Tự hào quê hương núi Ấn - sông Trà

10:03, 24/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những ngày tháng Ba lịch sử, trên quê hương núi Ấn - sông Trà, cờ Tổ quốc tung bay trên khắp nẻo đường. Cán bộ, đảng viên, quân và nhân dân trong toàn tỉnh chung một niềm hân hoan, tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương và giữ mãi niềm tin với Đảng, chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, sớm trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung.
[links()]
 
Một thời hào hùng
 
Tháng Ba, chúng tôi về thăm các di tích lịch sử, được nghe kể những câu chuyện hào hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm trên quê hương núi Ấn - sông Trà. Đó là những tháng ngày không thể nào quên trong ký ức của thế hệ cha ông một thời "vào sinh ra tử". 
 
Nhâm nhi ly trà nóng, ông Đinh Tầm (89 tuổi), ở thôn 3, xã Đức Chánh (Mộ Đức) chia sẻ, người dân Quảng Ngãi luôn tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương. Tại xã Đức Chánh, câu chuyện lịch sử về chiến thắng Mỏ Cày được lớp người trước kể cho lớp người sau để giáo dục truyền thống cách mạng. Tượng đài Mỏ Cày là biểu tượng của chiến công đánh phát xít Nhật xâm lược đầu tiên ở tỉnh ta do quân và nhân dân trong xã phối hợp với huyện vào đêm 15/8/1945 đến sáng 16/8/1945. 
 
Người dân thắp hương tại Di tích Tượng đài Chiến thắng Mỏ Cày, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức).  Ảnh: Đăng SƯƠNG
Người dân thắp hương tại Di tích Tượng đài Chiến thắng Mỏ Cày, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức). Ảnh: Đăng SƯƠNG
Trận Mỏ Cày thắng lợi làm cho nhân dân càng thêm tin tưởng vào cách mạng, vào Đội Du kích Ba Tơ, từ đó khí thế cách mạng bừng bừng tiến lên. Từ năm 1966 - 1972, giữa ta và địch có nhiều trận giao chiến ở địa điểm Mỏ Cày. Đặc biệt là trận đánh ngày 7/6/1966 của Tiểu đoàn 48, lực lượng vũ trang tỉnh đã anh dũng chặn đánh, tiêu diệt 408 tên, bắn hỏng 18 xe tăng, thu 267 súng của quân địch thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 4 Mỹ ngụy.
 
Từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, nhân dân xã Đức Chánh đã đào địa đạo, hầm công sự Lê Hồng Long, Hố Đá, Hàm An, Long Điền để tạo căn cứ hoạt động bí mật cho đội du kích xã và cán bộ huyện... Ngày nay, di tích các địa đạo là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
 
Trên hành trình về thăm các di tích lịch sử, chúng tôi đến Di tích căn cứ núi Sầu Đâu, ở tổ dân phố 4, phường Phổ Minh (TX.Đức Phổ). Mọi người đều xúc động khi tìm thấy trong rừng các địa đạo năm xưa. Cán bộ địa phương cho biết, sau khi hoàn thành công sự địa đạo những năm 1945 - 1950, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 gồm đồng chí Nguyễn Chánh - Chính ủy Liên khu, cùng các đồng chí Nguyễn Chánh Cần, Hồ Văn Điềm đã 2 lần lên kiểm tra trực tiếp hầm địa đạo ở núi Sầu Đâu. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, các địa đạo ở núi Sầu Đâu nhiều đoạn vẫn còn nguyên. Đây cũng là nơi ẩn náu tránh bom đạn của cán bộ và nhân dân địa phương trong những năm chống Mỹ cứu nước.
 
Ông Huỳnh Thanh Mười (72 tuổi) kể, năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, lúc này tôi là Trạm trưởng Trạm Y tế xã, được phân công cùng với 2 đồng chí du kích lên núi Sầu Đâu cắm cờ Tổ quốc. Sáu giờ sáng, chúng tôi đã lên núi, lúc cảnh giới thấy địch kéo đến một trung đội nên phải núp chờ. Đến 6 giờ chiều, địch rút quân, chúng tôi lên trên đỉnh núi cắm cờ. Khi xuống núi thì bị địch phục kích, 1 đồng chí du kích đi trước hy sinh, tôi và một đồng chí quay ngược lại, chạy theo hướng núi về tới xã. Sau đó, tôi cùng với các thanh niên trong xã quay lại rừng tìm cách đưa đồng chí đã hy sinh xuống núi... Đó là ký ức khó quên. 
 
