Hậu sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Vẫn còn nhiều điểm nghẽn

05:10, 19/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một việc rất khó, đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian cụ thể. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu “...đây là xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược được”. Song, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều điểm nghẽn, đòi hỏi mỗi địa phương và các bộ, ngành trung ương sớm có giải pháp tháo gỡ...
[links()]
 
 
Kỳ 1:  Chính quyền một cấp Lý Sơn - Nhìn từ thực tiễn
 
Từ ngày 1/4/2020, huyện Lý Sơn chính thức trở thành chính quyền một cấp. Kể từ đó đến nay, công tác lãnh đạo, quản lý của huyện gặp một số khó khăn. Nhiều vấn đề phát sinh đã vượt quá tầm giải quyết của tỉnh, để lại nhiều tâm tư trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sau khi giải thể chính quyền cấp xã theo Nghị quyết 867/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Lý Sơn đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết một số thủ tục hành chính cho người dân, do vướng mắc về thẩm quyền và quy định của pháp luật.

“Đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng nhưng cũng rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm, vì nó liên quan đến những vấn đề lý luận cơ bản về phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân; về đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế; về quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động... Tuy nhiên, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy đang là xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược được”.
Tổng Bí thư  NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Lúng túng trong xử lý thủ tục hành chính

 
Đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, theo quy định của pháp luật thì UBND cấp xã phải xác nhận vào tờ khai, thực hiện niêm yết công khai về việc đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại UBND cấp xã. Tuy nhiên, nay không còn chính quyền cấp xã, nhưng pháp luật thì không đề cập hướng xử lý trường hợp này, dẫn đến chính quyền và người dân đều lúng túng. 
 
Ông Lê Văn Lanh, ở thôn Đông An Vĩnh (Lý Sơn) lo lắng khi không còn chính quyền cấp xã thì cấp nào có đủ điều kiện xác nhận vào hồ sơ, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu xác nhận liệu có đảm bảo tính pháp lý. Đồng thời, các bước thuộc cấp xã xác nhận, nay không thực hiện thì khi khiếu kiện ra tòa, Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với lý do hồ sơ, thủ tục không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì ai chịu trách nhiệm. 
 
Cũng theo ông Lanh, đối với một số vụ việc trước khi ra quyết định hành chính, hoặc tòa đưa ra xét xử buộc phải có hồ sơ hòa giải của cấp xã, nhưng nay không còn chính quyền cấp xã, người dân phải thực hiện thủ tục như thế nào, thì đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.
 
 Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện Lý Sơn.  Ảnh: Hữu Danh
Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện Lý Sơn. Ảnh: Hữu Danh
 
Còn ông Phan Tấn Thành, ở thôn Tây An Hải (Lý Sơn) cho biết, từ tháng 8/2020 đến nay, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Lý Sơn không tiếp nhận và xử lý hồ sơ nâng hạn mức đất ở của người sử dụng đất (đối với đất không có giấy tờ), dẫn đến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tách sổ đỏ cho con để làm nhà. “Các cấp chính quyền cần sớm khắc phục những bất cập trên để đảm bảo quyền lợi của người dân”, ông Thành kiến nghị.
 
Theo lãnh đạo huyện Lý Sơn, kể từ ngày thực hiện chính quyền một cấp, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định cho chính quyền cấp xã được các phòng, ban chuyên môn của huyện giải quyết, không có sự gián đoạn trong chỉ đạo, điều hành. Bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm bớt văn bản hành chính, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã làm gia tăng khối lượng công việc cho một số phòng, ban, đơn vị của huyện. Một số công việc đòi hỏi cán bộ, công chức phải trực tiếp đến thôn để giải quyết, gây áp lực công việc cho cơ quan chuyên môn. Trong khi đó, trình tự giải quyết thủ tục hành chính về đất đai của Chính phủ và các biểu mẫu do Bộ TN&MT ban hành thì quy định chung cho cả nước, chưa thiết lập riêng cho chính quyền một cấp. Điều này dẫn đến cán bộ thực thi nhiệm vụ gặp lúng túng trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ký xác nhận của cấp xã trước đây. 
Kiến nghị để Lý Sơn được hưởng chính sách của vùng khó khăn
 
