(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 30/10/1972 đã đi vào lịch sử và trở thành biểu tượng sinh động về tinh thần đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Ba Tơ dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Khu ủy Khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Ngãi lúc bấy giờ. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng huyện Ba Tơ, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân về sự kiện lịch sử này và những thay đổi của huyện Ba Tơ.
[links(right)]
PV: Giải phóng Ba Tơ là một trong những cột mốc lịch sử quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ. Xin đồng chí đánh giá toàn diện về chiến dịch giải phóng Ba Tơ và ý nghĩa của sự kiện này?
Đồng chí BÙI THỊ QUỲNH VÂN: Năm 1969, Mỹ thay đổi chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trước tình hình này, tháng 11/1970, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ VIII được tổ chức tại Măng Xinh (xã Trà Xinh, huyện Trà Bồng) đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ chung cho toàn Đảng bộ là: “Phát huy thắng lợi to lớn vừa qua, động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân, tăng cường đoàn kết, kiên trì đẩy mạnh kháng chiến, đẩy mạnh ba mũi giáp công, tập trung đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch...”.
Để tham gia có hiệu quả vào cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Tỉnh ủy mở 3 chiến dịch lớn, đó là: Chiến dịch Xuân Hè từ ngày 13/4 đến 30/6/1972; Chiến dịch Thu từ ngày 10/7 đến 2/9/1972; Chiến dịch tổng hợp sau Thu. Trong đó, thực hiện Chiến dịch Xuân - Hè, trên địa bàn Ba Tơ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Huyện ủy Ba Tơ đã lãnh đạo các lực lượng tiến công mạnh mẽ vào ngụy quân, ngụy quyền, với ý chí, tinh thần kiên quyết giành thắng lợi. Vào hồi 3 giờ 30 phút ngày 18/5/1972, các lực lượng vũ trang (LLVT) của tỉnh, huyện đồng loạt tấn công vào các cứ điểm và ấp chiến lược ở quận lỵ Ba Tơ, bước đầu giành một số thắng lợi.
Nhận định địch đang lâm vào thế thua và dựa vào chủ trương của Khu ủy phải giải phóng Ba Tơ trước các địa phương khác, Tỉnh ủy chỉ đạo các LLVT của tỉnh phối hợp với quân chủ lực của quân khu tiến hành đánh dứt điểm, giải phóng quận lỵ Ba Tơ. Trong đó, Tỉnh ủy chỉ đạo Huyện ủy Ba Tơ tập trung mọi sức người, sức của, kiên quyết giành thắng lợi.
Để hỗ trợ giải phóng Ba Tơ, từ ngày 15/9 đến 30/10/1972, Trung đoàn 52, đặc công Quân khu 5 và Tiểu đoàn 20 của tỉnh phối hợp với LLVT huyện và du kích địa phương đồng loạt nổ súng bao vây, tiêu diệt địch ở quận lỵ và các cứ điểm xung quanh quận lỵ Ba Tơ. Sau 45 ngày đêm liên tục chiến đấu, quyết đánh và quyết thắng quân thù, đến đêm 30/10/1972, quân ta giải phóng hoàn toàn huyện Ba Tơ.
Chiến thắng Ba Tơ đã ghi thêm vào lịch sử tỉnh nhà một chiến công vang dội. Ta đã giáng một đòn đau, làm rung chuyển hệ thống phòng ngự chiến thuật của địch, góp phần thay đổi cục diện quân sự toàn Khu 5, tạo thuận lợi cho ta mở hành lang để các lực lượng của ta từ đây vào giải phóng Bình Định, Tây Nguyên và các tỉnh phía nam. Ba Tơ trở thành huyện đầu tiên của tỉnh được giải phóng, tạo bàn đạp để các LLVT của tỉnh phát triển lớn mạnh và tiến về giải phóng tỉnh nhà vào tháng 3/1975.
