Niềm tự hào của thế hệ hôm nay

08:06, 06/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, Di tích Chiến thắng Ba Gia được quan tâm đầu tư và đã trở thành địa chỉ của niềm tự hào của nhân dân Quảng Ngãi. Đây là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng, cũng như bày tỏ lòng tri ân của các thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh của chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống trên mảnh đất này.
 
[links()]
 
Tự hào truyền thống cách mạng
của quê hương
 
Khuôn viên Di tích Chiến thắng Ba Gia, ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), rực sắc hoa bằng lăng đúng vào dịp kỷ niệm 57 năm chiến thắng Ba Gia. Dịp này, 35 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) từ Tây Nguyên đã về đây dâng hương tưởng nhớ đồng bào, đồng đội đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Xúc động, bồi hồi là cảm xúc chung của cán bộ, chiến sĩ khi đặt chân đến nơi mà thế hệ đầu tiên của đơn vị đã chiến đấu và anh dũng hy sinh.
 
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 và thầy cô giáo, học sinh Trường THPT Ba Gia dự lễ dâng hương tại Tượng đài Chiến thắng Ba Gia, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh).
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 và thầy cô giáo, học sinh Trường THPT Ba Gia dự lễ dâng hương tại Tượng đài Chiến thắng Ba Gia, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh).
Trung tá Lê Quang Hiệp - Chính ủy Trung đoàn 1 chia sẻ, được về thăm nơi ngày xưa là chiến trường đã làm nên tên tuổi của Trung đoàn vào 57 năm trước, chúng tôi thật sự xúc động và tự hào. Dịp này, chúng tôi về đây để dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ của Trung đoàn và đồng bào, chiến sĩ đã nằm lại nơi này. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 nguyện khắc ghi công lao và sự hy sinh to lớn của cha anh. Là thế hệ tiếp nối của đơn vị, chúng tôi nguyện gìn giữ và phát huy truyền thống "Đoàn Ba Gia" với khẩu hiệu hành động: "Nhanh như Chớp Nón", "gọn như Ba Gia".
 
Trong chuyến về nguồn của Trung đoàn 1 vừa qua, cùng với dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Di tích Chiến thắng Ba Gia, đơn vị còn thực hiện một nhiệm vụ ý nghĩa là tổ chức Lễ kết nghĩa với Trường THPT Ba Gia. Hoạt động này nhằm góp phần giáo dục ý nghĩa, tầm vóc của chiến thắng Ba Gia, về truyền thống cách mạng của quê hương cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 và giáo viên, học sinh Trường THPT Ba Gia.

Trước yêu cầu cấp thiết của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 20/11/1963, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập Trung đoàn BB1 (Đoàn Ba Gia), là đơn vị chủ lực cơ động của Quân khu trên cơ sở tách ra từ Công trường 1 - Tỉnh đội Quảng Nam. Sau khi thành lập, Trung đoàn được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, TX.Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi) mở chiến dịch Ba Gia tiến công địch ở phía bắc Quảng Ngãi, nhằm tiêu diệt quân chủ lực ngụy, mở rộng vùng giải phóng Sơn Tịnh - Trà Bồng, hỗ trợ phong trào đấu tranh của nhân dân giữ hành lang nối liền miền núi với đồng bằng Trung - Trung Bộ.

 
Trong chiến dịch này, từ đêm 28 đến rạng sáng 31/5/1965, Trung đoàn 1 cùng với lực lượng vũ trang địa phương đã làm nên chiến thắng Ba Gia lịch sử, tiêu diệt lực lượng tinh nhuệ của địch, mở đầu cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cúu nước ở miền Nam. Chiến thắng Ba Gia đã đi vào lịch sử như là mốc son trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, là niềm tự hào của vùng đất Sơn Tịnh anh hùng. Với những chiến công đã đạt được, Trung đoàn 1 vinh dự 3 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
 
“Địa chỉ đỏ” của lòng yêu nước
 
Sau giải phóng, Di tích Chiến thắng Ba Gia được xây dựng để khắc ghi chiến công hiển hách có tính bước ngoặt từ chiến thắng Ba Gia. Những năm qua, địa điểm này được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang. 
Trung đoàn 1 tặng học bổng cho học sinh Trường THPT Ba Gia.
Trung đoàn 1 tặng học bổng cho học sinh Trường THPT Ba Gia.
Ông Phan Quang Ngôn (73 tuổi) đưa ánh mắt nhìn những cây băng lăng đang khoe sắc tại Di tích Chiến thắng Ba Gia bảo rằng, đó là những cây bằng lăng do ông trồng cách nay đã 20 năm. Khi ấy, ông làm nhiệm vụ quản lý tại di tích này. Ông Ngôn cho biết, mấy chục năm qua, hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, đặc biệt là kỷ niệm chiến thắng Ba Gia, nơi đây đón tiếp nhiều đoàn về dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Trong đó, tôi được gặp các đồng chí nguyên là chỉ huy, cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu trong trận đánh Ba Gia năm xưa. Ngoài ra, nhiều đoàn viên, thanh niên, học sinh thường xuyên tìm đến Di tích Chiến thắng Ba Gia để hiểu thêm về lịch sử dân tộc, về truyền thống cách mạng của quê hương.
 
Thầy giáo Bùi Trọng Huy - Bí thư Đoàn Trường THPT Ba Gia chia sẻ, hằng năm, Đoàn trường đều tổ chức cho các khối lớp đến dâng hương, nghe kể chuyện lịch sử về trận đánh Ba Gia lịch sử. Đồng thời, tổ chức chăm sóc vườn hoa, dọn vệ sinh trong khuôn viên di tích. Thầy và trò chúng tôi luôn tự hào vì được học tập, công tác tại ngôi trường gắn với tên gọi chiến thắng Ba Gia.
 
Bài, ảnh: X. THIÊN
 
                     

.