Báo Chơn Độc Lập ra đời trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Quảng Ngãi

10:09, 02/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chơn Độc Lập là tờ báo ra đời trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Quảng Ngãi. Tuy tồn tại chỉ trong một thời gian ngắn nhưng Chơn Độc Lập để lại dấu ấn khá đậm nét, là tờ báo chính thức của chính quyền Việt Minh Quảng Ngãi. 
[links()]
 
Tuyên cáo tôn chỉ, mục đích bằng... thơ
 
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi vào ngày 11/3/1945 đã thổi bùng cao trào cách mạng ở Quảng Ngãi. Thanh thế của Việt Minh và Đội du kích Ba Tơ ngày càng dâng cao. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chủ trương tăng cường xây dựng thực lực cách mạng, khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt để khi thời cơ xuất hiện tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Trên mặt trận tư tưởng, Tỉnh ủy thành lập Ban Tuyên truyền huấn luyện và xuất bản báo Chơn Độc Lập, đặt cơ sở ấn loát bí mật tại vùng Minh Tân - Cà Đó (xã Đức Minh, huyện Mộ Đức).
 

 

Tờ báo Chơn Độc Lập số đầu tiên.
Tờ báo Chơn Độc Lập số đầu tiên.
Chơn Độc Lập được giao nhiệm vụ đấu tranh vạch trần âm mưu lừa bịp của chính sách Đại Đông Á của quân phiệt Nhật, vạch trần tính chất bù nhìn tay sai của “chính phủ” Trần Trọng Kim, uốn nắn sự mơ hồ, mất cảnh giác, động viên nhân dân đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh cùng đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập thực sự cho Tổ quốc.
 
Ngày 20/6/1945, báo Chơn Độc Lập ra số đầu tiên. Trên trang nhất báo in trang trọng bài thơ “Chào mừng Chơn Độc Lập”, với nội dung: “Lần đầu tiên lên võ đài tranh đấu/ Giơ nắm tay chào Chơn Độc Lập lên đường/ Bỏ tan gông xiềng xích trói Đông Dương/ Cố hết sức với giang sơn cứu nước!/ Giết tan đi lũ quân thù xâm lược!/ Giành lại mau quyền độc lập nước nhà/ Ngày nay đây Chơn Độc Lập quyết xông pha/ Với sứ mệnh giang sơn đang giao phó/ Chơn Độc Lập vẫy vùng trên sóng gió/ Cất tiếng hô Chơn Độc Lập muôn năm!”. Đây là tờ báo cách mạng hiếm hoi, độc đáo bởi tuyên cáo tôn chỉ, mục đích bằng... thơ.
 
Tỉnh ủy Quảng Ngãi vừa sử dụng báo Chơn Độc Lập vừa tổ chức những “đội tuyên truyền xung phong” đi sâu tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức quần chúng tham gia các đoàn thể cứu quốc, đội tự vệ cứu quốc, tiểu tổ du kích, ủng hộ “hũ gạo cứu quốc”, “hũ gạo nuôi quân”. Lúc này, Đội du kích Ba Tơ được lệnh rời căn cứ Cao Muôn tiến quân về đồng bằng, lập hai chiến khu Vĩnh Sơn và Núi Lớn. Báo Chơn Độc Lập kịp thời phổ biến chủ trương tổ chức “ngày đặc quyền mua sắm khí giới” cho đội quân du kích. Báo mở rộng tuyên truyền các hình thức lạc quyên từ tiền bạc, lương thực, sắt thép, vải vóc đến các đồ dùng quân sự, bảo đảm cho hoạt động của đội quân du kích và lực lượng tự vệ xung kích ở các làng xã. Người dân đóng góp vào các đợt lạc quyên được báo Chơn Độc Lập đăng danh sách công khai để “làm bằng chứng”.
 
