"Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình"

08:02, 06/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi sẻ chia dù ít hay nhiều đều ấm lòng người nhận và điều ấy như một nguồn lực tinh thần giúp họ có thêm niềm tin yêu để vươn lên. Người có tấm lòng hảo tâm cũng thấy vui khi được góp phần lan tỏa những nghĩa cử, làm cho con người xích lại gần nhau hơn. Đó là cốt cách dân tộc, là lòng nhân ái của người dân Việt Nam, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
[links()]
 
Không để ai bị bỏ lại phía sau
 
Năm Tân Sửu qua đi với bao vất vả, bao mất mát đau thương không nói nên lời vì đại dịch Covid-19. Càng gian khó, tình người lại càng được thắp sáng, như đêm tối đến mấy cũng không thể che lấp được những đốm lửa hồng dù mong manh mà chỉ làm cho nó sáng hơn. 
Cán bộ Mặt trận và các hội, đoàn thể của tỉnh tiếp nhận hàng hoá hỗ trợ đồng bào miền Nam bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: T.Thuận
Cán bộ Mặt trận và các hội, đoàn thể của tỉnh tiếp nhận hàng hoá hỗ trợ đồng bào miền Nam bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: T.Thuận
Không để ai bị bỏ lại phía sau, ai cũng muốn làm một việc gì đó, góp sức sẻ chia với những cảnh đời khó khăn. ATM gạo, ATM khẩu trang, ATM ôxy của anh Hoàng Tuấn Anh, ở TP.Hồ Chí Minh là một trong hàng nghìn việc làm của bao người nói lên điều ấy. Nghĩa cử của anh chạm vào trái tim nhiều người và thế là ATM gạo có ở khắp mọi nơi, từ đô thị đến nông thôn. Ai cũng vậy, có được chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn lòng mình mới thanh thản. Việc tặng xe máy cho những người lao động lam lũ rời vùng dịch về quê; những cửa hàng nhu yếu phẩm, đồ ăn “0 đồng”, những chai nước lọc, những chiếc mũ bảo hiểm... dành tặng người đi đường xuất hiện ở nhiều nơi là thế. Trong cuộc sống hằng ngày ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có hàng nghìn, hàng vạn tấm lòng nhân ái vẫn lặng lẽ chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn hay yếu thế, không cứ gì đại dịch.
 
Con người Việt Nam là vậy, nhân hậu và bao dung. Trong dân gian có biết bao câu ca về điều này: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng; Tắt lửa tối đèn có nhau; Chị ngã em nâng; Một miếng khi đói bằng một gói khi no... Tình thương yêu ấy của đồng bào ta có từ thời đất nước còn hoang sơ; từ buổi Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau. Chuyện kể rằng, bỗng nhiên ở nhiều nơi xuất hiện một thứ bệnh dịch lớn mà Lạc Long Quân không trị được. Rất may, tiên nữ Âu Cơ từ trên núi xuống ra tay cứu giúp, đẩy lùi dịch bệnh. 
 
Một ngày nọ, nàng lại gặp phải quái vật uy hiếp. Lạc Long Quân thấy vậy liền cầm những cục đá giết chết con vật. Từ chỗ hoạn nạn có nhau mà hai người nên duyên. Âu Cơ đẻ ra cái bọc có 100 trứng, nở ra 100 người con. Một hôm, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, mình là giống Tiên. Thủy thổ khắc nhau, không thể ở cùng được”. Họ chia tay, 50 người con theo mẹ lên núi; 50 người con theo cha xuống biển lập nghiệp. Từ đó sinh ra người Việt Nam, dòng giống Việt được phát triển. Dù lên rừng hay xuống biển, tất cả đều sinh ra từ một cái bọc; nghĩa đồng bào có từ đó. Cả 54 dân tộc anh em dù sống ở đâu trên đất nước này cũng đều là anh em một nhà, “như thể chân tay”.
 
Ấm lòng nghĩa Đảng, tình dân
 
Tình yêu thương, sẻ chia sẵn có trong máu thịt mình từ buổi bình minh của người Việt và cứ thế được bồi đắp theo dòng lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Truyền thống ấy lại càng lan tỏa, được nhân lên, làm nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh, để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, để đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.
 
Ai cũng nhớ, năm 1945, hơn hai triệu người chết đói. Để sẻ cơm nhường áo, ngày 28/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài đăng trên Báo Cứu quốc, kêu gọi đồng bào cả nước và Người xin thực hành trước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Tư tưởng, tình yêu bao la của Người là tinh hoa đậm đà bản sắc dân tộc được Đảng ta gìn giữ, phát huy, bồi đắp và ngày càng hoàn thiện thành lẽ sống của mỗi người.
 
Tình cảm ấy, lẽ sống ấy ở đâu, lúc nào cũng sáng tỏa. Trong chiến tranh, hậu phương sẵn sàng “chia lửa” với tiền tuyến, như phong trào “Ba sẵn sàng”; thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người... Đất nước hòa bình, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, mái ấm tình thương... như tiếng gọi của con tim, đền đáp công lao những người đã hy sinh, chia sẻ khó khăn với gia đình người có công, người nghèo. 
 
Trong công cuộc đổi mới đất nước có biết bao mô hình nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh... giúp nhau làm kinh tế; các cơ quan, đơn vị giúp các xã nghèo; đảng viên giúp hộ nghèo phát triển sản xuất để cùng nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch Covid-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Quỹ vắc xin được thành lập, Nhà nước chi hàng nghìn tỷ đồng mua vắc xin và điều trị người nhiễm bệnh, hỗ trợ đối tượng khó khăn; địa phương nào cũng cử đoàn cán bộ y tế tăng cường cho vùng dịch...
 
Trong chiến tranh cũng như thời hòa bình, khi nào cũng thế, người dân mình luôn nặng nghĩa tình. “Chết còn trút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”.
 
BẮC VĂN
 
 
 

.