Những bài học sâu sắc từ chiến thắng Ba Gia

07:05, 31/05/2022
.
                                           Thượng tá  LƯƠNG ĐÌNH CHUNG- Chính ủy Bộ CHQS tỉnh
 
(Baoquangngai.vn)- Cách đây 57 năm, vào những ngày cuối tháng 5/1965, quân và dân Quảng Ngãi cùng Trung đoàn chủ lực Quân Khu 5 đã làm nên chiến thắng Ba Gia lịch sử. Chiến thắng Ba Gia là bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; sự kết hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương và giữa tiến công tiêu diệt địch của LLVT với nổi dậy của quần chúng giành quyền làm chủ. Chiến thắng Ba Gia thể hiện sự nhạy bén trong nghệ thuật chỉ huy, điều hành chiến dịch của Bộ Tư lệnh Quân khu 5; thể hiện tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu dũng cảm ngoan cường, mưu trí linh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
 
[links()]
 
Chiến đấu và chiến thắng
 
Tháng 5/1965, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 mở Chiến dịch Ba Gia, còn gọi là Chiến dịch Tây Sơn Tịnh trên địa bàn các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Bắc Quảng Ngãi. Trong đó, Ba Gia là điểm then chốt nhằm tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị... Chiến dịch Ba Gia diễn ra từ ngày 28/5 - 20/7/1965.
 
 
 Lãnh đạo Quân khu 5, lực lượng vũ trang tỉnh và nhân dân Sơn Tịnh dự lễ kỷ niệm Chiến thắng Ba Gia (Ảnh: THÀNH HÂN)
Lãnh đạo Quân khu 5, lực lượng vũ trang tỉnh và nhân dân Sơn Tịnh dự lễ kỷ niệm Chiến thắng Ba Gia (Ảnh: THÀNH HÂN)
Để tăng cường hiệu lực chỉ huy, đồng chí Chu Huy Mân được giao làm Tư lệnh chiến dịch và Trung đoàn 1, Quân khu 5 đảm nhận thực hiện Chiến dịch Ba Gia. Đồng thời, cấp trên giao đồng chí Nguyễn Ngọc Châu, Tỉnh đội trưởng Quảng Ngãi trực tiếp chỉ huy trên các hướng. Trong chiến dịch này, ta mở 3 đợt tiến công địch. Ba Gia là trận đánh then chốt trong đợt 1 của chiến dịch diễn ra từ ngày 28/5 - 31/5/1965.
 
Qua 3 ngày đêm (28 - 31/5), các đơn vị của Quân khu 5 và bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi, bằng nhiều hình thức chiến thuật đã cơ bản tiêu diệt 1 chiến đoàn địch, bẻ gãy cuộc hành quân cứu viện của chúng và đã diệt gọn Tiểu đoàn 39 biệt động quân và Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 51; đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến ngụy. Ta thu 200 súng các loại và nhiều phương tiện chiến đấu; giải phóng 5 xã phía Tây huyện Sơn Tịnh, mà trung tâm là Ba Gia.
 
Từ kết quả của đòn tiến công quân sự, trong tháng 6/1965, nhân dân các xã Tịnh Sơn, Tịnh Minh, Tịnh Bắc, Tịnh Đông... cùng bộ đội truy bắt tù binh, liên lạc giúp bộ đội vận chuyển thương binh, chiến lợi phẩm; riêng nhân dân địa phương bắt được khoảng 100 tên trong tổng số 217 tù binh, phá “ấp chiến lược” ở 27 xã, giành quyền làm chủ cho hơn 200 nghìn dân.
 
Nhiều bài học sâu sắc
 
Chiến thắng Ba Gia có ý nghĩa to lớn và quan trọng về chiến thuật, chiến lược. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, bộ đội ta đã tiêu diệt Chiến đoàn - đơn vị ứng chiến lớn nhất của chủ lực ngụy lúc đó, đồng thời đánh bại biện pháp ứng chiến nhanh của chúng, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. 
 
Trung đoàn 1 tặng học bổng cho học sinh Trường THPT Ba Gia nhân chuyến Về nguồn của đơn vị tại vùng đất Ba Gia anh hùng.
Trung đoàn 1 tặng học bổng cho học sinh Trường THPT Ba Gia nhân chuyến Về nguồn của đơn vị tại vùng đất Ba Gia anh hùng.
Chiến thắng Ba Gia đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đến nay vẫn còn nguyên giá trị để quân và dân Quảng Ngãi kế thừa và phát triển lên tầm cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới. Đó là bài học phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và sự kết hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực với LLVT địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Từ đó, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chủ lực của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 làm tốt công tác tuyển chọn gọi thanh niên nhập ngũ, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng ngày càng cao, sẵn sàng động viên, mở rộng lực lượng khi cần thiết; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xử lý kịp thời các tình huống quốc phòng, an ninh ngay tại cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...
 
Bên cạnh nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, LLVT tỉnh đã phối hợp với các đơn vị quân đội của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 đứng chân trên địa bàn làm tốt chức năng “đội quân chiến đấu”, “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất” trong thời bình, sẵn sàng giúp dân trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và những thách thức an ninh phi truyền thống, phát huy phẩm chất và xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới.
 
Trong chiến dịch Ba Gia, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo phát huy hiệu quả tinh thần chiến đấu của các lực lượng dựa trên thế trận chiến tranh nhân dân, đặc biệt là giữa tiến công tiêu diệt địch của LLVT với nổi dậy của quần chúng giành quyền; giữa tiêu diệt quân chủ lực địch với chống phá “bình định”. Bài học này vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân đội hiện nay. Đó chính là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
 
Thời gian qua Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng, phát triển tiềm lực cả về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, quốc phòng - an ninh và đối ngoại; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng vững chắc; kết hợp xây dựng hệ thống làng xã chiến đấu gắn liền với xây dựng cơ sở, củng cố khối đoàn kết toàn dân, nâng cao sức mạnh tổng hợp trong khu vực phòng thủ…
 
Một trong những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chiến thắng Ba Gia là xây dựng khối đoàn kết quân dân. Đây là biểu hiện sinh động, hiệu quả trong công tác dân vận hiện nay. Việc xây dựng thế trận lòng dân không chỉ trong chiến tranh, mà lòng dân vẫn là nền tảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
 
Từ bài học đó, trong những năm qua, Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn luôn chăm lo đời sống nhân dân ở các khu căn cứ cách mạng, vùng sâu vùng xa, biên giới biển, hải đảo như thăm tặng quà các gia đình chính sách, người có công, xây dựng nhà tình nghĩa, thực hiện tốt các mô hình, “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Hũ gạo vì người nghèo”, tham gia xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Những hoạt động này đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, giữ vững sự ổn định chính trị, củng cố thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.
 
 

.