Các cựu chiến huyện Ba Tơ thăm phòng trưng bày các tư liệu về Chiến dịch giải phóng Ba Tơ (Trung tâm Văn hóa và Giáo dục cộng đồng huyện Ba Tơ). ẢNH: Hữu Phát |
Đồng chí BÙI THỊ QUỲNH VÂN: Đi ra khỏi cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt, Ba Tơ phải gánh trên mình hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề. Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, quân và dân huyện Ba Tơ đã đoàn kết một lòng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, viết tiếp những trang sử hào hùng của các thế hệ đi trước, tạo nên gạch nối sống động giữa quá khứ và hiện tại về một Ba Tơ anh hùng trong kháng chiến và một Ba Tơ năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới. Nhờ đó, Ba Tơ đã đạt được những bước tiến đáng phấn khởi và tự hào trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo được thế ổn định, bền vững của vùng căn cứ địa cách mạng năm xưa, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm gần đây, kinh tế của huyện có mức tăng trưởng tương đối ổn định. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt hơn 7,15%. Còn trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân 7 - 8%/năm. Đảng bộ, quân và dân Ba Tơ luôn nỗ lực vượt khó, vươn mình mạnh mẽ trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu trở thành một “điểm nhấn” của hành lang kinh tế phía tây tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống không ngừng được đầu tư xây dựng. Hiện 19/19 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, có đường ô tô đến trung tâm; 90% số thôn có đường ô tô đến thôn; 100% đường liên xã không còn bị chia cắt vào mùa mưa lũ. Huyện xây dựng các khu dân cư, phát triển đô thị, phấn đấu xây dựng thị trấn Ba Tơ đạt tiêu chí của đô thị loại IV, đô thị mới Ba Vì đạt một số tiêu chí đô thị loại V... Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp thị trấn Ba Tơ và Ba Động, có 2 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động đem lại giá trị kinh tế cao.
Đến cuối năm 2021, tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt hơn 1.704 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực giảm tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Việc xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, bình quân mỗi xã đạt gần 12,3 tiêu chí; có 2 xã Ba Động và Ba Cung đạt chuẩn nông thôn mới.
Văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục có bước phát triển đáng kể. Huyện đã hoàn thành và giữ chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS; 14 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ. Năm 2018, Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; năm 2019, nghề dệt thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và năm 2020 nghệ thuật trình diễn chiêng ba của huyện Ba Tơ đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, hằng năm giảm từ 5 - 7%. Chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được thực hiện có hiệu quả. Hiện Ba Tơ đã thoát khỏi huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 13,6%, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm.
Trong công tác xây dựng Đảng, huyện Ba Tơ đã tập trung lãnh đạo thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức xem đây là việc làm thường xuyên. Qua thực hiện, từng bước nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Từ đó xuất hiện nhiều gương điển hình trong học tập và làm theo Bác, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra.
Trung tâm thị trấn Ba Tơ nhìn thừ trên cao. Ảnh: Bùi Thanh Trung. |
Đồng chí BÙI THỊ QUỲNH VÂN: Để tiếp tục xây dựng và phát triển quê hương Ba Tơ ngày càng giàu đẹp, Đảng bộ, quân và dân Ba Tơ cần tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và những thành tựu đã đạt được trong 50 năm qua. Tiếp tục đoàn kết, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX. Trong đó, tôi xin nhấn mạnh một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thứ hai, triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/2/2020 của Chính phủ gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tập trung tái cơ cấu và phát triển các ngành kinh tế dựa trên thế mạnh của huyện. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại, vườn đồi... Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm; phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững với sự tham gia của người dân. Phát triển du lịch trên cơ sở quảng bá, liên kết, hợp tác phát huy giá trị di sản văn hóa chiêng ba, dệt thổ cẩm Làng Teng, các làn điệu dân ca ca-lêu, ca-choi, ru con... của người Hrê; khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế, phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tìm hiểu lịch sử văn hóa.
Thứ ba, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục và đào tạo; thực hiện có hiệu quả việc kiên cố hóa trường, lớp học; nâng cao chất lượng dạy và học; tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa, thể dục, thể thao, truyền thanh ở cơ sở. Quan tâm bảo tồn, trùng tu, tu sửa, nâng cấp di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, quan tâm chăm lo tốt những đối tượng chính sách, gia đình người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, góp phần giảm nghèo bền vững.
Thứ tư, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Ba Tơ anh hùng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, của Đội du kích Ba Tơ, của chiến thắng Giải phóng Ba Tơ, cán bộ, đảng viên và nhân dân Ba Tơ cần tiếp tục đoàn kết một lòng; tổ chức thực hiện đúng đắn chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; tăng cường công tác vận động quần chúng, củng cố khối đoàn kết dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh vững mạnh trên địa bàn.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
BÁ SƠN
(thực hiện)