Luân chuyển để rèn luyện cán bộ

08:06, 06/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 về luân chuyển cán bộ nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện hơn.
 
[links()]
 
Những điểm mới 
 
Quy định 65-QĐ/TW ban hành trên nền tảng kế thừa Quy định 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị năm 2017. Quy định 65-QĐ/TW tiếp tục khẳng định công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung quan trọng, tạo môi trường mới để cán bộ tiếp tục được rèn luyện thử thách qua thực tiễn. Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển; đồng thời yêu cầu giải quyết hài hoà giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ; kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín. Qua đó, góp phần thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt các cấp không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp...
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy trao quyết định luân chuyển Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Văn Huy (bên trái) về giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy Ba Tơ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy trao quyết định luân chuyển Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Văn Huy (bên trái) về giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy Ba Tơ.
Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lữ Ngọc Bình, so với Quy định 98-QĐ/TW thì Quy định 65-QĐ/TW không còn đề cập nội dung điều động cán bộ, không dùng đến thuật ngữ “cán bộ trẻ”; đồng thời bổ sung thêm nguyên tắc “không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ”. Đây là nội dung khó cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện luân chuyển, tạo nguồn cán bộ cho những nhiệm kỳ tiếp theo. “Cán bộ chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới” và việc giải thích khái niệm “luân chuyển cán bộ” và “người địa phương” cũng là điểm mới trong Quy định 65-QĐ/TW. Đồng thời, Quy định 65-QĐ/TW cũng nêu rõ cán bộ luân chuyển được cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục bố trí ổn định công tác ở địa phương, đơn vị nơi đến thì không còn xem là cán bộ luân chuyển. 
 
Quy định 65-QĐ/TW cũng quy định cán bộ còn thời gian 10 năm công tác thì có thể được luân chuyển chứ không dành riêng cho cán bộ trẻ như trước đây. Theo đó, với độ tuổi nghỉ hưu mới thì có đồng chí gần 52 tuổi vẫn có thể luân chuyển.
 
Đặc biệt, Quy định 65-QĐ/TW nêu rõ nguyên tắc bố trí cán bộ giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm khi luân chuyển, trừ trường hợp cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội thì được luân chuyển, bố trí giữ chức vụ cao hơn. Đây là điểm nổi trội của Quy định 65-QĐ/TW, phá vỡ tư tưởng lâu nay xem luân chuyển là để được lựa chọn, bố trí giữ chức vụ cao hơn hoặc sau khi luân chuyển chắc chắn sẽ được bố trí giữ chức vụ cao hơn; đưa luân chuyển cán bộ về đúng nghĩa là để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ của chức danh đang đảm nhiệm hoặc yêu cầu của chức danh được quy hoạch. Điều này giúp cho cán bộ xác định rõ tâm lý luân chuyển là để rèn luyện, thử thách trong môi trường mới để trưởng thành, phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý, bản lĩnh, kinh nghiệm công tác.
 
Luân chuyển cán bộ phù hợp với yêu cầu thực tiễn  
 
Từ năm 2017 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện luân chuyển, kết hợp bố trí chức danh bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp huyện không là người địa phương ở 13/13 huyện, thành phố (bí thư cấp ủy 15 đồng chí, chủ tịch UBND cấp huyện 6 đồng chí). Ban thường vụ cấp ủy cấp huyện đã luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện về cấp xã giữ các chức vụ bí thư cấp ủy 54 đồng chí, phó bí thư cấp ủy 11 đồng chí, chủ tịch UBND 25 đồng chí; luân chuyển 7 bí thư, 1 phó bí thư cấp ủy từ xã này sang xã khác...
 
Bí thư Đảng ủy thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) Võ Văn Vạn (bên trái) gặp gỡ đảng viên lớn tuổi để nắm bắt tình hình ở địa phương.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) Võ Văn Vạn (bên trái) gặp gỡ đảng viên lớn tuổi để nắm bắt tình hình ở địa phương.
Tuy nhiên, để công tác luân chuyển cán bộ thực sự đạt được hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, việc ban hành quy định nhằm cụ thể hóa công tác luân chuyển cán bộ là rất cần thiết. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cán bộ được luân chuyển xem thời gian luân chuyển chỉ là "bước đệm" để được cất nhắc ở những vị trí cao hơn, dẫn đến không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Quy định 65-QĐ/TW nêu rõ: Công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu; bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và các nội dung khác trong công tác cán bộ...
 
Đồng chí Lữ Ngọc Bình cho biết thêm, thời gian đến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo các cơ quan tham mưu cụ thể hoá Quy định 65-QĐ/TW cho phù hợp với điều kiện thực tế, yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh để triển khai thực hiện tốt hơn công tác luân chuyển cán bộ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm và kế hoạch luân chuyển cán bộ là trưởng phòng và tương đương ở các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh còn trẻ tuổi, có quy hoạch chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý về giữ các chức vụ ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch UBND cấp huyện; bí thư, chủ tịch UBND cấp xã. Tỉnh sẽ thực hiện thí điểm người đứng đầu cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động lựa chọn cán bộ có chuyên ngành đào tạo mà cơ quan, đơn vị, địa phương đang cần để đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định luân chuyển; tăng cường mối quan hệ, gắn kết của các cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để cán bộ luân chuyển an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 
 
Bài, ảnh: THANH THUẬN
 

.