(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 30 năm qua, sư thầy Thích Hạnh Khiết (60 tuổi), trụ trì chùa Phước Quang, xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh) đã cưu mang gần 50 đứa trẻ mồ côi và nhiều người neo đơn, tàn tật.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngôi chùa nơi thầy trụ trì còn là một bệnh xá thu nhỏ, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Ngôi chùa đầy ắp tình thương
Men theo con đường bê tông chạy dọc tuyến kênh dẫn nước tưới cho cánh đồng lúa xanh rì, chúng tôi tìm đến chùa Phước Quang. Vừa đặt chân tới cổng chùa, cái nắng mùa hạ như dịu hẳn, bởi tiếng cười nói vô tư của hàng chục đứa trẻ đang quây quần bên “người cha” của mình.
Sư thầy Hạnh Khiết khuôn mặt nhân từ, dáng người dong dỏng, một bên mắt không còn lành lặn do bom đạn chiến tranh. Thoáng thấy chúng tôi, một bé nhỏ chạy lại bên sư thầy nũng nịu: “Mẹ ơi! anh Sa La trêu chuột!”.
Ông nhỏ nhẹ xoa đầu cháu bé rồi bảo: “Các con ngoan, để mẹ làm việc nghen chưa?”. Thấy tôi ngạc nhiên vì cách xưng hô, sư thầy từ tốn kể: Đứa lớn thì hay gọi cha, còn tụi nhỏ này lúc đói, khát, ốm đau, hay “kiện thưa”, thì chúng đều gọi là mẹ. Quả thật, bao năm qua, đối với xấp nhỏ, ông vừa là cha, vừa là mẹ.
Thầy Hạnh Khiết bên những “đứa con” của mình. |
Ôm đứa bé nhỏ nhất mới một tuổi, ông kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đến với các mảnh đời bất hạnh. Chùa Phước Quang được xây dựng năm 1958, trải qua 3 đời trụ trì. Sư thầy Hạnh Khiết tên thật là Nguyễn Tấn Cư, trụ trì chùa từ năm 1990 đến nay.
Trong một lần đi khám bệnh ở miền núi, nghe người dân bàn tán về một em bé mới sinh, nhưng bị bỏ rơi tại trạm y tế xã. Xót thương đứa trẻ bất hạnh, sư thầy liền xin nhận cháu bé về nuôi và đặt tên Trần Văn Diệu. Năm nay Diệu 27 tuổi, đang làm kế toán tại một ngân hàng ở tỉnh Gia Lai. Cũng từ đó, cứ nghe ở đâu có trẻ con bị bỏ rơi, hay hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, sư thầy đều nhận về nuôi.
"Tôi mong có sức khỏe để tiếp tục làm việc thiện cho đời. Bao giờ tôi qua đời, thì nhờ giáo hội, chính quyền địa phương tiếp tục duy trì, mong có người tiếp nối để cưu mang những đứa trẻ bất hạnh”. Sư thầy THÍCH HẠNH KHIẾT |
Đối với sư thầy Hạnh Khiết, gần như không ngày nào được thảnh thơi. Không lo sao được khi thầy là người trụ cột trong một đại gia đình đang nuôi nấng hàng chục đứa trẻ, nào là nỗi lo cơm áo gạo tiền, lo cho tụi nhỏ đi học...
Để có tiền nuôi những đứa trẻ, sư thầy Hạnh Khiết làm nhang, làm thức ăn chay để bán, rồi chạy đôn, chạy đáo kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ...
Những năm đầu khó khăn, sư thầy phải ăn khoai mì, khoai lang, nhường cơm cho bọn trẻ. Những em bé thiếu tháng, thầy phải bế đi "bú mày" các bà mẹ mới sinh trong vùng. Cơ cực, khó khăn không gì tả hết...
Trong số những “đứa con” của mình, có lẽ đứa lấy của ông nhiều nước mắt và nhọc nhằn nhất là bé Nguyễn Hoàng Sa La (8 tuổi). Sa La có tuổi thơ bất hạnh, bị bỏ rơi đến hai lần. Lần đầu bị cha mẹ bỏ khi mới vài ngày tuổi, sau đó được một gia đình nhận về nuôi, nhưng bé bị mắc bệnh động kinh, nên bị bỏ rơi lần hai bên gốc Sa La ở cửa chùa.
Thầy bế đứa bé mới vài tháng tuổi, bệnh tật không còn sức sống vào lòng, rồi cái tên Sa La theo em đến giờ. Bị bệnh, nên mỗi đêm em khóc quấy, lúc lên cơn bệnh, ông trắng đêm canh chừng và lo thuốc thang chữa trị. Giờ đây, khi thấy Sa La lớn lên từng ngày, sư thầy vui mừng không tả xiết.
