(Báo Quảng Ngãi)- Trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sơn Tây đã đoàn kết vượt qua khó khăn, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra.
Phát huy thế mạnh của huyện miền núi
Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nên kinh tế - xã hội của huyện phát triển theo hướng tích cực. Tổng giá trị sản xuất của Sơn Tây đến năm 2020 đạt gần 818 tỷ đồng, tăng 7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp- thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Hiện nay, nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 20%; công nghiệp - xây dựng chiếm 61% và thương mại - dịch vụ chiếm gần 19%.
Trung tâm huyện lỵ Sơn Tây ngày càng khang trang. Ảnh: TL |
Khai thác thế mạnh về đất đồi núi, Sơn Tây đã vận động người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhờ đó, tổng diện tích đất có rừng năm 2020 là 30.433ha, tăng 3.245ha so với năm 2015, nâng độ che phủ rừng lên gần 60%. Từ trồng rừng, hàng nghìn người dân có thu nhập ổn định. Nhiều hộ thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng chuyển biến mạnh mẽ. Đến nay, tổng đàn gia súc của Sơn Tây đạt trên 21.500 con.
Chương trình xây dựng nông thôn mới của Sơn Tây cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện bình quân mỗi xã đạt 12 tiêu chí nông thôn mới.
Nét nổi bật trong nhiệm kỳ qua là, nhiều doanh nghiệp đã đến Sơn Tây đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện. Hiện trên địa bàn huyện có 10 nhà máy thủy điện được đầu tư, trong đó có 5 nhà máy, với tổng công suất 205KWh đã đi vào hoạt động, góp phần tạo nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.
Phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo
Để tạo động lực cho phát triển, Sơn Tây đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư xây dựng các công trình lên tới trên 723 tỷ đồng, nên hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện từng bước hoàn thiện. Đến nay, 9/9 xã có đường ô tô đi lại thông suốt và được nhựa hoá, cứng hóa đến trung tâm xã. Đường huyện được nhựa hoá, cứng hoá 62%.
Đường xã và đường thôn, đường vào các khu dân cư, khu sản xuất nhựa hoá, cứng hoá 54%. Huyện đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 15 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng tại trung tâm huyện đã góp phần đưa đô thị Sơn Tây đạt 64/100 điểm của tiêu chí đô thị loại V.
Cơ sở trường lớp học ở huyện Sơn Tây được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện. Trong ảnh: Trường THCS Đinh Thanh Kháng. Ảnh: T.L |
Công tác giảm nghèo 5 năm qua cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 giảm còn 32%, bình quân giảm trên 5% hộ nghèo/năm. Điều đáng ghi nhận ở Sơn Tây là, huyện đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông, khuyến lâm hiệu quả. Đặc biệt, người dân đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Qua đó, mở hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Bên cạnh thành tựu kinh tế, cơ sở vật chất cho giáo dục được đầu tư đáp ứng yêu cầu. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở được duy trì giữ chuẩn. Đến nay, Sơn Tây đã có 6 trường đạt chuẩn quốc gia.
Công tác chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có những chuyển biến tích cực. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Ca Dong tiếp tục được giữ gìn, phát huy. Huyện đang khảo sát, thu thập số liệu để phục vụ công tác bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Ca Dong...
Nói về định hướng phát triển trong nhiệm kỳ mới, quyền Chủ tịch UBND huyện Đinh Quang Ven cho biết: Trong giai đoạn 2020 - 2025, Sơn Tây tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đề cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp. Huyện xác định chủng loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để ưu tiên hỗ trợ đầu tư, phát triển thành sản phẩm chủ lực; bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Giai đoạn đến, Sơn Tây tiếp tục tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện hạ tầng Trung tâm hành chính huyện, để đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn đô thị loại V và đủ điều kiện để thành lập thị trấn và phấn đấu đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo...
SÔNG THƯƠNG