Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa: Tận tụy suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân

08:12, 31/12/2020
.
* Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ĐẶNG NGỌC DŨNG
 
(Báo Quảng Ngãi)- Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, tên khai sinh là Nguyễn Công Say, sinh ngày 31.12.1910, tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Với những cống hiến và thành tích xuất sắc của mình, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng và truy tặng: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì; Huân chương Giải phóng hạng Nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
[links()]
Tận tụy phục vụ cách mạng
 
Năm 1927, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa làm liên lạc cho tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vùng cầu Ông Lãnh, Khánh Hội (Sài Gòn), sau đó về quê, làm liên lạc ở vùng Bình Sơn (Quảng Ngãi) và Tam Kỳ (Quảng Nam).

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa.
Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa (31.12.1910 - 31.12.2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Đoàn thăm, dâng hương tại gia đình đồng chí, số 56 đường số 1, khu phố 2, phường Bình An, quận 2 (TP.Hồ Chí Minh).

Năm 1930, đồng chí gia nhập tổ chức Thanh niên Cộng sản đoàn và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ xã; Huyện ủy viên, Bí thư Tổng ủy Bình Hà, huyện Bình Sơn. Tháng 12.1930, đồng chí chỉ huy cuộc biểu tình lớn trong huyện Bình Sơn, bị địch bắt giam ở nhà lao Quảng Ngãi, kết án 12 năm tù giam và bị địch đày đi nhà lao Lao Bảo (Quảng Trị). Đến tháng 6.1937, do sự nới lỏng của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp, đồng chí ra tù, tiếp tục hoạt động trong Mặt trận dân chủ chống phát xít tại Bình Sơn. Đầu năm 1938, đồng chí bị địch bắt lần 2, giam ở nhà lao Quảng Ngãi. Đến tháng 6.1939, đồng chí ra tù, tiếp tục hoạt động cách mạng ở địa phương.
 
Tháng 4.1940, đồng chí bị địch bắt lần thứ 3 và đưa lên Căng an trí ở Di Lăng, huyện Sơn Hà giam giữ đến cuối năm 1941. Từ năm 1942, đồng chí về địa phương tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Mặt trận Việt Minh và được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn, sau làm Ủy viên Thường trực Việt Minh huyện Bình Sơn.
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1946, đồng chí làm Trưởng Công an huyện Bình Sơn, Ủy viên Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Từ năm 1949, đồng chí làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện. Tháng 5.1950, đồng chí làm Trưởng ban Miền núi thuộc Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh. Tháng 1.1951, đồng chí được cử đi học bổ túc văn hóa do Khu ủy khu 5 mở. Từ năm 1952, đồng chí làm Ủy viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
 
Từ tháng 8.1954, đồng chí được phân công ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1955, đồng chí được bầu bổ sung làm Tỉnh ủy viên, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Tháng 2.1960, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Đến tháng 11.1960, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
 
Tháng 12.1961, Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng quyết định tiến xuống đồng bằng, dẫn tới cuộc đồng khởi ở đồng bằng Quảng Ngãi lần thứ nhất. Sau hội nghị, Ban Thường vụ Khu ủy điều động đồng chí Phạm Thanh Biền - Bí thư Tỉnh ủy về làm Phó Ban Kinh tài khu 5. Từ tháng 1.1962, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
 
Từ năm 1964, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa bị bệnh, được đưa ra miền Bắc điều trị. Đến năm 1971, đồng chí nghỉ hưu theo chế độ tại Hà Nội. Đồng chí từ trần vào ngày 22.7.1982 tại Quảng Ngãi.
 
Những dấu ấn không thể phai nhạt trong lòng nhân dân
 
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa đã có nhiều cống hiến, thành tích xuất sắc, nhất là trong giai đoạn từ năm 1962 đến đầu năm 1964. Khi Mỹ - Diệm đánh phá phong trào cách mạng trong tỉnh một cách điên cuồng, khốc liệt nhất, thì đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đã cùng Tỉnh ủy lãnh đạo cán bộ, nhân dân Quảng Ngãi kiên cường bám trụ, vượt qua gian khổ, hy sinh, quyết tâm thực hiện chủ trương của Khu ủy khu 5, với những kết quả nổi bật: Kiên định quyết tâm, quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang nổi dậy giành lại nông thôn đồng bằng, phá ấp chiến lược, bảo vệ vùng căn cứ; phong trào đấu tranh chính trị ở đồng bằng và đô thị diễn ra quyết liệt, tiêu biểu là phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo ở thị xã Quảng Ngãi từ tháng 5 đến tháng 11.1963, nhất là sau khi Diệm - Nhu đàn áp Phật giáo ở Huế và sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn.
 
Ngay sau khi Diệm - Nhu bị đảo chính, phong trào đấu tranh chính trị diễn ra khắp tỉnh. Tỉnh ủy chủ trương chớp thời cơ thuận lợi, dốc toàn bộ lực lượng xuống đồng bằng phát triển phong trào đồng khởi giành thắng lợi to lớn, mở rộng thêm nhiều vùng giải phóng từ Bình Sơn đến Đức Phổ. Đến cuối năm 1963, toàn tỉnh có hàng trăm nghìn lượt quần chúng tham gia đấu tranh chính trị, 348 lần phá ấp chiến lược; trong công tác binh vận đạt nhiều kết quả. Ta đã tuyên truyền, vận động, cảm hóa được 2.864 nhân viên ngụy quyền, hàng trăm người trở về tham gia cách mạng; trong giai đoạn ác liệt nhất của chiến tranh, nhưng đồng chí đã luôn chú trọng lãnh đạo các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, đảm phụ kháng chiến, đặc biệt là sản xuất.
 
Trong suốt 72 năm tuổi đời, 55 năm liên tục hoạt động cách mạng sôi nổi, 52 năm tuổi Đảng, dù trong lao tù đế quốc hay trên chiến trường ác liệt, trước những bước ngoặt của cách mạng hay trước những nhiệm vụ mới nặng nề, đầy khó khăn phức tạp, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa luôn vững vàng tư tưởng, là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết. Đồng chí luôn tin tưởng sâu sắc vào thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
 
Là người cộng sản tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, đức độ, tài năng cùng với những cống hiến của mình, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa đã để lại những dấu ấn không thể phai nhạt trong lòng đồng bào cả nước, đồng bào Quảng Ngãi. Tuổi thanh xuân đồng chí đã dấn thân theo Cụ Hồ làm cách mạng. Đồng chí xứng đáng là tấm gương Cộng sản tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. /.
 
 

.