(Báo Quảng Ngãi)- Trận lũ lịch sử năm 1999 và bão, lũ năm 2009 được đánh giá là “tổng hợp các loại hình thiên tai cùng một lúc”, đã gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản đối ở khu vực miền Trung nói chung, Quảng Ngãi nói riêng... Nhìn lại những trận bão, lũ ấy để rút ra bài học về phòng, chống và khắc phục hậu quả là điều chưa bao giờ thừa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thiệt hại nặng nề
Theo đánh giá của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, trận lũ năm 1999 không chỉ xác lập chuỗi số liệu chưa từng có trong vòng 100 năm qua về cường độ và lưu lượng mưa, mà đây còn là thảm họa thiên nhiên lớn nhất từ trước đến nay hoành hành các tỉnh miền Trung.
Trận "đại hồng thủy" năm 1999 đã gây ra hậu quả rất nặng nề và lâu dài đối với xã hội, kinh tế, môi trường ở 10 tỉnh miền Trung, làm cho 595 người chết và tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 3.773 tỷ đồng. Riêng Quảng Ngãi có 108 người chết, 215 người bị thương, hơn 17 nghìn ngôi nhà bị sập và hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về kinh tế trên 500 tỷ đồng.
Thiên tai gây ra hậu quả nặng nề cho người dân và xã hội, nhất là khu vực ven biển. |
Mười năm sau, năm 2009, một "tổ hợp" bão và lũ đổ bộ vào Quảng Ngãi, Quảng Nam. Với cường độ gió giật cấp 13, bão số 9 lại song hành với lũ, cộng với thời gian tàn phá dài (từ đêm 28 đến ngày 29.9.2009) đã gây tổn thất rất lớn cho người dân trong tỉnh, với 33 người chết, 2 người mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 4.465 tỷ đồng.
Đã 10 năm trôi qua, nhưng “vết tích” của bão số 9 vẫn hiện hữu qua những ngôi nhà không người ở, nằm trơ trọi bên bờ biển thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (Bình Sơn).
“Sau bão số 9, những hộ dân có nhà bị hư hỏng và nằm sát mép biển đã được di dời. Nhưng biển xâm thực nhanh, nên hiện giờ bờ biển cũng đã tiến sát vào khu dân cư. Vì vậy, đến mùa mưa, chúng tôi ở phía trong vẫn nơm nớp lo sợ biển ngoạm đất, sóng dỡ nhà”, ông Nguyễn Ba, ở thôn Lệ Thủy cho biết.
“Sau trận lũ lịch sử năm 1999, phản ứng nhanh và hiệu quả nhất là việc Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo điều kiện để người dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi, không thế chấp tài sản, nhằm khắc phục nhanh những thiệt hại nặng nề mà thiên tai đã gây ra”. Giám đốc Sở NN&PTNT DƯƠNG VĂN TÔ |
Kinh nghiệm ứng phó và khắc phục hậu quả
Thiệt hại từ đợt lũ quá nghiêm trọng, nên song song với công tác cứu trợ khẩn cấp, ngày 15.11.1999, Chính phủ đã gửi nhiều loại lương thực, thực phẩm, thuốc men đến các tỉnh bị thiệt hại từ Quảng Bình đến Bình Định; phân bổ 200 tỷ đồng kịp thời hỗ trợ dân sinh và khôi phục cơ sở hạ tầng; đồng thời tổ chức Hội nghị về khắc phục hậu quả và kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Vì vậy, sau lũ, dân sinh ổn định, dịch bệnh được không chế nên không bùng phát và lây lan...
Còn sau bão số 9 năm 2009, cùng với việc tập trung tất cả nguồn lực triển khai công tác khắc phục hậu quả, chính quyền các cấp đã thẳng thắn phân tích và làm rõ những tồn tại, bất cập trong quá trình ứng phó.
Ngoài nguyên nhân khách quan là bão có cường độ mạnh, phạm vi tác động rộng, lại thêm bão song hành với lũ nên vừa đối phó với bão, vừa dồn sức chống lũ, thì công tác thông tin diễn biến và thời gian bão đổ bộ vào đất liền chưa chính xác, chính quyền và người dân còn chủ quan và bị động trong việc phòng chống.
Từ bài học ứng phó, khắc phục hậu quả của trận lũ 1999 và bão số 9 (năm 2009), các cấp, ngành và người dân trong tỉnh đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bão lụt. Nhất là việc tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống thiên tai (PCTT) cho cộng đồng, người dân; xây dựng phương án PCTT cụ thể cho từng vùng, địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, bố trí phương tiện và lực lượng tham gia ứng phó với các sự cố thiên tai; xây dựng nhà tránh lũ cộng đồng...
Ngoài ra, trung ương và tỉnh cũng đầu tư nâng cấp, xây dựng 21 trạm đo mưa tự động chuyên ngành, trạm thủy văn chuyên dùng... nhằm nâng cao hiệu quả cảnh báo thiên tai. Chính vì vậy, đợt mưa lũ vào các năm 2013, 2017, chính quyền và người dân trong tỉnh đã chủ động và ứng phó linh hoạt, góp phần hạn chế tối thiểu thiệt hại về người, tài sản.
Giai đoạn 2014 - 2018, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Quảng Ngãi đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thực hiện các công trình phòng chống thiên tai. Trong đó, chủ yếu là đầu tư kiên cố đê, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển; sửa chữa, nâng cấp 10 hồ chứa nước; sửa chữa và nâng cao an toàn đập; nâng cấp hệ thống thủy lợi Thạch Nham; xây dựng đập ngăn mặn; kiên cố hệ thống kênh mương... |
Bài, ảnh: THANH PHONG