Đại tướng trong lòng một người con Quảng Ngãi

10:08, 24/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thiếu tướng Đoàn Y Thanh - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, quê ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã mất cách đây 5 năm, nhưng câu chuyện ông kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn vẹn nguyên trong ký ức của người thân trong gia đình, đồng đội và những trang hồi ký lưu lại.
[links()] 
Thiếu tướng Đoàn Y Thanh (bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở công trình Đập chứa nước Đắk Uy (Kon Tum).  Ảnh: T.L
Thiếu tướng Đoàn Y Thanh (bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở công trình Đập chứa nước Đắk Uy (Kon Tum). Ảnh: T.L
Ngày trước, vào những dịp lãnh đạo Quân khu 5 đến thăm, chúc Tết, bao giờ Thiếu tướng Đoàn Y Thanh cũng "khoe" với mọi người tủ sách quý của ông. Trong đó, có hàng chục cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoặc các nhà văn, nhà quân sự viết về Đại tướng như: Tổng tập hồi ký; Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử; Võ Nguyên Giáp, hào khí trăm năm... Vị tướng quê Quảng Ngãi từng nói: “Sau Bác Hồ, Đại tướng là người tôi kính trọng nhất. Từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chỉ có  34 người, Đại tướng đã có công lớn trong xây dựng quân đội lớn mạnh như hôm nay. Tôi từng có ba lần gặp Đại tướng. Đặc biệt lần gặp Đại tướng ở Đắk Uy (Kon Tum), càng thấy ở ông tầm nhìn sâu rộng và sự gần gũi, giản dị hiếm có”.
 
Tháng 12/1954, ông Đoàn Y Thanh là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 120, cùng đơn vị tập kết ra Bắc, đóng quân ở Thanh Hóa. Trung đoàn hầu hết là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Bộ đội có người nói tiếng Việt chưa thạo. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, mọi người rất vui mừng. Thật bất ngờ, nghe cán bộ Trung đoàn giới thiệu mình, Đại tướng hỏi vui: “Các đồng chí có biết Đại tướng là gì không? Tức là tướng to đấy”. Ai nấy cười ồ và thấy người Anh Cả của Quân đội sao mà chân chất và hiền hậu. Đại tướng nói chuyện thật chậm rãi cho bộ đội dễ nghe về ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ và nhiệm vụ sắp đến của quân đội. Ông đặt niềm tin tưởng về những cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 đã trải qua chiến đấu gian khổ sẽ tiếp tục trưởng thành trên đất Bắc.
 
Năm 1959, ông Thanh cùng một số cán bộ cốt cán bí mật trở lại miền Nam, trước khi đi, ông và đồng đội lại vinh dự được Đại tướng đến thăm, động viên. Mang theo tâm nguyện của Đại tướng, ông Thanh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, khi được phân công làm Phó Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 5, rồi phụ trách hậu cần chiến dịch, ông Thanh đã có đóng góp quan trọng để xây dựng nền hậu cần Quân khu 5 vững chắc, góp phần đánh Mỹ thắng lợi. Ông Thanh tham mưu cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và trực tiếp tổ chức ngành hậu cần thành một thế trận liên hoàn, rộng lớn, phục vụ chiến đấu. Hậu cần Quân khu lúc bấy giờ có đến 18 tiểu đoàn sản xuất chuyên nghiệp. Năm 1972, khi tổ chức chiến dịch nam Quảng Ngãi, Quân khu 5 đã có trong tay hàng nghìn tấn gạo.
 
Cuối năm 1975, mảnh đất Tây Nguyên màu mỡ vẫn là một vùng thiếu bàn tay khai phá của con người. Đại tướng Chu Huy Mân - Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, chỉ đạo toàn Quân khu phải chung tay làm kinh tế, đem lại no ấm cho đồng bào nơi đây. Ông Thanh được chỉ định làm Đoàn trưởng Đoàn 331. Đơn vị này có nhiệm vụ phối hợp với đoàn kinh tế khác xây dựng đập chứa nước Đắk Uy, ở huyện Đắk Hà, nay thuộc tỉnh Kon Tum. Với sự chung tay của người lính Quân khu 5, đập Đắk Uy đã dần được hình thành, tạo nên bức tranh tuyệt đẹp trên mảnh đất từng là chiến trường xưa. Công trình có dung tích hồ chứa trên 26 triệu mét khối nước, có sức tưới trên 2.500ha cây trồng, tạo nguồn nước sinh hoạt cho trên 6 vạn dân.
 
Năm 1976, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc này là Trưởng ban xây dựng Tây Nguyên đã vào thăm Đắk Uy. Sau khi đến thăm từng đơn vị tham gia trên công trình thủy lợi, nghe Đoàn trưởng Đoàn Y Thanh báo cáo, Đại tướng hết sức ngạc nhiên và vui mừng. “Mới giải phóng không bao lâu mà các cậu đã làm quá giỏi. Còn có cả một trung đoàn cơ giới hùng hậu và hiện đại đến vậy. Như vậy là quý  lắm. Các cậu phải nhớ, sau khi làm xong phải sử dụng lực lượng cơ giới này làm cho cả Tây Nguyên”, Đại tướng động viên. Rồi Đại tướng chỉ ra tiềm năng to lớn của đập Đắk Uy nếu đưa vào sử dụng. Quả vậy, sau khi khánh thành ngày 19/5/1977, nguồn nước mát của đập đã làm hồi sinh, biến vùng đất Đắk Hà thành vùng đất trù phú của cây lúa nước, cây công nghiệp, là bệ phóng để huyện phát triển kinh tế vượt bậc...
 
Ngày hôm sau, ông Thanh và ông Võ Thành Trung - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum lúc bấy giờ, tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đồng bào huyện Đắk Tô, rồi tiễn Đại tướng ra sân bay Pleiku để về Hà Nội. Lúc cất cánh xong, chiếc máy bay trực thăng bay qua một vòng, chao cánh như để chào Tây Nguyên. Thư ký của Đại tướng sau này kể rằng, lúc máy bay bay qua đập Đắk Uy, Đại tướng bảo hạ độ cao để nhìn lại đập này một lần nữa...
 
HỒNG VÂN
 
 
 

.