(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ 5 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, Người đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ và kêu gọi toàn dân học chữ quốc ngữ, tiêu diệt giặc dốt. Phong trào “Bình dân học vụ” nhanh chóng được lan rộng khắp cả nước, trong đó nhân dân Quảng Ngãi. Những năm tháng ấy vẫn còn in đậm trong ký ức những người từng tham gia bình dân học vụ.
Ngay từ những ngày đầu, phong trào xóa mù chữ nhanh chóng phát triển với khẩu hiệu: “Toàn dân đi học”, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, người biết chữ nhiều dạy cho người biết chữ ít, trong gia đình cũng vừa thầy vừa trò: “Con mà biết chữ dạy cha/ Chồng hay dạy vợ, anh mà dạy em”...
Sôi nổi phong trào “Bình dân học vụ”
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, ở Quảng Ngãi, các lớp bình dân học vụ được tổ chức rầm rộ. Đình miếu, chùa chiền hay nhà dân có diện tích rộng đều được sử dụng để mở lớp học. Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn về sách vở, bút mực, người dân từ trẻ đến già, bằng mọi cách học để đọc thông viết thạo, rồi nâng dần lên các lớp cao hơn. Theo Biên niên sử Quảng Ngãi 1402 - 2005, chỉ sau 3 năm, đến năm 1948, huyện Tư Nghĩa trở thành huyện đầu tiên ở Nam Trung Bộ thanh toán nạn mù chữ và sau đó tỉnh ta (trừ các huyện miền núi) là một trong 10 tỉnh trong cả nước thanh toán nạn mù chữ. Cũng trong năm này, nhân dân trong tỉnh được Chính phủ tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất về thành tích tăng gia sản xuất và xóa nạn mù chữ.
Nhờ tham gia lớp bình dân học vụ mà ông Đặng Quyên ở xã Nghĩa Hà, TP.Quảng Ngãi đã đọc thông, viết thạo. |
Ông Quyên kể, hồi ấy tôi mới chỉ 13 - 14 tuổi. Khi trong thôn, trong xã vận động mọi người đi học chữ, tôi cũng háo hức lắm. Ban ngày mọi người tham gia sản xuất, nhưng cứ đến tối thì từ người già đến trẻ con lại rủ nhau xách đèn dầu dừa, ôm theo vở, bút đến lớp học.
Ở Nghĩa Hà, lớp học là gian nhà mái lá đơn sơ được dựng lên dưới bụi tre sau trường tiểu học để tránh sự phát hiện của địch. Vì tuổi còn nhỏ, ông Quyên được học thêm một suất buổi sáng. Cứ sáng sớm, ông cùng những người bạn đồng trang lứa lại thắp đèn đến trường học, khi trời vừa tảng sáng là ra về. Trong lúc học, thầy giáo phải cắt cử người ra ngoài canh máy bay, gần lớp học cũng đào mấy chục cái hầm trú ẩn... “Lúc ấy, cơm áo còn chưa đủ no ấm, mà dân mình vẫn coi trọng chữ nghĩa lắm. Cha tôi, người mà một chữ bẻ đôi còn không biết lại khuyên rằng, dù có khổ cực mấy cũng phải học để biết cái chữ, học để biết đọc, biết viết cái tên mình, để không thẹn với đời. Từ lớp học này, cũng có nhiều người dù nhỏ tuổi nhưng đã sớm giác ngộ cách mạng”, ông Quyên bảo.
Nhà thơ, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ (1931) ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), ngày đó cũng có thơ rằng: “Nhà nàng xưa ngõ hoa phong/ Bình dân học vụ lớp trong, lớp ngoài...”. Từ những lớp trong, lớp ngoài đó, con chữ trở nên “thân thuộc” hơn với những người dân chân lấm, tay bùn thời bấy giờ.
Ký ức người “chiến sĩ vô danh”
Để vinh danh những người từng tham gia các lớp bình dân học vụ, Bác Hồ gọi họ là những “Anh hùng vô danh”. Ông Đoàn Đốc, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), là một trong những “Anh hùng vô danh” đó. Ở tuổi 94, ông Đốc vẫn còn nhớ rất rõ về quãng thời gian tham gia dạy chữ. Ông Đốc từ nhỏ theo gia đình học ở Campuchia, nên rất thông thạo chữ quốc ngữ. Năm 1943, ông trở về sinh sống cùng gia đình tại ngã tư Ba La, xã Nghĩa Dõng. Khi nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “mỗi người biết chữ phải là một giáo viên bình dân học vụ”, ông hồ hởi tham gia ngay. Thời điểm đó, ông Đốc chỉ mới 18 tuổi, được đi dạy các bà, các mẹ ở lớp học I - T; chàng trai Đoàn Đốc vui lắm, bởi còn nhỏ tuổi mà đã được gọi bằng thầy.
Ở tuổi 94, ông Đoàn Đốc ở xã Nghĩa Dõng, TP.Quảng Ngãi vẫn luôn nhớ về những ngày mình được làm thầy giáo. |
Từ đó, lớp học cũng đông dần lên, có cả người già lẫn trẻ em, hay có nhà cả vợ và chồng cùng đi, có phụ nữ bế theo con đến lớp. “Hồi ấy, ban ngày tôi đi chăn trâu thuê cho nhà ông Hương trong làng, đến tối tôi lại dạy chữ cho 7 người con của ông Hương”, ông Đốc cười bảo. Tối tối, cứ khoảng 19 - 20 giờ tùy từng hôm, mọi người lại xách đèn dầu, đốt đuốc đến lớp học. Không có bảng đen, phấn trắng, bảng là tấm cửa nhà được tháo xuống, bẹ lá chuối to hay đôi khi là nền nhà đất. Phấn khi có thì dùng, lúc hết thì lấy hòn than, que tre, miễn sao học viên có thể nhìn được chữ thầy. Người đi học cũng không kiếm đâu ra bút vở đàng hoàng, mỗi người mua vài tờ giấy đen, bên ngoài bao bằng một tấm bìa.
“Ban đầu, phải tập cho mọi người cách đọc, cách nhớ và rèn từng nét chữ. Nhưng rồi sau vài tháng thì từ chỗ không ai biết gì thì đã bập bẹ đọc được cả bài văn”, ông Đốc nhớ lại. Những người “thầy” như ông Đốc lúc ấy thường đưa những câu hát, những ví dụ so sánh để học sinh dễ nhớ và nhớ lâu như: “i, t (i tờ) giống móc cả hai/ i ngắn có chấm, (t) tờ dài có ngang", "o tròn như quả trứng gà/ ô thời đội nón, ơ thì thêm râu”. Bằng cách học này, những người lớn tuổi cũng nhớ được từng chữ.
“Thấy học trò ham học, mình cũng ham dạy lắm”, ông Đốc nói, mắt ánh lên sự tự hào. Cũng giống như tất cả giáo viên bình dân học vụ, ông Đốc đi dạy tự nguyện, không lấy tiền nhưng rất trách nhiệm. Công việc cũng không gò bó, lúc nào bận thì nghỉ, nhưng hầu như ông Đốc và những thầy cô khác không bỏ lớp ngày nào, vì “bỏ lớp sợ trò quên mặt chữ”. Nay đã ở tuổi mà trí nhớ không còn mấy minh mẫn, nhưng những ký ức đẹp về một thời khốn khó nhưng đầy ắp tình người vẫn luôn in đậm trong tâm trí người thầy giáo năm ấy. Bởi với những người dù đứng trên bục giảng, hay học trò đến lớp học chữ thì những tháng ngày "bình dân học vụ" ấy vẫn luôn là những tháng ngày tràn đầy ý nghĩa trong cuộc đời.
Bài, ảnh: VŨ YẾN