Khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

02:10, 04/10/2021
.
Sáng 4/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Trước giờ khai mạc, Trung ương dành 1 phút tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ đã tử vong vì đại dịch Covid-19 vừa qua.
[links()]
 
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thông qua chương trình hội nghị.
 
Trước giờ khai mạc, Trung ương dành 1 phút tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ đã tử vong vì đại dịch Covid-19 vừa qua.
 
Hội nghị lần này tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Tình hình phòng, chống đại dịch Covid-19 và quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới; Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; Chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII; Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; và một số vấn đề quan trọng khác.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở một số vấn đề để Trung ương quan tâm nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định. Trong đó, tập trung vào hai nhóm vấn đề lớn.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Đăng Khoa)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Đăng Khoa)
Một số vấn đề về kinh tế - xã hội năm 2021 - 2022
 
Tổng Bí thư cho rằng, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Toàn hệ thống chính trị đã chủ động, tích cực vào cuộc; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được; khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; và bình tĩnh, tỉnh táo đề ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của đại dịch Covid-19 gây ra.
 
Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ cuối tháng 4 đến nay, với biến chủng mới Delta, lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn, hết sức tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta; đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ta và tâm lý, tâm trạng xã hội; đặc biệt đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào ta, trong đó có cả cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các y, bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch.
 
Tổng Bí thư nêu rõ, các báo cáo tại Hội nghị có quan hệ mật thiết với nhau; đề nghị Trung ương nghiên cứu thật kỹ và căn cứ vào thực tế tình hình ở các ngành, lĩnh vực, địa phương mình để thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2021, nhất là dự báo về tình hình đại dịch Covid-19 trên thế giới và ở nước ta trong thời gian tới. Chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra, những hạn chế, yếu kém cần khắc phục; phân tích làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.
 
Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, nắm bắt thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, xác định rõ quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất; các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể cho năm 2022, bảo đảm sát với thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước hằng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thật sự khách quan, công tâm, không né tránh, không bi quan nhưng cũng không tô hồng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ nay đến cuối năm 2021 và trong cả năm 2022.
 
Một số vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
 
Tổng Bí thư nhấn mạnh, để tăng cường công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị lần này sẽ tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".
 
Tổng Bí thư khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Trung ương đã bàn và ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách ráo riết, quyết liệt, có hiệu quả. Thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và các quyết định, quy định về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thời gian qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã đạt những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, nhưng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
 
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương đi sâu phân tích, làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu. Đồng thời tập trung ưu tiên thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng chính trị, tự phê bình và phê bình; về tập trung hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
 
Về sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm, Tổng Bí thư nêu rõ, gần 10 năm qua triển khai thực hiện cho thấy, những nội dung của Quy định cơ bản vẫn còn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
 
Đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương và các đại biểu tham dự Hội nghị với kinh nghiệm thực tiễn công tác, đóng góp ý kiến cụ thể, thiết thực vào dự thảo Quy định, tạo sự thống nhất cao trong Trung ương để ban hành Quy định mới đáp ứng yêu cầu chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, góp phần điều chỉnh nhận thức và hành vi của đảng viên theo hướng tích cực, đúng đắn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới,...
 
Dự kiến Hội nghị làm việc đến ngày 7/10 .
 
Theo BẮC VĂN/Nhandan.vn
 

.