(Baoquangngai.vn)- Gần 10 năm nay, ông Phan Đình Tuyên (49 tuổi) ở xóm Đồng Min, thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương (Bình Sơn) đã tận dụng chiếc đó của gia đình để đưa người dân qua sông an toàn, khi con đường duy nhất từ thôn đến trung tâm xã bị nước lũ chia cắt.
TIN LIÊN QUAN |
---|
10 năm lái đò đưa người dân "ốc đảo" qua sông
Xóm Đồng Min có 250 hộ với trên 1.000 người sinh sống. Ngôi làng này nằm biệt lập giữa dòng sông Trà Bồng, việc đi lại của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Vào mùa nắng, người dân và học sinh có thể qua lại trên chiếc cầu tre bắc ngang qua sông.
Thế nhưng, khi lũ về làm ngập cầu tre thì chỉ có ghe, đò mới qua lại được. Cũng chính vì thế, mà chính quyền địa phương đã dành kinh phí mua sắm phương tiện và cắt cử ông Tuyên làm nhiệm vụ đưa đò.
Tính đến nay ông Phan Đình Tuyên đã có thâm niên 10 năm làm nghề đưa đò. Gọi là nghề nhưng với ông đây chỉ là công việc “đến hẹn lại lên” và chỉ bận rộn vào mùa mưa lũ tháng 10, tháng 11.
Ông Tuyên chia sẻ, nghề đưa đò mùa lũ không giống bất kể công việc nào khác, muốn làm được nghề này cần có chứng chỉ, bằng lái hành nghề. Ngoài ra, khi làm phải kiên nhẫn, tâm lý vững vàng và cũng cần có cái duyên.
Ông Phan Đình Tuyên trong một chuyến đò đưa người dân qua sông sau trận lũ hồi đầu tháng 10 năm 2011. |
“Tôi đến với nghề này cũng là một cái duyên. Đó là trong trận lũ lịch sử năm 2009, khi tôi còn làm cá ven sông thì cơn bão số 11 ập đến bất ngờ khiến người dân “ốc đảo” không kịp trở tay; 27 người bị cô lập ở cồn cát nằm giữa sông Trà Bồng. Lúc đó, các lực lượng chức năng tính toán nhiều phương án giải cứu, nhưng do dòng nước quá hung dữ, không có phương tiên nào tiếp cận được nạn nhân.
Trước tình thế nguy cấp ấy, ông đã xung phong cùng 3 người khác trong thôn nổ máy chiếc thuyền của mình đi ứng cứu. “Lúc đó, nghĩ đến 27 con người có thể bị cơn lũ dữ cuốn trôi thì tất cả chúng tôi quên hết nỗi sợ hãi trước dòng lũ hung dữ đang chảy xiết. Nếu chậm 1 phút thì có lẽ mọi chuyện đã xấu đi, nhưng thật may chúng tôi đã đưa họ về bờ an toàn”, ông Tuyên nhớ lại.
Kể từ đó đến nay đã 10 năm, ông Tuyên không còn nhớ chính xác mình đã đi được bao nhiêu chuyến đò, chỉ biết rằng con số chắc chắn đã lên đến hàng trăm. Trong số đó, không biết bao lần trong đêm khuya, mưa gió phải tức tốc ra bến đò vì có người trong thôn bị ốm đau, có việc đột xuất hay phụ nữ trở dạ phải vào bệnh viện. Và cũng không hiếm khi, một mình chèo đò sang bên kia sông để chở một người về “ốc đảo”.
“Nếu làm công việc này để kiếm sống, thì có lẽ ông cũng không bám trụ được đến giờ. Giá mỗi lượt qua đò của người dân chỉ 1.000 đồng, người già và học sinh thì miễn phí. Trừ tiền dầu, tiền sửa đò mỗi năm, thu nhập từ đưa đò không đáng kể. Nhưng được người dân, chính quyền tin tưởng, thì tôi luôn hoàn thành tốt công việc của mình. Đó không chỉ là trách nhiệm của bản thân mà còn vì trách nhiệm với bà con ở “ốc đảo” này”, ông Tuyên bộc bạch.
