Kiểm soát tài sản, thu nhập: Biện pháp hữu hiệu phòng ngừa tham nhũng

03:12, 23/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là vấn đề được dư luận quan tâm, bởi đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng. Vấn đề đặt ra là việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức.
[links()]
Nhiều điểm mới
 
Quy định kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa thật sự phát huy hiệu quả trong việc phòng ngừa tham nhũng. Ngày 20.12 tới đây, Nghị định 130 của Chính phủ về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chính thức có hiệu lực. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN năm 2018. 
Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai, quán triệt Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai, quán triệt Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Luật PCTN và Nghị định 130 có nhiều điểm mới so với quy định trước đây về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn, trong đó có một số điểm đáng chú ý về đối tượng kê khai, phương thức và thời điểm kê khai; cơ quan kiểm soát TSTN; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, người kê khai. Theo đó, những người có nghĩa vụ kê khai TSTN được mở rộng, không chỉ gói gọn ở "một số cán bộ, công chức" như trước đây; đồng thời quy định cụ thể đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản hằng năm. Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp kê khai hằng năm phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về TSTN trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.
 
Nghị định 130 quy định cụ thể cơ quan kiểm soát TSTN của người có chức vụ, người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước; việc phê duyệt và thực hiện kế hoạch xác minh TSTN hằng năm đối với địa phương. Kế hoạch xác minh hằng năm phải đảm bảo số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình; số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải đảm bảo tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Theo quy định tại Nghị định 130, người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu TSTN, cản trở hoạt động kiểm soát TSTN, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm. Nghị định cũng quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức…
Xử lý nghiêm nếu kê khai không trung thực
 
Theo Nghị định 130, người có nghĩa vụ kê khai TSTN mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của TSTN tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật PCTN. Phó Chánh Thanh tra tỉnh Cao Đình Hòa nhận định: Những điểm mới nêu trên tác động đến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về PCTN, hạn chế hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu của một số cán bộ, công chức...
 
Người thuộc diện kê khai phải kê khai hằng năm nhằm kiểm soát việc biến động tài sản, phát hiện các hành vi sai phạm, tham nhũng. Bên cạnh đó, chế tài xử lý các hành vi tham nhũng nghiêm minh, chặt chẽ hơn, không chỉ dừng ở mức độ xử lý hành chính mà còn có thể xử lý hình sự, không chỉ xử lý trách nhiệm của người kê khai không trung thực mà còn xử lý cả trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
 
Theo ông Cao Đình Hòa, cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 130 của Chính phủ, nâng cao nhận thức về công tác kê khai và kiểm soát việc kê khai TSTN của người có chức vụ, quyền hạn; xác định việc kê khai TSTN là nhiệm vụ thường xuyên hằng năm, là một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu. Quan tâm xây dựng, kiện toàn cơ quan kiểm soát TSTN. Xử lý nghiêm minh đối với trường hợp vi phạm quy định về kê khai TSTN. Thúc đẩy các biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Mọi thu, chi liên quan đến ngân sách nhà nước trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đều phải công khai, minh bạch và thực hiện thanh toán bằng hình thức chuyển khoản...
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ  
 
 
 

.