(Baoquangngai.vn)- Ông Từ Tân Vũ đã đặt tên cho cuốn hồi ức của mình là “Một thời để nhớ suốt đời”. Đó là chặng đường gian nan, thử thách nhưng rất đỗi tự hào, bởi vậy ông vẫn luôn trân trọng, gìn giữ trong ký ức. ÔngTừ Tân Vũ luôn khiến người khác quý trọng bởi tấm lòng son sắt với Đảng, mãi đau đáu nỗi niềm vì sự phát triển của quê hương và là một con người sống giản dị, chân thành.
Ký ức không bao giờ quên
Ở tuổi gần 90, mỗi lần kể chuyện thời kháng chiến, chuyện về quê hương Quảng Ngãi… ông Từ Tân Vũ vẫn rất say sưa. Đúng là “một thời để nhớ suốt đời”, ông nhớ mồn một từng chi tiết, sự kiện, con người, mốc thời gian trong lịch sử… như thể mọi thứ đều ngấm vào máu thịt. Ông lưu giữ nhiều hình ảnh về đồng chí, đồng đội, những hình ảnh gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại của quê hương, đất nước… như là kỷ vật quý giá của cuộc đời.
Ông Từ Tân Vũ trò chuyện cùng Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trong một lần gặp gỡ tại Tỉnh ủy Quảng Ngãi. |
Là người làm báo, chúng tôi vẫn thường gặp để nghe ông kể chuyện lịch sử, lấy đó làm tư liệu, hình ảnh quý cho những bài viết. Chúng tôi luôn nghĩ rằng, đó không đơn giản chỉ là kỷ vật ông để cho riêng mình, mà là món quà ông dành tặng cho thế hệ cán bộ, đảng viên trẻ.
Ông Từ Tân Vũ mở đầu câu chuyện ký ức cuộc đời mình với những năm tháng đất nước còn trong chiến tranh. Với ông, ngày lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông đã mở ra niềm tin và hy vọng, tạo ra sức mạnh, nghị lực và sáng tạo để vượt qua thử thách.
Nhìn lại chặng đường 87 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, ông bảo rằng: “Cuộc đời tôi đã nếm trải nhiều ngọt bùi, cay đắng, gian nan, thử thách; nhưng tôi vẫn luôn luôn kiên định lòng trung hiếu, thủy chung son sắt với lý tưởng cách mạng, với quê hương, đất nước, với gia đình và người thân... Nghĩa nhân, trung hiếu, thủy chung đó tôi vẫn luôn tâm niệm và phấn đấu suốt đời”.
Điểm lại cuộc đời mình, ông bảo rằng niềm vui lớn là được Đảng, Bác Hồ, đồng chí và đồng bào miền Bắc nuôi dưỡng, giáo dục trưởng thành; được kết nạp vào Đảng; được thỏa nguyện ước trở về miền Nam quê hương công tác, chiến đấu; được đón mừng chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, nhất là mừng đại thắng mùa Xuân 1975 ngay ở chiến trường; mừng được may mắn còn sống gặp lại đồng chí, người thân, bà con quê nhà sau những năm dài chiến tranh ác liệt kết thúc thắng lợi vẻ vang…
Còn về nỗi đau buồn, cay đắng, ông cho biết ngoài nỗi đau chung khi chứng kiến những mất mát, hy sinh của biết bao đồng chí, đồng bào, bạn bè thân thiết đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, có những nỗi đau riêng mà ông chẳng thể nguôi ngoai, đó là sự ra đi của mẹ, người phụ nữ tảo tần nuôi dạy các con khi chồng mất sớm, bà tham gia hoạt động cách mạng và hy sinh.
Vì điều kiện chiến tranh nên mãi về sau, khi đưa hài cốt bà về nghĩa trang, ông mới về quê nhà chịu tang mẹ. Người con trai của ông khi mới chào đời cũng đã mất trên căn cứ kháng chiến bởi giặc Mỹ thả bom đánh phá. Bởi chiến tranh mà vợ chồng, người thân trong gia đình ông phải ly tán suốt mấy chục năm ròng.
Ông Từ Tân Vũ từng kinh qua các chức vụ: Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa VIII. Được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hàng Nhì, Huân chương Khánh chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhì, Ba và nhiều huy chương cao quý khác. |
Nặng lòng với quê hương
Trong câu chuyện cuộc đời mình, ông Vũ kể nhiều về những năm tháng kháng chiến, bởi ông cứ đau đau niềm thương nỗi nhớ những đồng đội đã hy sinh. Sau 10 năm sinh sống và công tác ở miền Bắc, ông vui mừng khôn tả khi cùng đồng đội vượt Trường Sơn trở về miền Nam chiến đấu dẫu biết rằng có thể hy sinh bất cứ lúc nào.
Cuộc hành trình “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn khắc sâu trong tâm khảm, trong số 18 anh em về Quảng Ngãi năm đó, có 6 đồng chí hy sinh trong kháng chiến…
Nói đến ông Từ Tân Vũ, nhiều người vẫn thường nhắc đến một ngôi trường-một pháo đài chống Mỹ. Ông đã đóng góp nhiều công sức đào tạo cán bộ, xây dựng đội ngũ giáo viên, xây dựng trường học ở Quảng Ngãi thời kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1965, ông được điều từ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy về phụ trách Tuyên giáo kiêm Trưởng Phòng giáo dục huyện Bình Sơn để thực hiện chủ trương mở thí điểm trường cấp II. Trường cấp II Bình Sơn khai giảng năm học đầu tiên vào tháng 11/1965, ông Vũ là hiệu trưởng danh dự của trường. Mặc cho giặc Mỹ ra sức chống phá, trường học phải di chuyển nhiều nơi, thầy và trò vẫn ra sức dạy và học.
Ông Vũ kể lại: Giữa năm 1967, ông cùng một số đồng chí ở huyện về trường dự lễ phát động tòng quân, lời phát vừa dứt, đồng loạt cánh tay của thầy và trò giơ cao tình nguyện lên đường nhập ngũ, đồng thanh hô: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”… Lúc đó, ông cùng với nhiều đồng chí cảm động đến rơi nước mắt. Về sau, khi đã nghỉ hưu, làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn luôn nỗ lực để đem đến những phần quà, học bổng để động viên tinh thần hiếu học của học sinh các cấp trong toàn tỉnh, nhất là học sinh nghèo.
Trong hồi ức, ông dành một phần để nói về sự kiện, nghiên cứu và suy ngẫm. Những chuyện ông nhắc đến đều là một phần của lịch sử, gắn với quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ngãi, là tình cảm trân quý dành cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, những đồng chí là lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã hết lòng chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, là những quyết sách hợp lòng dân của Trung ương và của tỉnh…
Điều đọng lại sau tất cả vẫn là tấm lòng ông dành trọn cho quê hương! Giờ đây, ông đã về với đất mẹ, các thế hệ cán bộ, đảng viên trong tỉnh vẫn luôn nhớ về ông, một người đảng viên trung kiên, mẫu mực.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