Bao giờ Đồng Min hết “lụy đò”?

10:10, 31/10/2011
.

(QNg)- Xã Bình Dương (Bình Sơn) được ví như một ốc đảo của huyện Bình Sơn. Trước đây, ai muốn về Bình Dương đều phải đi đò, bắt đầu từ bến sông Châu Ổ.  Giờ đây về xã tuy đã có đường nhựa, cầu bê tông; nhưng vẫn còn gần 250 hộ dân xóm Đồng Min còn phải đi đò vào mùa mưa bão, tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Cũng như bao gia đình, hộ bà Nguyễn Thị Điện, vốn bao đời  sinh sống ở đất Đồng Min này, hằng ngày phải qua lại trên sông buôn bán lo toan cuộc sống. Vào mùa nắng thì không lo ngại gì, vì có cầu tạm để qua; nhưng vào mùa mưa thì phương tiện duy nhất là "đò" để qua sông với bao phiền luỵ. Bà Điện nói: "Tôi sống ở đây nhiều đời rồi, hằng ngày phải qua lại trên bến sông này, mùa nắng thì có cầu để đi, nhưng vào mùa mưa thì phải đi đò phiền luỵ lắm…".
 
Vào mùa nước lớn, người dân xóm Đồng Min phải qua sông bằng đò ngang thiếu an toàn.
Vào mùa nước lớn, người dân xóm Đồng Min phải qua sông bằng đò ngang thiếu an toàn.

Chiếc đò đưa mọi người qua sông, được ông Phan Đình Tuyên vận dụng từ ghe chuyên hút cát bán phục vụ nhu cầu xây dựng. Đây cũng là phương tiện để ông Tuyên có thêm thu nhập mưu sinh. Tận mắt chứng kiến chiếc ghe có vẻ không hợp lắm với việc đưa đò, bởi thiết kế và trên ghe không hề được trang bị một loại phao cứu sinh nào; nhưng hàng ngày nó phải cõng trên lưng mình khá đông người và hàng hoá. Hầu hết khách qua đò không mặc áo phao, thật đáng lo sợ nếu xảy ra sự cố. Ông Hà Tặng, xóm Đồng Min nói: "Dẫu biết đi đò có nhiều nguy hiểm, nhưng chúng tôi vẫn phải đi, chứ có con đường nào khác đâu…".

Bến sông này vào mùa nắng, người dân ở đây đóng góp công sức đan phên tre, dùng cây dương liễu, bạch đàn làm cọc đóng trụ... để làm cầu tạm qua lại, tuy có "lắc lẻo" nhưng khá thuận tiện. Sau đó đến độ cuối tháng 8 âm lịch thì phải dỡ cầu để tránh lũ, giữ lại vật liệu để làm lại cầu lần sau.

Ông Lê Minh Chính - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: "Địa phương đã có nhiều tính toán, kể cả việc lập dự án xin Nhà nước đầu tư xây cầu bê tông, nhưng kinh phí quá lớn (khoảng vài chục tỷ đồng) nên chưa thể thực hiện được. Để bảo đảm an toàn cho nhân dân qua lại, nhất là trong mùa mưa bão, địa phương đã chỉ đạo trang bị đầy đủ áo phao, củng cố phương tiện; người điều khiển phải có giấy phép hành nghề; đặc biệt là việc theo dõi, kiểm tra số lượng người, hàng hoá của mỗi chuyến đò… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng người dân".

Dòng sông Trà Bồng ngày ngày vẫn cuộn trôi theo thời gian và cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn. Gần 250 hộ dân xóm Đồng Min chưa biết bao giờ mới thoát ra được cái vòng luẩn quẩn cầu tạm - dỡ cầu - đi đò.         
 
Bài, ảnh: Văn Việt

.