Sống thấp thỏm ven sông

10:08, 20/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa mưa bão đang đến gần, khiến hàng trăm hộ dân sống ven sông Vệ, sông Trà Bồng đang rất lo lắng, vì bờ sông tiến sát nhà...       

TIN LIÊN QUAN

Sông "ngoạm" sát nhà

“Khu vực này bị sạt lở từ nhiều năm trước, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, bờ sông bị sạt lở nhanh hơn và nghiêm trọng hơn, bờ sông ngày càng tiến sát vào nhà, khiến người dân rất lo lắng”, ông Lê Tấn Vinh, thôn Đông Yên, xã Bình Dương (Bình Sơn) cho biết.

Dọc sông Trà Bồng, đoạn qua thôn Đông Yên được người dân trồng tre, để hạn chế sạt lở. Nhưng mùa mưa bão năm 2018, không chỉ bờ tre, mà cây cối và vườn nhà của hàng chục hộ dân tại khu vực này đã bị sông “ngoạm”. Để khắc phục, ông Vinh và một số hộ dân tiếp tục trồng tre và tự đổ đất đá, những mong hạn chế tình trạng sạt lở, nhưng cũng không ăn thua. Chính vì vậy ông Vinh đã phải dời nhà vào phía trong.

Điểm sạt lở bờ sông Trà Bồng ở thôn Đông Yên, xã Bình Dương (Bình Sơn).Người dân cần chủ động ứng phó
Điểm sạt lở bờ sông Trà Bồng ở thôn Đông Yên, xã Bình Dương (Bình Sơn).

Trong khi đó, hàng trăm hộ dân ở khu dân cư (KDC) số 17, 18, thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) cũng khắc khoải âu lo mỗi khi có mưa lớn. “Mùa mưa bão, nước sông Vệ dâng cao và chảy xiết, gây xói lở bờ sông, phá hủy bờ tre và đường giao thông, uy hiếp nhà dân”, ông Lê Văn Hương cho biết. Gần 5 năm trước, nhà ông Hương cách bờ sông gần 30m, lại có bờ tre dày đặc bảo vệ. Nhưng đến thời điểm này, bờ sông đã tiến vào tận sân nhà, chỉ cách nhà ông 10m.  

Khắc phục không xuể

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Phạm Bá Nam, tình trạng sạt lở dọc sông Vệ, đoạn qua xã Đức Hiệp không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, mà còn thu hẹp diện tích đất sản xuất của gần 300 hộ dân. Có điều, tình trạng sạt lở ven sông Vệ đã xảy ra hàng chục năm qua, chính quyền và người dân cũng chỉ biết tích cực trồng tre, cũng như chủ động di dời khi có sự cố thiên tai. “Chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng kè, hoặc thực hiện các giải pháp kiên cố bờ sông, giúp bà con yên tâm sinh sống và sản xuất”, ông Nam kiến nghị.

Không chỉ các xã Bình Dương, Đức Hiệp, mà trên địa bàn tỉnh còn có trên 152 điểm sạt lở bờ sông, trong đó có 105 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Trưởng phòng Quản lý thiên tai, Chi cục Thủy lợi Bùi Đức Thái lý giải: “Đặc trưng địa hình sông ngòi trên địa bàn tỉnh là ngắn, độ dốc lớn, nên vào mùa mưa, dòng chảy có cường độ mạnh, gây lũ lớn, làm cho bờ sông bị sạt lở nhanh và ngày càng diễn biến phức tạp”.

Mặc dù tình trạng sạt lở ven sông đe dọa tính mạng và tài sản của hàng nghìn hộ dân, nhưng vì kinh phí xử lý, khắc phục và kiên cố rất lớn, nên tỉnh cũng chỉ ưu tiên bố trí vốn đầu tư khắc phục một số vị trí cấp bách và đặc biệt nguy hiểm. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã và đang đầu tư thực hiện 37 dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài kè khoảng 44km, nhưng như vậy cũng chỉ bằng 1/5 tổng chiều dài bờ sông, bờ biển bị sạt lở.

Người dân cần chủ động ứng phó

Để kịp thời ứng phó và hạn chế thiệt hại do sạt lở, bồi lấp bờ sông gây ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá, phân loại mức độ sạt lở, bồi lấp; đồng thời đề xuất và triển khai xử lý cấp bách các điểm sạt lở, bồi lấp. Tuy nhiên, diễn biến sạt lở, bồi lấp cửa sông đang diễn ra phức tạp, nên trong khi chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền và người dân vùng sạt lở ven sông cần tích cực trồng tre, hoặc đổ đất gia cố tạm thời các điểm sạt lở.


Bài, ảnh: B.DUYÊN

 

.