(Baoquangngai.vn)- Sau một mùa Tết sum vầy cùng gia đình, nhiều người dân Quảng Ngãi lại bắt đầu hành trình mưu sinh ở các tỉnh thành phía Nam. Có mặt trên chuyến tàu SE1 từ Quảng Ngãi đi TP.HCM, phóng viên Quảng Ngãi điện tử đã chứng kiến một hành trình vào Nam đầy vất vả của người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nằm la liệt lối đi trên tàu
Chiều mùng 6 Tết, ga Quảng Ngãi đông nghịt người. Những chuyến tàu Bắc - Nam liên tục vào ga đón khách. Hàng trăm người rời sân ga lên tàu. 16 giờ, ngày mùng 6 Tết, chuyến tàu SE1 cập nhà ga đón trả khách. Đây là một trong những tàu khách hiện đại nhất của đội tàu hỏa Bắc - Nam hiện nay.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi ngay cửa lên xuống tàu, đó là những hành khách kẻ đứng người ngồi khắp nơi từ khu vực nhà vệ sinh trên tàu cho đến điểm nối giữa hai toa tàu. Dù là tàu hỏa có hệ thống làm lạnh khá hiện đại, song do người người chen chúc trên tàu nên cả đoàn tàu trở nên nóng bức.
Ngay khu vực nhà vệ sinh và điểm nối giữa toa 5 và 6 của tàu SE1 có khoảng 6 hành khách đang chen lấn tìm cho mình vị trí để kê ghế ngồi. Cạnh đó nhiều vali, túi xách, thùng quà chất cao gần bằng đầu người án cả cửa lên xuống.
Ga Quảng Ngãi chiều 10.2 (mùng 6 Tết) đông nghịt người. |
Lối đi chung trên tàu SE1 vào ngày mùng 6 Tết chật kín. |
Do khu vực này bị "bịt kín" nên khung cảnh trên tàu rất lộn xộn. Để vãn hồi trật tự trên tàu, nhân viên hướng dẫn toa tàu phải yêu cầu một số hành khách thu dọn hành lý tìm vị trí để thích hợp cho hành khách lên tàu. Sau gần 30 phút khi tàu SE1 rời sân ga, trật tự trên tàu mới cơ bản ổn định.
Đi dọc các toa tàu từ giường nằm đến ghế ngồi hình ảnh dễ nhận thấy nhất đó là nhiều người ngồi, đứng khắp hành lang. Ở các toa ghế ngồi, lối đi giữa hai hàng ghế đã không còn khoảng trống. Hàng chục chiếc ghế nhựa "đổi tên" thành ghế súp được tận dụng làm ghế ngồi. Ở các khoang buồng giường nằm hành lang bên ngoài cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi mọi khoảng trống đều được hành khách tận dụng làm nơi kê ghế, trải chiếu ngồi, nằm. Mỗi khi nhân viên tàu đẩy xe đi giao cơm, bán nước dọc các toa tàu thì những "thượng đế" đi ghế súp lại phải ồ ạt đứng lên cầm ghế dơ qua đầu nhường khoảng trống bên dưới cho nhân viên tàu đi lại. Trong các khoang giường nằm 4 giường và 6 giường thì số người bên trong lúc nào cũng vượt so với quy định.
Vất vả hành trình mưu sinh
Có mặt trên chuyến tàu SE1 của hành trình từ Quảng Ngãi đi TP. Hồ Chí Minh, phóng viên đã chứng kiến những chuyện dở khóc dở cười trên tàu. Ôm đứa con trai 4 tuổi ngồi co rúm tại cửa lên xuống tàu, chị Thu đến từ tỉnh Quảng Trị cho biết, do không mua được vé giường nằm nên chị chấp nhận đi ghế súp. Đang ngon giấc thì tàu phanh gấp khiến cháu bé giật thụi rồi òa lên khóc. Chị Thu lại dỗ dành, cố gắng co người lại hơn để có đủ khoảng trống cho con nằm.
Dù mua ghế súp với giá khá cao so với ngày thường và phải vật vã trên tàu nhưng khi nhân viên kinh doanh trên tàu đi lại các hành khách lại một phen nhốn nháo.
|
"Không có vé nên chấp nhận đi vì mong sáng mai đến đúng giờ để lên công ty làm việc. Mình sao cũng được chỉ tội con vì ngồi gần nhà vệ sinh nên rất hôi. Lần sau tôi không dám đi thế này nữa", chị Thu mệt mỏi.
Cùng vợ và hai con nhỏ trở lại tỉnh Bình Dương mưu sinh, anh Nguyễn Minh Cường cho biết, anh quê gốc ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Tết rồi anh đưa các con về thăm ông và nội sau nhiều năm định cư làm ăn. Trước Tết anh có tìm mua vé nhưng không được, trong khi công việc cần vào gấp và đúng giờ cho con lên lớp nên anh tìm mua vé ghế súp. Để có chỗ cho hai con nằm ngủ vợ chồng anh Cường phải ngủ ngồi quay lưng lại.
Lối đi giữa hai hàng ghế thuộc khoang ghế ngồi mềm cũng được tận dụng triệt để làm nơi hành khách đi ghế súp kê ghế ngồi. |
"Nghe người bán vé bảo tàu này chạy nhanh và lên trên tàu có chỗ nằm. Nghe vậy tôi mới mua để đi hi vọng hai đứa con có chỗ nằm ai ngờ đoạn hành lang 15m mà người người chen chúc. May con tôi lớn tuổi nên ngủ gật gù, rồi chúng tựa vào lưng mình để ngủ, chứ mấy gia đình có cháu nhỏ thì khổ lắm. Lần sau có vé giường hoặc ghế ngồi thì đi, không thì chờ thêm ít ngày có vé rồi đi chứ đi kiểu này chẳng khác nào hành xác cả", anh Cường nói.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC