Cách đây 105 năm, ngày 7/11/1917, dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lênin và Đảng Bolshevik, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã đứng lên lật đổ chế độ cũ, lập nên nhà nước công-nông đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại.
[links()]
Từ đây, chủ nghĩa xã hội (CNXH) được biết đến không chỉ là lý tưởng, khát vọng giải phóng và mục tiêu phát triển mà còn là sức mạnh giải phóng trong thực tế, là chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) trở thành hiện thực sinh động.
Lãnh tụ V.I.Lênin phát biểu trước người dân tại Petrograd năm 1917. Ảnh: Britannica |
V.I.Lênin chỉ rõ: “Muốn bảo vệ chính quyền của công nông... chúng ta phải có Hồng quân mạnh mẽ... Có Hồng quân mạnh, chúng ta sẽ vô địch”
(1). Sự ra đời quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản Nga là nét sáng tạo, độc đáo của Cách mạng Tháng Mười, trở thành công cụ bạo lực sắc bén của Đảng Bolshevik và Nhà nước XHCN nhằm củng cố, bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền Xô viết non trẻ.
Sau Cách mạng Tháng Mười, nước Nga Xô viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã thực hiện “Chính sách kinh tế mới” (NEP) của V.I.Lênin, tiến hành khôi phục, xây dựng đất nước từ nghèo nàn, chậm phát triển dưới chế độ chuyên chế Sa hoàng, đã có sự phát triển mạnh về kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, y tế... Từ tiềm lực về sức mạnh chính trị-tinh thần, kinh tế, quân sự của mình, Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết (gọi tắt là Liên Xô) đã đóng vai trò quan trọng, có tính quyết định đối với chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cứu nhân loại thoát khỏi chủ nghĩa phát xít bạo tàn. Chính sự tồn tại và phát triển của Nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới-thành quả của Cách mạng Tháng Mười, cùng với việc đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa phát xít, đã tạo ra những tiền đề thuận lợi để giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đẩy mạnh sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển sang một thời kỳ mới.
Noi theo tấm gương của Cách mạng Tháng Mười Nga, trong thế kỷ 20, các dân tộc bị áp bức, nô dịch trên thế giới đã liên tiếp vùng lên đấu tranh đòi quyền độc lập, tạo thành phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc rất mạnh mẽ, tấn công làm rung chuyển và phá vỡ từng mảng lớn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười soi đường, dẫn lối, đã có hơn 100 quốc gia, dân tộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin vùng lên đấu tranh đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và giành được độc lập dân tộc về chính trị. Nhiều quốc gia, dân tộc đã lựa chọn lý tưởng XHCN làm định hướng phát triển, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”
(2).
Ngày nay, sau sự tan rã chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, CNXH trên thế giới đang trải qua một thời kỳ đầy khó khăn, thử thách. Chủ nghĩa chống cộng và chủ nghĩa cơ hội, xét lại hiện đại đã và đang tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử, hòng phủ nhận mọi thành quả của Cách mạng Tháng Mười và cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng vĩ đại đó là Chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã cho thấy, không phải chỉ đến ngày nay, các thế lực thù địch chống Chủ nghĩa Mác-Lênin và CNXH mới tìm mọi cách phủ nhận những giá trị của Cách mạng Tháng Mười, mà ngay từ khi chính quyền Xô viết mới được thành lập, các loại kẻ thù của cách mạng đã điên cuồng chống phá hòng dập tắt ngọn lửa Cách mạng Tháng Mười. Trong suốt quá trình lịch sử tồn tại, phát triển của nước Nga Xô viết, sau đó là Liên Xô, chủ nghĩa đế quốc câu kết rất chặt chẽ với các phần tử cơ hội, xét lại đã không từ một thủ đoạn xảo quyệt, bỉ ổi nào để hòng ngăn chặn và xóa bỏ ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười với toàn nhân loại. Chính thực tiễn lịch sử sinh động đó, cùng với thực tiễn tồn tại và phát triển của phong trào XHCN ở nhiều nước trên thế giới trong thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21 càng làm nổi bật tầm vóc, ý nghĩa và giá trị “vạch thời đại” của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, đưa đất nước vững bước đi lên con đường xây dựng CNXH. Đó cũng là quá trình đấu tranh nhằm hiện thực hóa mục tiêu và nội dung của thời đại do Cách mạng Tháng Mười mở ra. Với tấm lòng biết ơn vô hạn, mỗi chúng ta luôn ghi sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của V.I.Lênin và Cách mạng Tháng Mười”
(3). Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đối với cách mạng Việt Nam là vô cùng to lớn.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng luôn khẳng định dứt khoát đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu của CNXH, mà là tìm tòi những biện pháp, cách thức thực hiện mục tiêu đó nhanh hơn, hiệu quả hơn. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường XHCN đã chọn. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới phải trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì CNXH. Chỉ với việc thực hiện bất di bất dịch nguyên tắc đó, Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và nhân dân ta mới từng bước hiện thực hóa con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn-con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã khai phá.
Năm nay kỷ niệm lần thứ 105 cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại thành công trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực là yếu tố khách quan có tác động đến lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc nói chung và Việt Nam nói riêng. Dự báo trong thời gian tới, thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, nhanh chóng và khó lường. Các thế lực thù địch sẽ tiếp tục tranh thủ lợi thế về kinh tế, khoa học-công nghệ, sử dụng những âm mưu, thủ đoạn mới hết sức tinh vi, xảo quyệt để chống phá quyết liệt Chủ nghĩa Mác-Lênin và CNXH, ra sức xuyên tạc, phủ nhận giá trị và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười. Bởi thế, sự nghiệp đấu tranh của nhân dân các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội theo con đường Cách mạng Tháng Mười sẽ còn gặp nhiều gian truân, thách thức. Song, dù còn phải trải qua nhiều khó khăn, trở ngại nhưng nhất định CNXH sẽ có những bước tiến mới, bởi “theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”
(4). Dấu ấn lịch sử của cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga vẫn luôn tỏa sáng, soi đường, dẫn lối cho nhân loại đi tới bến bờ hạnh phúc.
Theo Đại tá,
ThS NGUYỄN ĐỨC THẮNG
(Nguồn: qdnd.vn)
-----------------------
(1). V.I.Lênin toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1976, tr.175-176
(2). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.300
(3). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1989, tr.600
(4). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.69