – 2021 và xây dựng chính quyền một cấp ở huyện Lý Sơn, trong tháng 10 vừa qua, huyện Tây Trà đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cử tri toàn huyện về Đề án sáp nhập vào huyện Trà Bồng và sáp nhập 6 xã của huyện để thành lập 3 xã mới.
Theo Phòng Nội vụ huyện Tây Trà, tại hội nghị lấy ý kiến có trên 83% cử tri đồng ý với phương án sáp nhập huyện, xã theo đề án của tỉnh.
Xã Trà Quân là một trong 6 xã của huyện Tây Trà phải sáp nhập vào cuối năm nay. |
Trên cơ sở đó, HĐND huyện Tây Trà đã ban hành Nghị quyết thống nhất thông qua Đề án sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng; Đề án sáp nhập 6 xã của huyện Tây Trà. Theo đề án được thông qua, sau khi sáp nhập huyện Tây Trà với huyện Trà Bồng thì lấy tên đơn vị hành chính mới là huyện Trà Bồng.
Đối với việc sáp nhập 6 xã của huyện gồm: Xã Trà Nham nhập với xã Trà Lãnh thành xã Hương Trà; xã Trà Trung nhập với xã Trà Thọ thành xã Trà Tây; xã Trà Khê nhập với xã Trà Quân thành xã Sơn Trà.
"Đến nay, các bước chuẩn bị cho việc sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng đã được huyện chuẩn bị xong, chờ ý kiến của tỉnh thông qua đề án của huyện rồi gửi ra trung ương. Về công tác kiện toàn tổ chức của 3 xã mới, trước mắt, chúng tôi chủ trương cộng dồn số lượng về cơ học. Sau đó sẽ sắp xếp, bố trí lại theo quy định cơ cấu về số lượng". Bí thư Huyện ủy Tây Trà PHẠM XUÂN VINH |
Bí thư Huyện ủy Tây Trà Phạm Xuân Vinh cho biết: Trong quá trình thực hiện các bước để sáp nhập, hệ thống chính trị của huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân nhân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân.
Cấp ủy và chính quyền địa phương đã giải đáp những băn khoăn, tâm tư của người dân về các vấn đề sau khi sáp nhập liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng cao...
Theo đó, lĩnh vực giáo dục, y tế vẫn hoạt động bình thường, không có gì thay đổi sau khi sáp nhập huyện; về tài sản công là các trụ sở cơ quan nhà nước của huyện sẽ được tận dụng để làm việc như văn phòng 2 của huyện mới.
"Về những lo lắng của nhân dân khi sáp nhập vào huyện Trà Bồng thì việc đầu tư hạ tầng, xã hội trên địa bàn Tây Trà hiện nay sẽ bị cắt giảm, chúng tôi đã ghi nhận và sẽ phản ánh lên cấp trên…", ông Phạm Xuân Vinh cho biết thêm.
Bài, ảnh: X.THIÊN