(Báo Quảng Ngãi)- Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh triển khai rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thiết thực. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) Bùi Viết Trung cho biết: Thời điểm tháng 3 - 4.2020, cả nước căng mình chống dịch Covid-19. Khi đó, tất cả cán bộ từ xã đến thôn đều sẵn sàng tới từng hộ dân để tuyên truyền, vận động, phối hợp rà soát tình hình dịch tễ, nhanh chóng kiểm tra biến động về dân cư.
Nhờ làm tốt công tác dân vận, đã giúp người dân yên tâm, tin tưởng vào các giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đồng lòng chống dịch. Xã dẫn đầu huyện về việc người dân đóng góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Các ban, ngành của tỉnh và huyện Bình Sơn phối hợp tuyên truyền cho người dân ở xã Bình Trị (Bình Sơn) để thực hiện giải phóng mặt bằng. Ảnh: THANH THUẬN |
Chỉ trong một tháng đã vận động gần 70 triệu đồng, với gần 100 hộ dân tham gia ủng hộ, hơn 4.000 chiếc khẩu trang, 33 suất quà cho người nghèo trị giá 10 triệu đồng... Phong trào này sau đó đã lan tỏa khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cán bộ dân vận ở cơ sở chính là những người góp phần tạo nên “pháo đài chống dịch” vững vàng.
Chính quyền và các ngành, đoàn thể ở cơ sở tăng cường nắm tình hình, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn; kịp thời phát hiện, đấu tranh với những luồng thông tin sai lệch, ổn định tư tưởng trong nhân dân...
"Phong trào dân vận khéo được triển khai rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 4.812 mô hình dân vận khéo. Qua tổng kết, rà soát có 1.273 mô hình dân vận khéo đã phát huy hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực".
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy
NGUYỄN CAO PHÚC
|
Không rập khuôn, máy móc hay hành chính hóa, công tác dân vận đã được triển khai rất linh hoạt, phù hợp theo từng địa bàn dân cư, với những đặc thù riêng về dân tộc, vùng miền, điều kiện kinh tế, dân trí... Đó chính là cách làm hay, kinh nghiệm quý trong công tác dân vận.
Thôn Trường Khay, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) từng là “điểm nóng” về hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp nên công tác tôn giáo trong thôn dần đi vào nền nếp, các vấn đề liên quan đến tôn giáo đều được chính quyền các cấp và ngành chức năng giải quyết ổn thỏa.
Trưởng thôn Trường Khay Nguyễn Vàng cho hay: Nhiều năm trước, việc vận động các tín đồ đạo Tin lành tham gia các hoạt động phong trào rất khó khăn, mà nguyên nhân chính là do cán bộ làm công tác dân vận chưa tạo được mối quan hệ tốt với các chức sắc, tín đồ. Do đó, để tạo được sự đồng thuận trong tất cả các chủ trương đề ra, thì ban dân chính thôn chủ động gặp gỡ các mục sư, chức sắc, chức việc trao đổi những vấn đề cần hiện đúng theo quy định của pháp luật trên tinh thần đoàn kết xây dựng và phát triển...
Từ đó, các tín đồ tôn giáo thấy rõ quyền và nghĩa vụ công dân trong làm ăn, sinh sống tại cộng đồng dân cư. Sự tham gia đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất và cây cối, hoa màu của chức sắc, tín đồ đạo Tin lành trên địa bàn không chỉ làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng... mà quan trọng hơn là góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ), sau gần 4 năm được công nhận xã nông thôn mới (NTM), đời sống của người dân địa phương có nhiều đổi thay. Những tuyến đường chính đều được trồng cây xanh và hoa, không còn bụi rậm che khuất tầm nhìn. Hai bên đường nhà cửa khang trang, hàng quán buôn bán nhộn nhịp. Phong trào chung sức xây dựng xã NTM nâng cao thực sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phổ An Đặng Hoanh chia sẻ: Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, công tác dân vận khéo đã góp phần rất lớn vào những thành công trong xây dựng NTM tại Phổ An. Khi triển khai xây dựng NTM, xã xác định nhiệm vụ trọng tâm trước tiên là phải xây dựng được niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí của các tầng lớp nhân dân. Điều đáng nói ở đây là, địa phương thực hiện hai nhiệm vụ song song, vừa xây dựng NTM, vừa xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Từ chỗ phải đi tuyên truyền vận động, đến nay người dân đã tự giác chấp hành. Đối với việc cưới thì tổ chức ăn uống tiết kiệm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không gây lãng phí, mất an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư. Đối với việc tang thì không sử dụng đội nhạc, mà chỉ sử dụng nhạc tang bằng loa với công suất nhỏ, hạn chế việc rải vàng mã trên đường...
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Cao Phúc cho biết: Trong 5 năm qua, nhất là từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 22 về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận khéo. Phong trào dân vận khéo được triển khai rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 4.812 mô hình dân vận khéo. Qua tổng kết, rà soát có 1.273 mô hình dân vận khéo đã phát huy hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực.
Những kết quả đạt được từ phong trào dân vận khéo trong nhiệm kỳ qua là tiền đề quan trọng để thời gian tới cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Bởi sức mạnh của người dân, sự đồng thuận của dân là động lực to lớn trong việc hoàn thành các phong trào thi đua yêu nước, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
THANH THUẬN