Sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (2-9-1945), một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm bảo vệ nền độc lập, tự do là xúc tiến bầu Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức. Do đó, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Cuộc Tổng tuyển cử cho thấy dấu ấn quan trọng của Người đối với việc ra đời Quốc hội khóa I (1946-1960).
(Việt Nam Quốc dân đảng) do ngoại bang hậu thuẫn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ chỉ huy tối cao của dân tộc, một mặt kiên quyết đấu tranh vạch trần và chống lại những hành động phá hoại; mặt khác thực hiện sách lược nhân nhượng, hòa giải để tiến tới Tổng tuyển cử.
Ngày 24-12-1945, đại biểu của Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách đã ký bản Biện pháp đoàn kết gồm 14 điều chính và 4 điều phụ, thể hiện rõ các nội dung: Độc lập trên hết; kêu gọi đoàn kết; đình chỉ đăng báo công kích lẫn nhau bằng lời nói và hành động; nhất trí mở rộng Chính phủ lâm thời có đại diện của Việt Quốc và Việt Cách; thừa nhận 70 ghế trong Quốc hội cho Việt Quốc, Việt Cách không thông qua bầu cử. Từ tinh thần trên, ngày 1-1-1946, Chính phủ lâm thời đã cải tổ, mở rộng thành phần.
Ngày 3-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Chính phủ, kiểm tra lần cuối những công việc của cuộc Tổng tuyển cử. Ngày 5-1-1946, Người ra Lời kêu gọi quốc dân thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ công dân của mình và nhấn mạnh: “Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ được tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước...”. Đồng thời, Người nêu rõ cử tri cần sử dụng đúng đắn trách nhiệm, quyền bầu cử để lựa chọn các đại biểu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trên tinh thần “những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu”.
Có thể nói, giữa muôn vàn khó khăn thử thách, bất chấp sự chống phá của các tổ chức phản động, các sắc lệnh bảo đảm cho cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức theo đúng nguyên tắc bình đẳng, phổ thông, bỏ phiếu kín để mỗi người dân Việt Nam được thực hiện quyền dân chủ của mình khi tham gia bầu cử nêu trên đã được triển khai trong thực tiễn. Đồng thời, việc chuẩn bị khẩn trương, chu đáo về mọi mặt của Hồ Chí Minh và bộ chỉ huy tối cao của dân tộc đã góp phần quan trọng làm cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I thực sự tự do, bình đẳng và đoàn kết, là ngày hội của toàn dân.
Bước tiến lớn thể hiện quyền làm chủ của nhân dân
Ngày 6-1-1946, nhân dân cả nước với niềm tin tưởng chắc chắn rằng “đi bỏ phiếu là đặt một viên gạch xây đắp nền cộng hòa dân chủ” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã bất chấp sự phá hoại của kẻ thù, để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mình.
Tại Hà Nội, đã có 172.765 trong tổng số 187.880 cử tri (chiếm 91,95%) cử tri đi bỏ phiếu. 6 trong tổng số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Người trúng cử đạt phiếu cao nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh, được 169.222 phiếu (98,4%).
Tại các địa phương khác, Tổng tuyển cử cũng diễn ra sôi nổi. Mặc dù một số địa bàn phải đối phó với âm mưu phá hoại tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng ở miền Bắc, nói chung tổng tuyển cử diễn ra an toàn. Thành phố Hải Phòng có tới 96% cử tri đi bỏ phiếu. Ở Nam Bộ, dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù, không có nơi bỏ phiếu cố định, thậm chí ngay tại bệnh viện hoặc trên trận tuyến... bất chấp địch đánh phá, Tổng tuyển cử vẫn thu được kết quả tốt đẹp.
Trong Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, trên cả nước đã có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%; trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân Việt Nam đã thực hiện quyền làm chủ đất nước và xã hội thông qua lá phiếu để bầu những đại biểu thay mặt mình gánh vác công việc nước nhà. Việc thực hiện nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, mở rộng cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội khóa I là bước tiến lớn thể hiện quyền làm chủ của nhân dân lần đầu được thực hiện ở nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, thể hiện tầm nhìn chiến lược của một nhà lập hiến. Có thể nói, vừa kiên quyết vừa khôn khéo, mềm dẻo trong vấn đề nội trị và ngoại giao; đồng thời, thực hiện sự nhân nhượng có nguyên tắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam đã làm cho cuộc Tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu thực sự là ngày hội của toàn dân, ngày hội của nước Việt Nam độc lập, tự do và dân chủ.
Quốc hội khóa I - Quốc hội ra đời từ lòng dân, bao gồm đầy đủ các tầng lớp, các giới, các đảng phái chính trị ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, gồm 333 đại biểu là kết quả sự hy sinh, phấn đấu và đoàn kết của toàn dân ta. Cùng với 70 đại biểu không thông qua bầu cử, Quốc hội khóa I gồm 403 đại biểu, với đầy đủ các thành phần: Công nhân, nông dân, trí thức, các nhà tư sản, người buôn bán…, là hình ảnh tượng trưng cho khối toàn dân đoàn kết; là minh chứng hùng hồn cho việc thực hiện tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
75 năm trôi qua, ý nghĩa to lớn của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự, bởi nó đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước Việt Nam, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946.
TIẾN SĨ VĂN THỊ THANH MAI/Báo Hà Nội mới
TIẾN SĨ VĂN THỊ THANH MAI