Ông Tuyên kể lại những lần đưa đò vượt lũ "bất đắc dĩ" khiến ông phải nín thở. |
Lục tìm trong trí nhớ của mình, ông kể cho chúng tôi nghe về những chuyến đò khó khăn nhất trong “sự nghiệp” của mình. Đó là những lần đưa chị em phụ nữ trở dạ trong thôn vào bệnh viện trong đêm hôm, mưa gió. Thậm chí, có những lần đò đi gần tới bến thì ngay giữa sông có một chuyến đò khác bị lật.
Gặp những trường hợp như vậy, ai làm nghề cũng phải “căng như dây đàn”. Tình huống cấp bách như vậy, nếu không di chuyển nhanh có thể nguy hiểm đến tính mạng con người, lúc đó tôi phải thật điềm tĩnh, khéo léo tay lái mới có thể đưa đò vượt lũ an toàn", ông Tuyên nhớ lại.
Không mong giữ nghề
Sinh sống trên ốc đảo hàng chục năm nay, thấu hiểu những khó khăn trong đi lại của người dân nơi đây. Vậy nên, với ông Tuyên, đưa đò dường như không phải nghề để kiếm sống mà hơn hết là phục vụ bà con đi lại qua sông Trà Bồng vào mùa lũ.
Như lời ông nói, để đảm bảo đưa người dân qua sông an toàn trong mùa mưa lũ là chuyện không hề dễ dàng. Nếu lỡ một chuyến đò thì người buôn bán lỡ buổi chợ, công nhân nghỉ làm, học sinh nghỉ học. Sợ nhất là đò chìm; rồi những trường hợp bị ốm đau khi qua đò phải mất hàng giờ nên rất nguy hiểm đến tính mạng
Do đó, dù là có thâm niên trong nghề nhưng những chuyến đò ngang như thế ông thấy không an toàn, thậm chí nhiều khách không chịu mặc áo phao thì nguy cơ tai nạn đuối nước là rất lớn. Cũng chính vì lý do này, nên ông Tuyên chưa bao giờ có ý định truyền nghề cho ai và gìn giữ nghề này.
Dù biết là phục vụ người dân trên "ốc đảo" này qua lại với đất liền nhưng chưa bao giờ ông có ý định truyền nghề cho ai và gìn giữ nghề này |
Ông Tuyên bảo, những đợt lũ lớn, có khi các em học sinh phải nghỉ học cả chục ngày. Nhưng điều lo nhất là người dân trong thôn nếu chẳng may đau ốm đúng dịp lũ thì nguy to. Vì đò không dám qua sông khi nước lũ đang dâng cao, chảy xiết, trong khi tính mạng người bệnh thì nguy cấp.
Do đó, việc xây dựng một chiếc cầu vượt sông Trà Bồng nối liền người dân “ốc đảo” ở thôn Đông Yên, xã Bình Dương (Bình Sơn) là cấp thiết. Khi đó, các cháu học sinh sẽ thong dong đến trường không phải nơm nớp vượt sông mùa lũ như thế này. Người dân ở địa phương khác cũng không ngần ngại ghé đến "ốc đảo" này", ông Tuyên trãi lòng.
"Người dân nơi đây rất mong có một cây cầu chắc chắn, an toàn để sang sông. Có cầu, thôn này sẽ xóa được tiếng ốc đảo đã đeo đẳng bao đời nay. Có cầu, con em trong thôn đi học cũng đỡ vất vả, không phải dậy từ sớm, người dân không lo mỗi khi trở bệnh”.
Trưởng thôn Nguyễn Tấn Tiến mong mỏi
“Nhìn con sông chảy xiết mà tôi không khỏi lo lắng. Đứa nào tôi cũng bắt mặc áo phao mới được lên đò. Học sinh thì dễ bảo hơn, còn nhiều người lớn, nhất là đám thanh niên choai choai thì khó bảo lắm, nhiều lúc tôi cũng phải chịu thua”.
Ông Phan Đình Tuyên
|
Bài, ảnh:
THỦY TIÊN