Nhiều "cái lợi" khi bí thư cấp ủy không phải người địa phương

06:05, 04/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, huyện Tư Nghĩa đã luân chuyển, điều động bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương tại nhiều xã, thị trấn. Công tác này góp phần khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, bè phái, cục bộ, tạo điều kiện để nhiều cán bộ cống hiến, trưởng thành...
Đôi mới phong cách làm việc
 
Trên cơ sở những tồn tại ở xã Nghĩa Trung, năm 2017, huyện Tư Nghĩa điều động Chánh Văn phòng Huyện ủy Nguyễn Thị Tuyết Hà về làm Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Trung. Nhận nhiệm vụ, bà Hà không khỏi lo lắng vì xã Nghĩa Trung tuy gần trung tâm huyện, nhưng đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; hạ tầng có đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân chậm giải quyết, nội bộ thiếu sự đoàn kết... 
 
Hạ tầng giao thông ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) được chú trọng đầu tư, giúp việc đi lại của người dân được thuận lợi. Ảnh: Mai Hạ
Hạ tầng giao thông ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) được chú trọng đầu tư, giúp việc đi lại của người dân được thuận lợi. Ảnh: Mai Hạ
 
Sau thời gian ngắn nắm tình hình, bà Hà cùng với tập thể Ðảng ủy, chính quyền, các đoàn thể chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, thái độ làm việc của cán bộ, công chức; hướng về cơ sở, tập trung giải quyết ngay những vấn đề bức xúc của người dân. Đặc biệt, cấp ủy đảng, chính quyền xã tập trung định hướng cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
 
Từ năm 2017 đến nay, xã Nghĩa Trung kiến nghị huyện bố trí kinh phí đầu tư, cùng với sự đóng góp của nhân dân đã kiên cố nhiều cầu cống, đường giao thông, giúp cho việc đi lại của người dân thuận lợi. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn mới (NTM) của xã không ngừng đổi thay...
 
Xây dựng nội bộ đoàn kết 
 
Năm 2017, Huyện ủy Tư Nghĩa nhận thấy nội bộ xã Nghĩa Lâm và xã Nghĩa Thuận mất đoàn kết, nên tiến hành luân chuyển, điều động Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thuận sang làm Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lâm và ngược lại. 
Diện mạo nông thôn mới ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) ngày một khang trang.
Diện mạo nông thôn mới ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) ngày một khang trang.
Làm Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lâm, ông Tôn Long Cần không khỏi trăn trở. Bởi Nghĩa Lâm là xã điểm của huyện và tỉnh về xây dựng NTM và chọn xây dựng thôn 3 thành khu dân cư NTM kiểu mẫu, nên nếu không có giải pháp phù hợp sẽ khó giữ vững các tiêu chí NTM và hoàn thành việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Để thực hiện các nhiệm vụ trên, ông Cần cùng Thường trực đảng ủy, UBND xã tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân từng thôn để tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn. 
 
Là cán bộ lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm, nhất là không phải người địa phương nên trong lãnh đạo, chỉ đạo, ông Cần không có điều gì phải lấn cấn nên đã cùng với đảng ủy, UBND xã tích cực giải quyết nhiều vụ việc bức xúc trong nhân dân. Đồng thời, ông cùng với tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ; phân công, bố trí các đồng chí là ủy viên Ban Thường vụ phụ trách từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể, phù hợp với năng lực, sở trường để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, nội bộ xã Nghĩa Lâm đã phát huy được sự đoàn kết, thống nhất; phong cách, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ ngày càng tốt hơn...
 
Giúp cán bộ trưởng thành
 
Theo Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa Nguyễn Đức Hiệp, từ năm 2017 đến nay, huyện đã bố trí bí thư đảng ủy của 9 xã, thị trấn không phải người địa phương (hiện còn 7/14 xã, thị trấn có bí thư đảng ủy không phải là người địa phương). Việc này giúp cho cán bộ được tăng cường về cơ sở có điều kiện cọ sát với thực tế để trưởng thành. Tất cả các đồng chí này đều phát huy tinh thần trách nhiệm, tạo được những chuyển biến tích cực ở cơ sở, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết bức xúc trong nhân dân. Một số xã còn khắc phục được tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ kéo dài...

 

Bài, ảnh: BÁ SƠN
 
 
 

.