(Báo Quảng Ngãi)- Trong 90 năm qua, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, công tác tuyên giáo đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ cách mạng, là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1.8) là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo, từ đó thêm tự hào về những đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tự hào qua những chặng đường
Vào ngày 1.8.1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam phát hành ấn phẩm “Ngày Quốc tế đỏ 01/8” nhân dịp Kỷ niệm Ngày Quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình. Tài liệu này đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.
Từ đó, ngày 1.8 trở thành một mốc son lịch sử, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa đối với công tác tuyên giáo của Đảng. Đánh giá cao sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị khóa VIII quyết định lấy ngày 1.8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng (nay là Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng).
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng thăm hỏi nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Biền. Ảnh: P.HƯƠNG LÝ |
Trong 90 năm qua, ngành Tuyên giáo đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong kháng chiến, công tác tuyên giáo đã góp phần xây dựng, phát triển phong trào cách mạng, khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng; huy động sức mạnh tổng hợp, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược, đem lại nền hòa bình, độc lập cho dân tộc.
Vào thời điểm đất nước vừa trải qua 30 năm chiến tranh, phải đối mặt với muôn vàn gian khó, công tác tuyên giáo đã tập trung động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng đất nước. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, công tác tuyên giáo với nhiệm vụ, chức năng là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, tham mưu giúp các cấp ủy đảng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, lý luận chính trị, lịch sử Đảng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, thông tin đối ngoại, khoa giáo. Công tác tuyên giáo đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện sự nghiệp đổi mới và đã đạt được những thắng lợi bước đầu.
Trải qua 90 năm, công tác tuyên giáo của Đảng ngày càng khẳng định sự trưởng thành, phát triển và lớn mạnh không ngừng. Hệ thống tuyên giáo các cấp trong cả nước ngày càng được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ tuyên giáo không ngừng phát triển về số lượng, lớn mạnh về chất lượng. Ngành Tuyên giáo ngày càng thể hiện tính chủ động, tính chiến đấu, vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp đổi mới xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế.
Qua mỗi giai đoạn cách mạng, ngành Tuyên giáo không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, nhạy bén, đổi mới công tác tham mưu, không ngừng sáng tạo, tự làm mới mình, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, lao động, sáng tạo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
"Ngành Tuyên giáo Quảng Ngãi đã có những đóng góp quan trọng, to lớn trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi giai đoạn, thời kỳ cách mạng của tỉnh. Suốt chặng đường 90 năm qua, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của tỉnh luôn giữ vững bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng bộ và nhân dân giao phó".
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh BÙI THỊ QUỲNH VÂN |
Tô thắm truyền thống quê hương
Đồng hành với ngành Tuyên giáo cả nước, 90 năm qua, ngành Tuyên giáo Quảng Ngãi đã có nhiều đóng góp to lớn, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Quảng Ngãi và ngành Tuyên giáo cả nước. Tháng 3.1930, Tỉnh ủy Quảng Ngãi được thành lập, nhưng do điều kiện lúc bấy giờ nên chưa thể thành lập cơ quan tuyên huấn chuyên trách.
Xác định toàn đảng bộ làm công tác tư tưởng nên tất cả đảng viên vào cuộc, tổ chức các đợt tuyên truyền chính trị sâu rộng trong quần chúng nhân dân, tạo nên cao trào hưởng ứng và chia lửa với Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931); nhiều cuộc xuống đường biểu tình, tuần hành, thị uy của quần chúng ở Đức Phổ, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Ba Tơ... với hàng nghìn người tham gia.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Văn Hào xem trưng bày các bài thi tham gia Cuộc thi viết "Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 1930 - 2020". Ảnh: TL |
Giai đoạn 1936 - 1939, công tác tuyên giáo tập trung cổ vũ, tập hợp và hướng dẫn quần chúng ở các địa phương đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến phản động, với nhiều khẩu hiệu mạnh mẽ như “Chống phát xít, chống phản động thuộc địa”, “Bãi bỏ các sắc thuế”, “Tự do đi lại, tự do báo chí”... Đặc biệt, trong cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền (1939 - 1945), các đội tuyên truyền của Tỉnh ủy và các chiến sĩ cộng sản đã tích cực tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức Việt Minh, tiến hành Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi (11.3.1945) và tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giữa năm 1948, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Ngãi được thành lập và sau đó, hệ thống tuyên giáo cấp huyện ra đời đã tập trung phục vụ đắc lực nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Đội ngũ cán bộ tuyên huấn Quảng Ngãi đã đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng lực lượng cách mạng rộng khắp, vững chắc; phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước; cổ vũ sản xuất, phát triển kinh tế tự túc; vừa kháng chiến vừa xây dựng nền văn hóa cách mạng; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, góp phần bảo vệ vững chắc vùng tự do tỉnh Quảng Ngãi và Liên khu 5.
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Tuyên huấn Quảng Ngãi luôn trung thành, chủ động, mưu lược, sáng tạo trong tuyên truyền, định hướng tư tưởng, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi gian khổ, đấu tranh đánh bại mọi âm mưu, chiến lược của đế quốc Mỹ và tay sai phản cách mạng, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Sau thắng lợi năm 1975, công tác tuyên giáo đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định sản xuất, đời sống, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Tuyên giáo đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ hết sức nặng nề là làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tỉnh nhà nâng cao nhận thức, đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986)...
Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, ngành Tuyên giáo đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành Tuyên giáo đã chủ động làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh về kinh tế, xã hội; chủ động định hướng cho các cơ quan báo chí; tích cực nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn tỉnh; kịp thời tham mưu học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị; theo dõi, định hướng chặt chẽ hoạt động khoa giáo, văn hóa, văn nghệ, xuất bản; nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng...
PHƯƠNG LÝ