Quan tâm chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số

02:10, 10/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch, ngày 11/10, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân sẽ có buổi đối thoại với đại diện bí thư chi bộ, trưởng thôn và người có uy tín ở các huyện miền núi và các huyện đồng bằng có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Buổi đối thoại nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc; giải quyết khó khăn, vướng mắc ở khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS.
[links()]
 
 
Chú trọng đến cán bộ là người dân tộc thiểu số
 
Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ là người DTTS trong các cơ quan của hệ thống chính trị ở cấp huyện và tỉnh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngoài những quy định của trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều đề án, kết luận có các nội dung liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người DTTS.
 
Cụ thể, ban hành Đề án 08 về tạo nguồn và phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; Đề án 09 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị của tỉnh trong 5 năm, 10 năm, 20 năm đến.
 
Người dân ở xã Sơn Cao (Sơn Hà) trao đổi về các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Người dân ở xã Sơn Cao (Sơn Hà) trao đổi về các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Theo đó, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Riêng cán bộ là người DTTS, tỉnh tập trung thực hiện tốt quy định về chế độ ưu tiên trong chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tạo cơ hội cho cán bộ là người DTTS được phát triển, có đủ năng lực để nâng cao hiệu quả công việc.
 
Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực, kỹ năng làm việc, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ là người DTTS; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh.
 
Quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện và có cơ chế phát hiện, bồi dưỡng cán bộ là người DTTS có năng lực nổi trội và triển vọng để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người DTTS theo hướng lồng ghép vào chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chung của tỉnh.
 
Cần nâng mức hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết
 
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ của toàn xã hội để ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao hơn nữa.
 
Trong những năm qua, chính sách làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo được tỉnh, huyện quan tâm thực hiện, giúp cho hộ nghèo, nhất là ở các huyện miền núi có nhà ở ổn định. Từ năm 2016 - 2021, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ xây mới 1.455 căn nhà, với tổng kinh phí gần 78 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay mức hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết 50 triệu đồng/nhà là quá thấp.
 
Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An, mức hỗ trợ này dựa vào mức chi hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng, tránh chênh lệch mức hỗ trợ giữa người nghèo và người có công.
 
Công trình Nhà Văn hóa thôn Trường Khay, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) được đầu tư khang trang.
Công trình Nhà Văn hóa thôn Trường Khay, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) được đầu tư khang trang.
Vì vậy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh không thể nâng mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho người dân như hiện nay. Mặc dù vậy, giải pháp để nâng mức hỗ trợ là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để tạo nguồn lực hỗ trợ người nghèo.
 
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tham mưu văn bản gửi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm việc với Chính phủ để thống nhất nâng mức hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
 
Đồng thời, UBND tỉnh cần có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở người có công với cách mạng. Khi mức hỗ trợ cho người có công với cách mạng được nâng lên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ nghiên cứu điều chỉnh nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho người dân.
 
Ưu tiên đầu tư công trình phục vụ dân sinh
 
Hiện nay, nhiều công trình giao thông ở miền núi đã hư hỏng hoặc xuống cấp. Một số nơi chưa được cứng hóa đường giao thông kết nối từ các thôn về xã, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, nhất là vào mùa mưa lũ. Cùng với đó, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất xảy ra ở nhiều xã vùng đồng bào DTTS và miền núi như Minh Long, Trà Bồng, Tư Nghĩa, Bình Sơn. 
 
Ngoài ra, hệ thống mạng viễn thông ở vùng sâu, vùng xa của các huyện miền núi rất yếu, khó khăn trong liên lạc, nắm bắt thông tin. Bên cạnh đó, các xã khu vực I, II, III sau khi đạt chuẩn nông thôn mới thì người dân không còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT của Nhà nước. Do đó, dù xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng đời sống của đồng bào các DTTS vẫn còn nhiều khó khăn...
 
Bài, ảnh: THANH THUẬN

.