* Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Võ Văn Hào
(Báo Quảng Ngãi)- Từ một thanh niên hăng hái tham gia cách mạng, luôn nỗ lực học tập, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, đồng chí Nguyễn Hồng Châu (1920 - 2007) đã trở thành một cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm dày dạn trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền. Trong bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí vẫn luôn là tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Hồng Châu. Ảnh: T.L |
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II, tổ chức tại Trường Nông khí An Nhơn, xã Tịnh An (Sơn Tịnh) vào tháng 6.1946, đồng chí Nguyễn Hồng Châu được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, những công việc chủ yếu, cấp bách được xác định trong nghị quyết đại hội đã được tích cực triển khai, trước hết là ổn định tình hình chính trị trong tỉnh, kiện toàn và phát triển khối đoàn kết toàn dân, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, chống giặc đói, giặc dốt, cải thiện đời sống nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, tích cực chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, chi viện cho các chiến trường đang bị thực dân Pháp tạm chiếm. Tỉnh ủy còn chỉ đạo chính quyền kêu gọi đồng bào toàn tỉnh nỗ lực tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, với khẩu hiệu không một tấc đất bỏ hoang, không một mảnh vườn bỏ phí, tấc đất tấc vàng. Hội đồng canh được thành lập, nhằm giúp nông dân cải thiện cuộc sống và sản xuất. Nông dân cùng nhau đóng góp công cụ sản xuất và sức lao động để canh tác.
Đảng bộ chỉ đạo chính quyền, công an và các ngành có liên quan kiên quyết đấu tranh diệt trừ bọn phản động tập hợp lực lượng chống phá chính quyền cách mạng non trẻ, trong đó có tổ chức Thế giới cách mạng đảng do Trần Kỳ Truyện cầm đầu; tổ chức bầu ra Ban lãnh đạo Việt Minh tỉnh Quảng Ngãi, do đồng chí Nguyễn Thành Nghi làm Chủ nhiệm; tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập vào ngày 6.1.1946 và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, hợp nhất một số làng nhỏ thành xã lớn, bỏ cấp tổng.
Về giáo dục, đến cuối năm 1946, toàn tỉnh có 191.800 người theo học các lớp bình dân học vụ và bổ túc văn hóa. Tháng 10 năm 1946, Trường Trung học Lê Khiết được thành lập. Từ mái trường này, nhiều học sinh của trường trưởng thành, trở thành nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhà khoa học, cán bộ chính trị, quân sự, nhà văn, nhạc sĩ nổi tiếng.
Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ và Xứ ủy, dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Tỉnh ủy Quảng Ngãi chú trọng công tác xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang địa phương ngày càng lớn mạnh, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng. Mỗi huyện có một đơn vị vũ trang tập trung làm nhiệm vụ thường trực và từ một đến hai đại đội du kích tập trung luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị của Đội du kích Ba Tơ được điều động chiến đấu ở mặt trận phía Nam, biên giới Việt Nam - Campuchia, đường 14, đường 19, Trung Lào... Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc... Nhìn chung, trong thời gian này, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Châu, tuy số lượng đảng viên còn rất ít, nhưng Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân vượt qua nhiều thử thách nặng nề, phức tạp, từng bước ổn định đời sống. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, xây dựng nếp sống mới được phát triển. Chính quyền nhân dân các cấp được củng cố, phát huy vai trò quản lý, điều hành các lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội; động viên nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất phục vụ đời sống và đóng góp, giúp đỡ vùng bị nạn đói hoành hành.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hồng Châu (14.7.1920 - 14.7.2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tổ chức đoàn thăm, dâng hương tại gia đình đồng chí (số 4 Ngô Thời Nhiệm, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
|
Những âm mưu, hành động chống phá chính quyền cách mạng trên địa bàn của các lực lượng phản động bị phát hiện và kịp thời dập tắt. Nhiều cán bộ, đảng viên, thanh niên tự nguyện lên đường, gia nhập lực lượng vũ trang, tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng ở một số tỉnh bạn và trực tiếp chiến đấu chống quân xâm lược Pháp trên nhiều mặt trận. Với chủ trương đúng đắn, Tỉnh ủy đã lãnh đạo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh trấn áp được các thế lực phản động; tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng quê hương, góp phần cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đến tháng 5.1947, đồng chí Nguyễn Hồng Châu được cử đi học, đồng chí Trương Quang Tuân được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Đến năm 1949, đồng chí được bầu giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách công tác dân vận. Từ tháng 1.1951, đồng chí được điều động giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Từ năm 1954, đồng chí được phân công ở lại miền Nam hoạt động và được biệt phái vào tỉnh Phú Yên từ năm 1956 đến năm 1970. Đồng chí đã được bầu giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên (1956 - 1960), Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (1960 - 1970); Ủy viên Ban Thường vụ Liên khu ủy 5, phụ trách công tác dân vận. Từ năm 1975, đồng chí giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương. Đến năm 1993, đồng chí nghỉ hưu theo chế độ và sinh sống tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Đồng chí từ trần năm 2007.
Ghi nhận những công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Hồng Châu đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương khác.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Hồng Châu diễn ra liên tục từ năm 1939 đến năm 2007. Với 87 năm tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí đã gắn liền với lịch sử oanh liệt của Đảng, của dân tộc, của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi và các tỉnh liên khu 5 trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nét nổi bật ở đồng chí Nguyễn Hồng Châu là từ một thanh niên hăng hái tham gia cách mạng, luôn nỗ lực học tập, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, đã trở thành một cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm dày dạn trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền. Trong bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí vẫn luôn là tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.