Hoàn cảnh của 6 đứa trẻ là anh em ruột ở xã Tịnh Ấn Tây cũng đáng thương không kém khi cha mẹ đều đã qua đời. Sư thầy nhận tất cả về nuôi ăn học, sau đó dựng vợ, gả chồng. Giờ những đứa con ấy vẫn thường gọi điện về hỏi thăm cha và báo tin có thêm những đứa cháu.
Điểm tựa của bệnh nhân nghèo
Không chỉ là mái nhà chung của hàng chục đứa trẻ mồ côi, nhiều năm qua, chùa Phước Quang còn là một bệnh xá thu nhỏ, chữa bệnh miễn phí cho hàng nghìn người dân nghèo. Vốn có kiến thức về y khoa, thầy Hạnh Khiết học thêm đông y để nâng cao hiệu quả chữa trị cho người bệnh. Nhiều cụ già mắc bệnh xương khớp thường tìm đến sư thầy để điều trị. Vừa châm cứu, bấm huyệt, bốc thuốc miễn phí, thầy còn tư vấn tâm bệnh, giúp nhiều người bệnh vượt qua khó khăn.
Mỗi ngày có nhiều người tìm đến thầy Hạnh Khiết để được chữa bệnh đông y miễn phí. |
“Thầy đã đưa tôi về nuôi lúc tôi 10 tuổi. Thầy là cha, là mẹ nuôi nấng tôi nên người. Khi trưởng thành, có việc làm ổn định tôi tiếp tục ở lại chùa giúp thầy chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Đó cũng là cách để trả ơn thầy”. Anh HUỲNH CÔNG DÂN, điều dưỡng ở Bệnh viện Phúc Hưng. |
Cụ Nguyễn Thị Cúc (70 tuổi), ở huyện Sơn Tịnh, xúc động cho biết: “Nói về thầy Khiết thì nói hoài cũng không hết chuyện. Thầy rất tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người mà không một đòi hỏi cho riêng mình. Tôi bị bệnh, đến đây được thầy cứu chữa tận tình, bệnh tình thuyên giảm”.
"Trên đời này còn nhiều người cực khổ cho nên còn sức khỏe thì còn làm từ thiện". Với suy nghĩ đó, sư thầy Hạnh Khiết không những nhận nuôi các em nhỏ bất hạnh, mà còn nuôi dưỡng gần chục cụ già neo đơn, bệnh tật không nơi nương tựa.
Bà Đạm Thị Kim Hoanh có hoàn cảnh hết sức éo le, chồng con mất vì bạo bệnh, bà không nơi nương tựa, lại bị liệt vì bệnh viêm tủy. Nhiều năm qua, bà được sư thầy cưu mang, nương tựa cùng các cháu nhỏ ở chùa. “Ơn sư thầy lớn lắm, tôi không thể kể hết. Nếu không có sư thầy chữa bệnh, chăm lo chắc giờ tôi đã xanh cỏ rồi", bà Hoanh bộc bạch.
Tấm lòng của sư thầy Hạnh Khiết không chỉ dừng lại ở đó. Mỗi tháng, thầy tổ chức nấu cơm chay cấp phát cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh. Thầy còn đứng ra tổ chức chương trình khuyến học mang tên Chi hội Khuyến học tịnh thất Phước Quang. Mỗi năm chùa đứng ra kêu gọi đạo hữu quyên góp, nuôi heo đất để trích kinh phí hơn 40 triệu đồng hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học ở địa phương.
“Ngày làm thầy, tối làm mẹ ru con, con ơi con ngủ cho dài, ơi à, à ơi...” Lời ru đầy ắp tình thương của sư thầy nhẹ nhàng đưa em nhỏ mồ côi tròn giấc khiến ai nghe qua cũng không khỏi xúc động. Thầy Hạnh Khiết đã thắp lên ngọn lửa tình thương, viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Mang lộc cho đời Gần 50 đứa trẻ được sư thầy Hạnh Khiết cưu mang không có ai phải bỏ học giữa chừng. Tất cả đều được sư thầy nuôi ăn học đến nơi đến chốn. Đối với sư thầy, đó là món quà có ý nghĩa lớn lao mà không gì sánh bằng. Đến nay, có hơn 30 người đã trưởng thành, lập gia đình riêng và có việc làm ổn định. Trong đó, có 4 người theo nghề y, là bác sĩ, điều dưỡng tại các bệnh viện lớn trong và ngoài nước. Nhiều đứa trẻ lớn lên từ chùa Phước Quang đã trở thành kỹ sư, kế toán... Hiện tại ở chùa có 10 đứa trẻ mồ côi được sư thầy nuôi dạy. “Vui nhất là vào ngày lễ, Tết, các con, các cháu đều quây quần bên nhau, gia đình tràn đầy tình yêu thương”, sư thầy Hạnh Khiết bộc bạch. |
Bài, ảnh: KIM NGÂN