(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 75 năm qua, địa điểm lịch sử này đã trở nên thân thuộc với mỗi người dân đất Việt.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nơi Bác yên giấc
Đã nhiều lần được viếng Lăng Bác trong những dịp đặc biệt, nhưng có lẽ cũng như hàng vạn người dân con Hồng cháu Lạc, mỗi lần đến Lăng Bác, tôi cảm thấy lòng mình bâng khuâng đến lạ, một cảm giác xốn sang như được tìm về với người cha thân yêu, với những gì thân thuộc của lòng mình, với hồn thiêng sông núi.
Người dân vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Trong dịp viếng Lăng Bác mới đây, tôi chứng kiến những đoàn người xếp hàng dài đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, ai cũng một hướng nhìn, một mong đợi, một khắc khoải, một nỗi nhớ khôn nguôi. Trong đoàn người dài bất tận ấy, có nhiều thanh niên mặc đồng phục áo đỏ sao vàng đứng nghiêm trang, đặt tay lên ngực trái, họ đến từ Vĩnh Long và cho biết đây là lần đầu tiên ra thăm Lăng Bác, nhưng cảm giác rất đỗi thân thuộc. Thật khó diễn tả hết cảm xúc khi đứng bên và ngắm nhìn Người đang an lành trong giấc ngủ. Khuôn mặt Người vẫn rạng ngời niềm vui như ngày toàn thắng, niềm vui của một tấm lòng yêu cháu con và đất nước da diết.
Ngày ngày, đoàn người nối nhau viếng Lăng Bác, mỗi người đều cảm nhận được tình yêu bao la Bác đã dành cho dân tộc Việt Nam.
Ngày ngày, dòng người ngược xuôi qua lại trên con đường dài chạy vòng quanh Lăng Bác, con đường nối liền với hàng tre xanh như vòng tay của đất nước ôm ấp Người vào lòng. Đứng xa xa nhìn khung cảnh yên bình ấy, ai cũng thấy lòng mình ấm áp, bởi hiểu rằng làng quê và lòng người dân đất Việt luôn bên Bác, mặc cho bao đổi thay của thời cuộc.
Nơi hồn thiêng của thủ đô
Trước Lăng Bác, giữa Quảng trường Ba Đình là nơi lưu lại nhiều dấu tích trọng đại nhất trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước ta. Chính tại nơi đây - ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước lên lễ đài với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời. Trước toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày 2.9 vì đó là ngày chủ nhật, có thể huy động được quần chúng. Không gian của Quảng trường Ba Đình lúc đó trở thành một lễ đài rất trang nghiêm và hội tụ lòng dân vào trong nền độc lập của đất nước.
Lặng yên ngắm nhìn Lăng Bác, tôi không thôi mường tượng về ngày Người thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn, khẳng định chủ quyền của đất nước Việt Nam. Những thanh âm rộn rã, xúc động năm nào như lại được tấu lên thật hào hùng giữa âm hưởng cuộc đời mới. Chính nơi này, 75 năm trước - giữa Ba Đình lộng gió là hình ảnh Người uy nghiêm đọc Tuyên ngôn Độc lập; 75 năm sau - Ba Đình trở thành mảnh đất thiêng cùng những dấu ấn lịch sử không bao giờ phai mờ, cùng nhiều công trình kiến trúc như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Vào các ngày lễ lớn của đất nước luôn có những cuộc diễu hành ở quảng trường lịch sử này, bởi nơi đây là nơi hội tụ của lòng dân, là nơi tìm về cội nguồn của dân tộc.
Bài, ảnh: THANH THUẬN