(Báo Quảng Ngãi)- Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng ký ức về một thời mở đường Trường Sơn vẫn in đậm trong trái tim vợ chồng ông Vương Đình Bường và bà Nguyễn Thị Hoa Bưởi. Hiện nay, ông bà đang sống ở tổ dân phố Vĩnh Bình, phường Phổ Ninh (TX.Đức Phổ).
[links()]
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, thì nhắc đến sự khốc liệt của chiến tranh và đồng đội đã hy sinh là vợ chồng ông Bường không thể cầm lòng. Ký ức về những đêm trinh sát, phá đá mở đường, những ngày vượt đèo, lội suối hành quân vào Nam; đối mặt với làn ranh mỏng manh giữa sự sống với cái chết; tận mắt chứng kiến đồng đội hy sinh khi tuổi mới mười tám, đôi mươi... cứ hiện hữu trong lòng vợ chồng ông.
Vợ chồng ông Bường quê ở xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Khi tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Bường rời gia đình, quê hương, lên đường nhập ngũ. “Hồi ấy, khí thế sôi nổi lắm, nhất là khi biết mình sẽ được đi ngay lên tuyến đầu vào Trường Sơn. Mặc dù chưa biết nhiệm vụ sẽ làm gì, nhưng vui lắm! Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn làm lính Trường Sơn”, ông Bường hồ hởi kể.
Khi mới nhập ngũ, ông Bường được phân công về Đoàn 22A, Quân khu 4. Huấn luyện xong, ông trở thành bộ đội pháo binh thuộc Đoàn 559. Ông cùng đồng đội làm nhiệm vụ trinh sát mở đường và “canh giặc trời” để bảo vệ tuyến đường Trường Sơn đảm bảo thông suốt.
Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ngãi tổ chức gặp gỡ đồng đội cũ và dâng hương tưởng nhớ Thiếu tướng Võ Bẩm tại nhà lưu niệm trong dịp 30/4/2021. |
Trên tuyến đường Trường Sơn những năm tháng ác liệt đó không biết đã diễn ra bao nhiêu trận đánh. “Không có ngày, đêm nào là không có máy bay địch đánh phá. Chúng thường tổ chức đánh theo tốp. Từng chiếc cắt bom bay ra ngay vì sợ lực lượng phòng không của ta. Thế nhưng, chúng tôi vẫn nhận ra được những quy luật hoạt động của chúng để bố trí đánh trả”, ông Bường nhớ lại.
Địch đã dùng mọi phương tiện trinh sát hiện đại nhằm phát hiện bộ đội ta và nơi cất giấu, tập kết lương thực, thực phẩm, vũ khí... Các trang thiết bị nghe, nhìn, thu tín hiệu của chúng có thể phát hiện mọi di biến trên mặt đất. Nhưng ta luôn chủ động nguỵ trang, kịp thời phân biệt để xử lý, khống chế các loại trang thiết bị trinh sát kể cả “cây nhiệt đới” nên đã hạn chế đáng kể việc đánh phá ác liệt của địch.
Ông Bường ngậm ngùi kể, những năm 1967 - 1968, Mỹ tập trung đánh phá hủy diệt đường Trường Sơn. Chất độc hóa học rải trắng rừng. Bom đạn dội xuống không biết bao nhiêu mà kể. Đau nhất là trận năm 1971, đơn vị đang di chuyển vào đến ngã ba Lum Bùm (Lào), cả đoàn có hơn chục chiến sĩ hy sinh vì bom địch. Chúng tôi tự tay nhặt từng bộ phận thi thể của đồng đội rồi chôn cất mà trong lòng đau xót không sao tả được.
Với bà Bưởi thì không bao giờ quên quãng thời gian tham gia nhiệm vụ mở đường ở khu vực đường Tân Kỳ từ Km0 đến phà Khai Sơn (Nghệ An). "Lúc ấy, ngày cũng như đêm, lúc nào máy bay Mỹ cũng ném bom đánh phá ác liệt. Cứ máy bay ném bom xong là chúng tôi lại ra san sửa đường", bà Bưởi nhớ lại.
Vợ chồng ông Vương Đình Bường ôn lại ký ức một thời hoa lửa. |
Ngày đất nước được giải phóng, trên cơ thể nhiều người lính mang thương tật chiến tranh. Nhưng cả ông Bường và bà Bưởi đều cho rằng mình may mắn hơn nhiều đồng đội vì vẫn còn sống và được hưởng giá trị của hòa bình. Hai người đến với nhau, đồng cảm, sẻ chia nỗi đau chiến tranh để lại. Năm 2014, vì di chứng của vết thương nên ông Bường bị tai biến và liệt một tay. Dù vậy, hai vợ chồng sớm hôm vẫn nương tựa, thương yêu, chăm sóc cho nhau.
Ông Vương Đình Bường hiện là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ngãi. Hằng năm, đến dịp kỷ niệm ngày truyền thống, hội tổ chức gặp gỡ đồng đội cũ và dâng hương tưởng nhớ liệt sĩ. Trong khoảnh khắc ấy, họ cùng nhau ôn lại ký ức một thời hoa lửa, tự hào về sự cống hiến, hy sinh của đồng chí, đồng đội từng chung chiến hào.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN