Nâng cao tính chủ động của cán bộ, đảng viên

09:11, 02/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ trọng yếu, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở các cấp, ngành và cán bộ, đảng viên.
[links()]
 
Khi giao tiếp trên mạng xã hội trở nên phổ biến và là nhu cầu của đông đảo người dân thì các thế lực thù địch cũng ra sức lợi dụng mạng xã hội để gieo rắc các quan điểm sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước. Trong tình hình đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động trở thành một chiến sĩ trên mặt trận truyền thông, đưa nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân, lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp của chế độ XHCN mà chúng ta đang xây dựng.
 
Báo Quảng Ngãi đến với cán bộ, đảng viên trong tỉnh.                    Ảnh: P.V
Báo Quảng Ngãi đến với cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Ảnh: P.V
Tuy vậy, hiện nay sức chiến đấu, tính thuyết phục, khả năng chủ động trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Đó là, khi kinh nghiệm thực tiễn (sự trải nghiệm, vốn sống) có hạn, thì việc xác định nội dung, thu thập tài liệu, phân tích hiện tượng, đánh giá bản chất về một vấn đề tư tưởng cần bảo vệ, đấu tranh... dễ sa vào phiến diện, lý luận suông, thiếu thuyết phục. Khi khả năng sử dụng những tiện ích, lợi thế của Internet, mạng xã hội không nhuần nhuyễn, sẽ khó truy cập sâu, rộng để khai thác và phát hiện ra các vấn đề phức tạp, được truyền tải có dụng ý xấu, bị che đậy, xuyên tạc, làm giả. Khi công tác chỉ đạo của cấp ủy đảng chưa kịp thời, thì sẽ thụ động trong việc phản bác các bài viết, bài nói sai trái của các thế lực thù địch vừa tung ra.
 
Trong khi đó, nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên ngày càng đa dạng. Đời sống quốc tế và trong nước, những thuận lợi, thời cơ, triển vọng và cả những khó khăn, thách thức mới của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch ngày càng có nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi chủ động tấn công vào nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều đó đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải hết sức tỉnh táo, khắc phục những khó khăn, chủ động và tự tin đối diện với những thách thức mới để hiệu quả của công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thêm rõ nét.
 
Để cán bộ, đảng viên nâng cao tính chủ động trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trước hết phải quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, nhận thức rõ trách nhiệm của người đảng viên để có quyết tâm và tự tin trong thực hiện công tác đấu tranh tư tưởng. Phải xác định “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị; đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” là công việc tự giác, nhiệm vụ thường xuyên của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
 
Bên cạnh đó, phải tự học quan sát, phát hiện và xử lý vấn đề. Thường xuyên truy cập Internet, trực tiếp tham gia làm thành viên của hệ thống mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Zalo, Youtube. Trước tiên, đóng vai “người quan sát” để đọc, xem, tìm hiểu về những gì liên quan đến lĩnh vực tư tưởng. Khi phát hiện một nội dung được cộng đồng mạng quan tâm, chia sẻ, bàn luận nhiều thì mở rộng phạm vi đọc, xem ở các comment, các bài chia sẻ, đường dẫn liên quan, tự mình đánh giá, nhận xét và dự kiến phương án xử lý (ủng hộ hay phản bác). Tiếp tục mở các trang thông tin, báo, tạp chí chính thống (của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các trang phục vụ công tác đấu tranh tư tưởng), tìm các bài viết, đối chiếu cách tiếp cận và hướng xử lý, so sánh với đánh giá, xử lý của mình, rút ra bài học cho cá nhân. Đây là phương thức tự học, tự vũ trang kiến thức, kỹ năng cần thiết cho mình trên môi trường mạng.
 
Ngoài ra, cần nghiên cứu để kế thừa kinh nghiệm của các lực lượng chuyên nghiệp trong đấu tranh tư tưởng. Như kiên định nguyên tắc tính đảng, tính khoa học, gắn lý luận với thực tiễn trong công tác tư tưởng; phát huy vai trò phối hợp nhiều lực lượng; sử dụng linh hoạt nhiều hình thức, biện pháp. Bám sát phương châm gắn “xây” với “chống”, trong đó “xây” là quan trọng, là đích cuối cùng, “chống” phải trên cơ sở lý luận gắn thực tiễn. Những tấm gương tử tế, những hành động hy sinh, nỗ lực vượt khó, những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích nhân dân, dân tộc khi được cán bộ, đảng viên lan tỏa đúng lúc, đúng thời điểm sẽ là vũ khí sắc bén nhất để chống lại sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.
 
Một vấn đề quan trọng nữa là, phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy, hướng dẫn, giúp đỡ của ban tuyên giáo cấp ủy cấp trên trong việc xây dựng đội ngũ xung kích, xây dựng kế hoạch đấu tranh, cũng như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, kỹ năng phát hiện vấn đề, tổ chức bài viết, triển khai biện pháp tuyên truyền, cổ động. Chú trọng khâu kiểm tra, giám sát để điều chỉnh nội dung, biện pháp đấu tranh phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tích cực, chủ động trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
 
Tiến sĩ TRƯƠNG THỊ BẠCH YẾN
 
 
 

.