Dân chủ trong Đảng (kỳ 2)

10:10, 28/10/2021
.
Kỳ 2: Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
 
(Báo Quảng Ngãi)- Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên thì cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Trong đó, tập trung phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ và bám sát thực tiễn địa phương để lãnh đạo, điều hành công việc; nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của đảng viên. 
[links()]
 
Đảng viên phải gương mẫu, trách nhiệm 
 
Cụ Trần Bày ở thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), dù năm nay đã 101 tuổi, nhưng hằng tháng vẫn đều đặn tham gia sinh hoạt chi bộ. Gần 75 năm tuổi Đảng và thuộc trường hợp được miễn sinh hoạt chi bộ do tuổi cao, nhưng cụ Bày vẫn chưa vắng buổi sinh hoạt nào. “Sinh hoạt chi bộ là trách nhiệm của đảng viên. Còn sức khỏe là tôi còn dự sinh hoạt chi bộ. Đi để nắm bắt tình hình ở địa phương, chia sẻ kinh nghiệm, góp ý với mong muốn xây dựng Đảng, xây dựng quê hương ngày càng phát triển",  cụ Bày bày tỏ.
 
Cụ Trần Bày (bên phải) dù tuổi cao nhưng vẫn tâm huyết với Đảng, góp ý xây dựng Đảng.  Ảnh: SA HUỲNH
Cụ Trần Bày (bên phải) dù tuổi cao nhưng vẫn tâm huyết với Đảng, góp ý xây dựng Đảng. Ảnh: SA HUỲNH
Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, với vai trò là đảng viên lão thành, có uy tín trong khu dân cư, cụ Bày luôn có những ý kiến đóng góp chân tình, thẳng thắn, nhất là đối với vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng nông thôn mới... Cụ Bày nhấn mạnh, phải lựa chọn những quần chúng thật sự ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống tốt, có mục tiêu lý tưởng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân để xem xét kết nạp Đảng, tránh tình trạng đảng viên đông nhưng không mạnh. Thời gian qua, trung ương rất quyết liệt trong việc sàng lọc đảng viên, đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng, được đảng viên cả nước đồng tình ủng hộ. Có như vậy mới xây dựng được tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. 
 
Theo cụ Bày, nơi nào thực hiện dân chủ trong Đảng không đến nơi đến chốn, lòng tin không có, cán bộ không “thoáng”, thì không đảng viên nào muốn phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chi bộ. Nếu phát huy dân chủ, mà dân chủ phải từ tổ chức, từ lãnh đạo đến đảng viên, thì chi bộ sẽ mạnh lên, đảng viên sẽ tích cực và mạnh dạn góp ý, hiến kế cho Đảng.
 
Sinh hoạt chi bộ là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện “tính Đảng” của mình trong tự phê bình và phê bình. Qua đó, biểu dương những tấm gương đảng viên tiêu biểu; nhắc nhở, phê bình đảng viên chưa hoàn thành nhiệm vụ để kịp thời uốn nắn, có giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm. 
 
Tại Công ty CP 19/8, sinh hoạt chi bộ đã được đổi mới, nội dung sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn. Bí thư Chi bộ Công ty CP 19/8 Trịnh Duyệt cho biết, với đặc thù của công ty là 2/3 đảng viên của chi bộ làm việc tại các công trình ở xa nên việc tổ chức sinh hoạt chi bộ cũng phải hết sức linh hoạt. Trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát, chi bộ vẫn duy trì sinh hoạt, tổ chức ngay tại công trường, hoặc tổ chức sinh hoạt trực tuyến. Trong sinh hoạt chi bộ, đảng viên luôn thể hiện ý thức trách nhiệm, mạnh dạn góp ý, thảo luận để triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, kế hoạch đề ra. "Cấp ủy luôn chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, vì sinh hoạt chi bộ là yếu tố quan trọng giúp nâng cao lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Qua đó thể hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ,  giúp đảng viên nâng cao ý thức chính trị, tư tưởng, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ được giao",  ông Trịnh Duyệt cho hay. 
 
Nâng cao tính Đảng
 
Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng đã tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên tích cực tham gia phát biểu, thảo luận, tranh luận để tạo sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động. Thời gian qua, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai, tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nhiều chi bộ đã thực hiện tốt các nguyên tắc sinh hoạt Đảng để đảng viên tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.
 
Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số chi bộ tổ chức sinh hoạt mang tính hình thức, chiếu lệ; nội dung sinh hoạt nhàm chán; cách thức tổ chức, điều hành thiếu khoa học. Trong đó, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ còn một số mặt hạn chế. Một số đảng viên do tính Đảng không cao, có tư tưởng nể nang, “dĩ hòa vi quý”, “dễ người, dễ ta”, chưa thật sự mạnh dạn trong đấu tranh bảo vệ lẽ phải... Từ đó làm giảm sức chiến đấu của tổ chức đảng và của từng đảng viên. Hệ quả là một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật. 
 
Để nâng cao tính Đảng trong sinh hoạt chi bộ, từ sau đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, các cấp ủy đảng đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cấp ủy viên, đảng viên về vị trí, vai trò của chi bộ; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.  
 
Phó Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Quang Vinh cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu định kỳ chi bộ phải tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Trong sinh hoạt phải bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để cán bộ, đảng viên tham gia góp ý; đưa nội dung tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ với nhiều cách làm sáng tạo. Trong sinh hoạt chi bộ cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Bí thư chi bộ phải khuyến khích và dành thời gian thỏa đáng để đảng viên tham gia phát biểu ý kiến đóng góp vào nội dung sinh hoạt và tiếp thu các ý kiến, kịp thời giải đáp những thắc mắc của đảng viên.
 
Ngày 30/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Chỉ thị 01 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Trong đó, yêu cầu tổ chức đảng thực hiện tốt phương châm “Cấp ủy viên cấp tỉnh nắm bắt tình hình đến tổ chức cơ sở đảng; cấp ủy cấp huyện nắm bắt tình hình đến chi bộ; đảng viên ở cơ sở nắm bắt tình hình đến hộ gia đình”; phân công cấp ủy viên cấp tỉnh và cấp huyện phụ trách, bám sát cơ sở, tham dự các buổi sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy cấp trên tăng cường hướng dẫn, kiểm tra; bảo đảm việc đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm nghiêm túc, thực chất; sau kiểm điểm phải có kế hoạch khắc phục khuyết điểm. Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động công tác tại cơ sở. Nếu địa phương, cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ hoặc mất ổn định chính trị, thì cấp ủy, bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải bị xem xét trách nhiệm.
Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung
 
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương  khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là chủ trương lớn được đúc kết từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong đổi mới phương thức lãnh đạo theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Lâu nay, vì những "nút thắt vô hình" dẫn đến nhiều cán bộ, đảng viên chưa thể hiện rõ chính kiến, chưa mạnh dạn sáng tạo, cống hiến vì lợi ích chung. Quy định mới này được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình cao, tạo động lực để cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.
 
Thương binh Nguyễn Tấn Tới, ở xã Long Hiệp (Minh Long) cho rằng, để Kết luận14 thực sự đi vào cuộc sống, theo tôi mỗi cấp ủy đảng phải tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ dám nói, dám bày tỏ chính kiến của mình, thể hiện được tính Đảng trong mỗi đảng viên. Bởi lẽ, phải dám nói và nói thẳng thì mới khắc phục được những tồn tại, hạn chế, thúc đẩy sự phát triển, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
 
 
SA HUỲNH
-------------------
Kỳ cuối: Giải pháp phát huy dân chủ trong Đảng
 
 
 
 

.