Chiều 18/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Axel van Trotsenburg, Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB).
[links()]
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Điều hành WB. (Ảnh Trần Hải) |
Về phần mình, Việt Nam cam kết, đóng góp gần 16 triệu USD trong 3 năm (2021-2023) vào đợt tăng vốn lớn nhất của WB trong lịch sử (huy động 13 tỷ USD) để bổ sung nguồn vốn hoạt động, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, nỗ lực, cố gắng lớn của Việt Nam trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng đánh giá cao việc WB đã hỗ trợ Việt Nam hoàn thành xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035; đề nghị WB hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045, bảo đảm tầm chiến lược phù hợp mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đến năm 2045, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hạ tầng chiến lược, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách nhằm xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Dành nhiều thời gian trao đổi về việc triển khai những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang trách nhiệm, tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu với cách tiếp cận bảo đảm công bằng, công lý; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cũng là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển, xây dựng nền công nghiệp chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững, tuần hoàn, carbon thấp.
Thủ tướng hoan nghênh WB đã xây dựng Báo cáo Khí hậu và phát triển quốc gia tại 30 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam là quốc gia đầu tiên WB xây dựng báo cáo…; đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thích ứng biến đổi khí hậu với cách tiếp cận từ cả 2 hướng là thích ứng an toàn, linh hoạt và cắt giảm phát thải carbon; khí metan trong nông nghiệp, tập trung vào 3 lĩnh vực là hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; và khảo sát, đánh giá về tiềm năng phát triển năng lượng gió, mặt trời.
Ông Axel van Trotsenburg đánh giá cao, ấn tượng với những giải pháp và kết quả của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện cùng lúc những mục tiêu rất khó đạt được trong bối cảnh vừa qua và hiện nay. Ông cho biết, trong buổi sáng cùng ngày đã được hòa mình vào cuộc sống bình yên và sôi động tại Hồ Gươm, Hà Nội; chứng tỏ Việt Nam đã làm tốt hơn nhiều nước khác trong kiểm soát dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn... WB đã tham khảo nhiều bài học từ thực tiễn của Việt Nam; Việt Nam có thể chia sẻ các kinh nghiệm phát triển, phòng chống dịch cho nhiều quốc gia khác và tiếp tục đóng góp giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu như an ninh lương thực.
Ông nhấn mạnh, WB tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên chặng đường phát triển sắp tới không chỉ trong lĩnh vực tài chính; mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ để rà soát, cập nhật Khung đối tác chiến lược quốc gia cho giai đoạn 3 năm 2022-2025 nhằm xác định nguồn lực hỗ trợ, lĩnh vực ưu tiên của hai bên, qua đó xây dựng danh mục và triển khai hợp tác phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn vốn IDA; WB sẵn sàng cử đội ngũ chuyên gia toàn cầu và Văn phòng Việt Nam hỗ trợ Chính phủ xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045, góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Trao đổi về các vấn đề thế giới và khu vực, ông tán thành, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng về cách tiếp cận toàn cầu, kêu gọi đoàn kết, đề cao hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương, trên tinh thần “chân thành, tin cậy, hiệu quả”, với các giải pháp phù hợp với đặc thù mỗi quốc gia để giải quyết những vấn đề đang nổi lên hiện nay. Trong quá trình này, tiếng nói của các quốc gia như Việt Nam có vai trò rất quan trọng…
Theo
PV/Nhandan.vn