Khi Lý Sơn thực hiện mô hình chính quyền một cấp đã dẫn tới một số chế độ, chính sách đối với xã đảo đặc biệt khó khăn không còn (nhất là chế độ ưu tiên trong thi cử của học sinh, sinh viên; ưu tiên việc mua bảo hiểm y tế, thụ hưởng các dịch vụ y tế, hỗ trợ nằm viện cho bệnh nhân nghèo; hỗ trợ tiền ăn trưa cho cấp bậc mầm non; hỗ trợ miễn giảm tiền học phí cho học sinh, sinh viên...). Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, tỉnh sẽ nỗ lực làm việc với các bộ, ngành trung ương để người dân Lý Sơn tiếp tục được hưởng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Quyết định 1995 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển huyện Lý Sơn, giai đoạn 2015 - 2020.
Nhiều cán bộ, công chức xã chưa được bố trí, sắp xếp
 
Chính quyền một cấp ở Lý Sơn đã và đang vận hành theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Tuy nhiên, việc giải thể 3 xã đã để lại “bài toán” khó trong việc bố trí công tác cho 56 cán bộ, công chức (CB, CC) thuộc 3 xã trước đây. Theo Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt, để đảm bảo quyền lợi cho số CB, CC này, huyện đã đề xuất tỉnh cho chuyển về huyện và bố trí công tác ở các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, hội đoàn thể (29 CB, CC) và khối chính quyền (27 CB, CC). 
 
Cán bộ, công chức bộ phận một cửa UBND huyện Lý Sơn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.  Ảnh: T.T
Cán bộ, công chức bộ phận một cửa UBND huyện Lý Sơn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: T.T
Tuy nhiên, đến nay chỉ có 25 CC cấp xã đủ điều kiện chuyển thành CC huyện; một số CB đang làm các thủ tục, hồ sơ giải quyết nghỉ theo chế độ. Hiện tại vẫn còn 26 CB, CC chưa được cấp thẩm quyền quyết định chuyển thành CC cấp huyện, vì chưa có biên chế. Trước đó, huyện cũng thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập 15 cơ quan, đơn vị còn 7 cơ quan, đơn vị, nên giảm 7 CB lãnh đạo; số lượng biên chế của huyện từ 77 người, giảm còn 64 người. 
 
Bà Lê Thị Của - nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã An Vĩnh (cũ) cho biết, sau khi thực hiện chính quyền một cấp, tôi cùng các CB, CC xã An Vĩnh được chuyển về huyện. Tôi được bố trí làm việc ở Ban Dân vận Huyện ủy. Để trở thành CC huyện, tôi phải trải qua sát hạch và mới đây huyện có thông báo trong khối Đảng có 2 người đủ điều kiện được đi sát hạch đợt này. “Xây dựng chính quyền một cấp là chủ trương đúng, nhưng Bộ Nội vụ, Chính phủ cần linh hoạt trong việc sắp xếp, bố trí số CB, CC cấp xã thành CC cấp huyện để họ yên tâm công tác”, bà Của kiến nghị.
 
Tương tự, sau giải thể xã An Hải, ông Dương Nhương - nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã An Hải (cũ), nhiệm kỳ 2016 - 2021, được huyện bố trí làm việc ở Ban Dân vận Huyện ủy, nhưng hơn một năm qua, ông Nhương vẫn chưa được chuyển qua CC cấp huyện. “Tôi đã đi học Đại học, học lớp Quản lý Nhà nước để đủ điều kiện chuyển ngạch CC. Đề nghị tỉnh, trung ương nghiên cứu có cơ chế, chính sách cho chuyển toàn bộ CC cấp xã thành CC huyện để anh em khỏi thiệt thòi và yên tâm công tác”, ông Nhương bộc bạch.
Tiếp tục sát hạch cán bộ, công chức đủ điều kiện
 
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lữ Ngọc Bình cho rằng, nếu giải thể chính quyền cầp xã ở Lý Sơn và chuyển tất cả 58 CB, CC cấp xã thành 58 CB, CC cấp huyện thì mục tiêu thành lập chính quyền một cấp ở Lý Sơn không đạt yêu cầu đề ra. Do đó, chỉ chuyển những CB, CC đảm bảo điều kiện về trình độ, năng lực chuyên môn thành CB, CC cấp huyện và đến nay đã có 25 người được chuyển thành CB, CC cấp huyện. Số còn lại, nếu đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực công tác thì cuối năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét tiếp tục sát hạch để chuyển thành CB, CC cấp huyện. Những CB không đảm bảo điều kiện thì tinh giảm.
 
Thanh Thuận - Bá Sơn
 
--------------
Kỳ 2:    Vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm
 
 
 
 
 
 
 
 
 

.