Ngày 26-9, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo “Những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng”.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng hoạch định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả tầm nhìn dài hạn và mục tiêu trung hạn, ngắn hạn, nhất là trong bối cảnh thế giới đầy tính bất trắc, khó lường, diễn diến phức tạp, không loại trừ xuất hiện những khả năng đột biến, đòi hỏi phải được nhận thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra bằng tư duy và phương pháp mới. Quan điểm kế thừa và đổi mới thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong toàn bộ các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó có nhiều nội dung thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, những điểm nhấn cần được phân tích thấu đáo, làm rõ hơn.
Các tham luận khẳng định, dự thảo các văn kiện có một số điểm nhấn trong xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển với các dấu mốc quan trọng. Cụ thể, đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Bàn về xây dựng thể chế thu hút, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu, việc sử dụng cơ chế thị trường như thế nào và vai trò của Nhà nước như thế nào cho hợp lý để thu hút, phân bổ và sử dụng nguồn lực là vấn đề cần làm rõ quan điểm để có thể hoàn thiện thể chế, thu hút, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, cần thống nhất thu hút, phân bổ và sử dụng nguồn lực để phát triển phải dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường là chủ yếu, lấy vai trò của Nhà nước là cần thiết và quan trọng. Đó là điều kiện cần và đủ, đó là hai mặt cân đối của một thể chế huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, không chỉ hiệu quả mà còn là sự công bằng và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại hội XIII của Đảng diễn ra khi toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020), trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó dự báo, ảnh hưởng nhiều mặt đến nước ta. Bên cạnh đó, đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới, quan trọng, phức tạp đang đặt ra, đòi hỏi Đại hội XIII phải có những quyết định đúng đắn, kịp thời, mạnh mẽ để giải quyết, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ 5 năm và chiến lược 10 năm. Đồng thời, Đại hội XIII cần có tầm nhìn xa hơn, đến giữa thế kỷ XXI, năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
PGS.TS Nguyễn Văn Thạo cho rằng, việc xác định mục tiêu này là quan trọng, phải có tầm nhìn, căn cứ lý luận, căn cứ thực tiễn, nhìn trong nước nhưng cũng nhìn thế giới và có trình độ, trí tuệ cao. Việc xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025-2030 và tầm nhìn 2045 phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải làm sao thể hiện tâm huyết, trí tuệ và niềm tin, là “ý Đảng, lòng Dân" hòa quyện cùng với mong mỏi, khát vọng, ý chí vươn lên, một tương lai rực rỡ của đất nước, dân tộc ta.
Trao đổi về nội dung hội nhập quốc tế, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cho biết, đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, là một bước chuyển tư duy mang tính “đột phá chiến lược”. Đặc biệt, Đại hội XII đánh dấu bước phát triển nhận thức và lý luận về hội nhập quốc tế khi Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”; lần đầu tiên khẳng định “Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và hệ thống chính trị”. Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIII đề xuất nâng tầm hội nhập quốc tế lên mức cao hơn, với việc bổ sung nội dung “toàn diện, sâu rộng”.
Theo đồng chí Hoàng Bình Quân, thế giới đã và đang chuyển động rất nhanh, khó lường đoán. Đại dịch Covid-19 dự báo sẽ mang lại một thế giới nhiều thay đổi. Nhiều yếu tố khách quan và chủ quan vốn là cơ sở thực tiễn và là điều kiện để triển khai hội nhập đang có những vận hội mới, chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức hơn chúng ta tưởng, đòi hỏi phải xem xét sâu sắc, thận trọng chủ trương này.
Các tham luận tập trung vào nhóm vấn đề là các nội dung lớn, phức tạp, điểm nhấn của dự thảo các văn kiện như: Đánh giá tổng thể sự phát triển của đất nước sau 35 năm đổi mới trên các lĩnh vực, với các thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm quý báu; những vấn đề trọng tâm về phát triển kinh tế, việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, bền vững; về vai trò đột phá của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới; môi trường và bảo vệ môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng...
Các ý kiến tại hội thảo sẽ được chuyển tải, đề xuất, kiến nghị với Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tổ Biên tập Văn kiện, với Trung ương để có thêm hướng lựa chọn các phương án tối ưu khi trình bày những những vấn đề mới, khó, phức tạp trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trước khi công bố để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.
Theo Quỳnh Hoa (TTXVN)