Ngày quê hương trọn niềm vui
 
Mỗi câu chuyện lịch sử tô thắm thêm truyền thống cách mạng hào hùng, bất khuất của quân và dân Quảng Ngãi. Đã 47 năm trôi qua kể từ Ngày giải phóng Quảng Ngãi, nhưng niềm vui, sự tự hào của những ngày tháng Ba lịch sử năm 1975 vẫn vẹn nguyên trong mỗi người dân Quảng Ngãi. "Khi nghe tin Quảng Ngãi giải phóng, mọi người ôm chầm lấy nhau, niềm vui không tả xiết, nhiều người khóc vì vui mừng và hạnh phúc", ông Phạm Đình Liên (73 tuổi), ở tổ dân phố 4, phường Phổ Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phổ Minh, nhớ lại.
 
Ông Bùi Anh Tuấn (73 tuổi), ở thôn 4, xã Đức Chánh, nguyên Chính trị viên Đại đội 45 huyện Mộ Đức kể, ngày ấy mỗi người dân là một chiến sĩ. Ai cũng quyết tâm đánh tan quân xâm lược. Không gì hạnh phúc bằng khi nghe tin tỉnh nhà được hoàn toàn giải phóng. Lúc đó, tôi cùng đại đội đã đánh xong trận giải phóng huyện Mộ Đức. Nghe tin giải phóng, ai cũng hân hoan, ôm nhau mừng chiến thắng.
 
Những ngày tháng Ba năm 1975 đã đi vào lịch sử, với niềm tự hào khôn tả của người dân quê hương núi Ấn - sông Trà, khi lần lượt các địa phương hoàn toàn giải phóng. Sáng 31/3/1975, hàng vạn đồng bào từ đồng bằng đến miền núi trong tỉnh kéo về thị xã Quảng Ngãi, tập trung tại sân vận động Diên Hồng dự lễ mít tinh chào mừng tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng, chào mừng Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh ra mắt nhân dân. Khi ấy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Tấn Tỏa đọc diễn văn chào mừng thắng lợi, kêu gọi toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng cùng nhau xây dựng quê hương và ủng hộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Phát huy truyền thống anh hùng
 
Người dân Quảng Ngãi giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Truyền thống đó luôn được Đảng bộ, quân và nhân dân trong tỉnh phát huy và là nguồn sức mạnh nội sinh để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên hành trình xây dựng Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp. Chủ tịch UBND xã Đức Chánh Nguyễn Quang Chính phấn khởi cho biết, kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đức Chánh quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Xã Đức Chánh vinh dự đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới vào năm 2019. Năm 2021, thôn 4, xã Đức Chánh được công nhận là khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
 
Chủ tịch UBND phường Phổ Minh Võ Tấn Điệp thì bảo rằng, Phổ Minh đã khoác trên mình diện mạo mới, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, nhân dân rất phấn khởi khi cầu Hải Tân bắc qua sông Thoa được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, nối liền 2 phường Phổ Minh và Phổ Quang, tạo thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa và đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế biển và du lịch...
 
Những năm qua, kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.  Trong ảnh: Quảng trường đường Phạm Văn Đồng (TP.Quảng Ngãi) nhìn từ trên cao.                     Ảnh: T.L
Những năm qua, kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Trong ảnh: Quảng trường đường Phạm Văn Đồng (TP.Quảng Ngãi) nhìn từ trên cao. Ảnh: T.L
Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các xã ở huyện Bình Sơn đã đồng tâm hiệp lực xây dựng cuộc sống mới. Theo Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Văn Đồng, 47 năm sau ngày giải phóng, các địa phương trên địa bàn huyện đã có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, sự ra đời và phát triển của KKT Dung Quất đã làm cho diện mạo của vùng đất từng bị bom đạn cày xới trong kháng chiến chống Mỹ thay da đổi thịt từng ngày. Đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chia sẻ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,05%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 121 nghìn tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,78 tỷ USD, tăng 26,3%, vượt 27% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 24,1 nghìn tỷ đồng, đạt 133,7% dự toán HĐND tỉnh giao, vượt 51,1% chỉ tiêu trung ương giao. Có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã nông thôn mới lên 94 xã. Tỉnh thu hút đầu tư được 17 dự án, với tổng vốn đăng ký 85 nghìn tỷ đồng và cấp phép mới 2 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 24,9 triệu USD. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 5,35%, riêng khu vực miền núi giảm còn 17,8%... 
 
Đây là nền tảng để Quảng Ngãi thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
 
Kỳ vọng của Chủ tịch nước
 
Mới đây, trong chuyến về thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Quảng Ngãi là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, là nơi diễn ra Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ vang dội. Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, lợi thế mà các tỉnh khác khó có được. Do vậy, Quảng Ngãi cần phát huy truyền thống, phát huy thế mạnh để xây dựng quê hương phát triển bền vững. “Với những tiềm năng, lợi thế và điều kiện hiện nay, Quảng Ngãi phải tận dụng tốt cơ hội để phát triển và đạt được nhiều thành tựu mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng.
 
NHÓM PV, CTV 
 
 
 
 
 

.