Có một chi tiết khá thú vị, thể hiện sự đề cao vai trò báo chí cách mạng lúc bấy giờ, đó là: Trước khí thế sục sôi của phong trào cứu quốc, nhiều viên chức trong chính quyền bù nhìn hoang mang, dao động. Một số viên tri phủ, tri huyện tìm cách bắt liên lạc và nhận việc của Việt Minh. Nhiều chánh tổng, phó tổng, tổng đoàn, lý hương, địa chủ ở các làng lần lượt gia nhập các hội thân hào cứu quốc, hoặc ủng hộ tiền bạc, thóc lúa cho cách mạng, không ít người đề đạt nguyện vọng được gia nhập hàng ngũ Việt Minh. Với chủ trương tranh thủ quần chúng trung gian đứng về phía cách mạng, Việt Minh Quảng Ngãi đưa ra một số điều kiện để dung nạp, trong đó yêu cầu những người từng cộng tác với chính quyền bù nhìn phải “viết tài liệu tự chỉ trích đăng trên báo cách mệnh”. Chơn Độc Lập là tờ báo “cách mệnh” được giao tiếp nhận, biên tập và đăng những “tài liệu tự chỉ trích” ấy.
Về hình thức, măng sét báo Chơn Độc Lập sau ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi đã có sự thay đổi: Chính giữa đầu trang là dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm thứ nhất”, bên trái là dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, bên phải là số và ngày tháng năm xuất bản. Dưới chữ Chơn Độc Lập in hoa là câu “Cơ quan của Ủy ban Vận động Cứu quốc Lê Trung Đình”. Việc in báo Chơn Độc Lập trải qua nhiều giai đoạn, ban đầu in đông sương, sau chuyển sang in đá, rồi in chữ chì. Cách mạng Tháng Tám thành công, báo Chơn Độc Lập ra liên tiếp mấy số phản ánh thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa và phổ biến những chủ trương mới của chính quyền cách mạng buổi ban đầu, rồi ngừng xuất bản.
Tờ báo của chính quyền Việt Minh Quảng Ngãi
 
Ngày 14/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Quảng Ngãi nổ ra và chỉ sau 3 ngày đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30/8/1945, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lê Trung Đình (tên gọi tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ) ra mắt nhân dân. Báo Chơn Độc Lập từ hoạt động bí mật đã ra công khai và trở thành cơ quan tuyên truyền chính thức của chính quyền Việt Minh Quảng Ngãi.
 
Là địa phương tiến hành khởi nghĩa sớm trong cả nước nhưng Quảng Ngãi lúc bấy giờ có đến 95% dân số mù chữ, nạn “đói cơm lạt muối” hoành hành từ đồng bằng đến miền núi. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn có những hành động chống đối, đả kích chế độ mới. Trong bối cảnh đó, Chơn Độc Lập ra sức vận động nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, tích cực chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. 
Tờ báo Chơn Độc Lập số 6 ngày 10/9/1945.                                     ẢNH: HÀ MINH ĐÍCH
Tờ báo Chơn Độc Lập số 6 ngày 10/9/1945. ẢNH: HÀ MINH ĐÍCH
Quan sát báo Chơn Độc Lập số 6 ra ngày 10/9/1945, cho thấy, trên trang 1 báo đăng xã luận: Phải nỗ lực chiến đấu. Bài viết nhấn mạnh: “Chúng ta mới thoát khỏi xiềng xích Pháp - Nhật, nhưng những lực lượng có thể phá hoại và xâm lăng đất nước đang vây quanh ta. Cuộc chiến đấu giải phóng giống nòi có thể còn gian lao gay gắt. Tổ quốc đang cần ở ta một sức mạnh chiến đấu vô biên. Hơn lúc nào hết, tất cả mọi người như một, chặt chẽ đoàn kết quanh chính quyền cách mạng nhân dân, nỗ lực kiến thiết lại đất nước và nếu cần, chúng ta sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cho nền độc lập của non sông!”. Cũng trên trang 1 báo in đậm lời hiệu triệu “Ngày nào chính quyền cách mạng chưa bền vững ngày đó còn cần một sức võ trang ráo riết, một nỗ lực hy sinh cực độ, một tinh thần chiến đấu quyết tử, một ý chí quyết thắng mạnh mẽ của toàn thể đồng bào”.
 
Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng sức ảnh hưởng của Chơn Độc Lập hết sức rộng rãi. Nhà báo Trương Trí, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh Nghĩa Bình, người tham gia hoạt động Việt Minh đầu năm 1945 ở Quảng Ngãi, trong một hồi ký đã viết: “Hồi đó, khi đi vận động phát triển phong trào Việt Minh, vận động ai, nói chuyện gì thì giở tờ Chơn Độc Lập đọc cho họ nghe là đạt yêu cầu; tuy tờ báo còn nghèo nàn về nội dung, hình thức cũng chả ra sao, nhưng vì là tờ báo bí mật nên “thiêng” lắm!”.
 
Chơn Độc Lập để lại bài học quý về tính chiến đấu và sự dấn thân của báo chí cách mạng - một câu chuyện không bao giờ cũ.
 
HÀ MINH ĐÍCH
 

.