[links()]
Kỳ cuối: Để bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
(Báo Quảng Ngãi)- Sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu như chủ trương đề ra thì rất cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; đồng thời trung ương cần sớm xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để các cơ quan, đơn vị vận hành thông suốt.
Trung ương cần có cơ chế, chính sách cụ thể
Tinh giản biên chế là một trong những yêu cầu bắt buộc khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, cái khó khi thực hiện nội dung này là các bộ, ngành trung ương chưa ban hành đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các quy định, hướng dẫn về xác định vị trí việc làm... Mặt khác, cơ sở để xác định số lượng biên chế theo vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức (CC), cơ cấu viên chức (VC) theo chức danh nghề nghiệp vẫn chưa được cụ thể hóa. Việc phân loại, đánh giá cán bộ (CB), CC, VC hằng năm chưa thật sự chính xác, dẫn đến việc xác định đối tượng tinh giản biên chế theo đề án vị trí việc làm gặp nhiều khó khăn, bất cập.
|
Cán bộ xã Trà Thanh (Trà Bồng) gặp gỡ, nắm bắt nguyện vọng của người dân trên địa bàn. Ảnh: T.THUẬN |
Tây Trà là huyện duy nhất của Quảng Ngãi phải sáp nhập vào huyện Trà Bồng. Sau hơn một năm thực hiện, đến nay huyện Trà Bồng vẫn chưa thể hoàn thành việc sắp xếp CB dôi dư. Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho biết, sau khi sáp nhập, mỗi xã của huyện dôi từ 15 - 20 CB nhưng không biết bố trí vào đâu.
Bên cạnh đó, sau khi hợp nhất, sáp nhập các cơ quan, đơn vị có chức năng tương đồng thì số lượng CB, CC của huyện dôi dư khá nhiều, nhất là cấp phó các cơ quan tham mưu, giúp việc và đơn vị sự nghiệp; nhiều cơ quan hiện có từ 7 - 8 cấp phó; có xã tới 5 Phó Bí thư Đảng ủy xã. Hiện tại, số lượng cấp trưởng, phó các cơ quan, phòng, ban của huyện là 101 người, gồm 27 cấp trưởng và 74 cấp phó.
Theo lộ trình, đến năm 2024, huyện Trà Bồng phải hoàn thành việc giảm số lượng CB, CC, VC, số lượng cấp phó các cơ quan, đơn vị, điều này là rất khó. Bởi lẽ, phần lớn đội ngũ CB, CC cấp xã cũng như cấp huyện có tuổi đời còn rất trẻ, số đến tuổi nghỉ hưu không nhiều. Chế độ, chính sách đối với CB, CC, VC dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Việc xác định đối tượng nghỉ theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị định 113/2018/NĐ-CP gặp khó khăn, rập khuôn, chưa tính đến yếu tố đặc thù do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, dẫn đến chưa khuyến khích những trường hợp này nghỉ hưu trước tuổi. Một nghịch lý nữa là, tuy CB, CC, VC dôi dư khá lớn, nhưng số người đủ điều kiện bố trí ở một số vị trí việc làm thì không có, như vị trí Phó Chủ tịch HĐND huyện... Việc thực hiện tinh giản biên chế vẫn còn mang tính bình quân, cào bằng giữa các cấp, ngành, cơ quan trong hệ thống chính trị, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ.
“Một số trường hợp trong quá trình chuẩn bị đề xuất, thẩm định, phê duyệt còn nóng vội, chưa xem xét kỹ lưỡng, toàn diện, thấu đáo các khía cạnh của đề án, chủ trương để có phương án hợp lý giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện. Điển hình là đặt ra yêu cầu tự chủ tài chính chưa sát đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập; đề án thực hiện chính quyền một cấp huyện Lý Sơn chưa đánh giá, dự lường hết các vấn đề có thể phát sinh, nên chưa có giải pháp đồng bộ, căn cơ vấn đề liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân, CB, CC cấp xã”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ĐẶNG NGỌC HUY
|
Từng bước hoàn thiện các mô hình
Theo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, giải pháp trước mắt là tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị, xác định đầy đủ, chính xác chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, sáp nhập. Tỉnh ủy cũng chỉ đạo, căn cứ vào quy định và hướng dẫn, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện từ năm 2021 - 2025. Vấn đề nào đã rõ, đã chắc chắn về pháp lý thì làm ngay, những vấn đề chưa rõ thì mạnh dạn đề xuất cho thực hiện thí điểm. Trong đó, nhấn mạnh vai trò người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, huyện Trà Bồng phải giảm gần 90 CB, trong đó phần lớn là CB cấp huyện. Theo phương án thì vận động nghỉ hưu trước tuổi 36 người, nghỉ hưu đúng tuổi 22 người, giải quyết cho xin chuyển công tác 30 người. |
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu các văn bản quy định của Đảng và Nhà nước để kịp thời sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các văn bản có liên quan đến tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị sau hợp nhất phù hợp, đúng quy định; chủ động chuẩn bị kịp thời việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định 107 và Nghị định 108 của Chính phủ ngay sau khi các bộ, ngành trung ương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Thực hiện nghiêm lộ trình tinh giản biên chế, tinh giảm cấp phó đúng chuẩn sau 60 tháng kể từ khi hợp nhất, sáp nhập.
Tiếp tục triển khai xây dựng, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt lại Đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ban, ngành liên quan. Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát trình độ chuyên môn, năng lực của đội ngũ CB, CC, VC để nâng cao tính chính xác trong đánh giá, phân loại CB, CC, VC để có kế hoạch sắp xếp, bố trí phù hợp với Đề án vị trí việc làm và tình hình thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống các đơn vị sự nghiệp, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Chủ động rà soát, đánh giá các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đảm bảo tiêu chí theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án, đề án kịp thời, sát thực tế, toàn diện để triển khai thực hiện theo yêu cầu và chỉ đạo của trung ương; khắc phục những thiếu sót, bị động.
Với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận của CB, CC, VC và nhân dân, thời gian tới, việc đẩy mạnh tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh sẽ đạt các mục tiêu như nghị quyết đã đề ra.
Nhận diện rõ bất cập để có lộ trình khắc phục
Tại Hội nghị sơ kết, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết 18,19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác này. Đồng thời cho rằng, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động tới tâm tư, tình cảm, lợi ích của nhiều người; một số quy định, quy chế của Đảng, Nhà nước còn thiếu tính đồng bộ nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện. Khi triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy, trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể, nên trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng, trong đó có việc xác định cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động, chế độ, chính sách đối với CB, CC dôi dư do sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy...
Về nguyên nhân chủ quan là công tác chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa toàn diện, sâu sát, chưa quyết liệt; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa chủ động, sáng tạo, thiếu sự quyết tâm trong quá trình triển khai thực hiện; việc đánh giá CB, CC, VC theo quy định hiện nay còn nhiều bất cập, còn biểu hiện nể nang, thiếu quyết liệt.
|
THANH THUẬN - BÁ SƠN