Ngàn hoa dâng Bác- Kỳ 1: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng"

09:05, 15/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Học tập và làm theo Bác từ những việc làm đơn giản nhất, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, xã hội. Đó là điều mà nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân ở Quảng Ngãi luôn tâm đắc, thực hiện với tất cả tâm huyết và trách nhiệm. Việc học và làm theo Bác ngày càng lan tỏa sâu rộng, với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quê hương. 
 
Kỳ 1: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng"
 
Xuất thân từ nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, nhưng ở họ có chung một suy nghĩ: Học tập và làm theo Bác không chỉ để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, mà còn góp phần lan tỏa những việc làm tốt. 
 
Hạnh phúc là cho đi
 
Anh Lê Minh Tâm, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) từng trải qua thời gian khốn khó khi phải lăn lội mưu sinh nơi đất khách và đã nhận được sự giúp đỡ từ những người không quen biết. Sau khi có tiền mở tiệm hớt tóc tại quê nhà, anh Tâm đã giúp cho hàng trăm mảnh đời kém may mắn bằng chính công việc của mình như một cách để tri ân cuộc đời.
 
Ngoài ra, anh Tâm cùng với những người bạn thành lập nhóm thiện nguyện Từ Tâm. Ba năm qua, nhóm thiện nguyện này đã kết nối với nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tổ chức thăm, tặng quà cho người nghèo, hỗ trợ “Bữa cơm có thịt” cho học sinh các trường bán trú; khoan giếng cho các hộ dân... với tổng kinh phí huy động hàng tỷ đồng. Việc làm của anh Tâm đã tạo sự lan tỏa về lòng nhân ái và để lại ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng. Anh Tâm chia sẻ: "Mình đã từng được người khác giúp đỡ, nên hơn ai hết mình hiểu được ý nghĩa của sự cho đi. Giúp được người già, người tàn tật khó khăn trong việc đi lại và tặng phần quà nho nhỏ của mình cho trẻ em nghèo là mình cảm thấy vui và hạnh phúc lắm".  
Dù chỉ buôn bán nhỏ ở chợ, nhưng cụ bà Đào Thị Huê, ở xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) đã đóng góp 3 triệu đồng và đôi bông tai vàng để góp phần phòng, chống dịch Covid-19.
Dù chỉ buôn bán nhỏ ở chợ, nhưng cụ bà Đào Thị Huê, ở xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) đã đóng góp 3 triệu đồng và đôi bông tai vàng để góp phần phòng, chống dịch Covid-19.
Với cụ bà Đào Thị Huê (83 tuổi) - tiểu thương ở chợ Bình Tân Phú (Bình Sơn) thì dẫu cho đi tài sản quý giá, nhưng với bà, tình người và sự sẻ chia giữa lúc quê hương, đất nước gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn quý giá hơn nhiều. Dù cuộc sống còn khó khăn, nhất là từ khi xảy ra dịch bệnh, chợ thưa vắng người, việc buôn bán ế ẩm, mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng tiền lời, nhưng cụ Huê đóng góp mà chẳng hề suy tính thiệt hơn. "Trong khi Đảng, Nhà nước đang nỗ lực để giữ cho dân được yên lành, tôi cũng chung tay đóng góp chút ít. Tôi nghĩ bây giờ tôi có mất đi, tiền này cũng không mang theo được, nên ủng hộ để giúp ích cho dân", cụ Huê trải lòng khi ủng hộ 3 triệu đồng và đôi bông tai vàng với mong muốn góp phần phòng, chống dịch Covid-19.
 
Còn ở thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), cụ bà Trần Thị Lan (74 tuổi) là hộ cận nghèo, mang trong mình căn bệnh thấp khớp, hở van tim, đi lại khó khăn từ 10 năm nay. Thế nhưng, khi nghe lời kêu gọi đóng góp phòng, chống dịch Covid-19, cụ một mình lặn lội đến UBND xã để ủng hộ 1 triệu đồng. Đây là số tiền con cháu lì xì cho cụ vào dịp Tết để dùng mua thuốc thang. Cụ Lan bộc bạch: "Tình hình dịch bệnh diễn biến  phức tạp, xem  tivi thấy ở các nước tử vong nhiều quá, nếu Việt Nam không ngăn chặn thì nguy cơ lắm. Tôi muốn đóng góp cùng Nhà nước, để dịch bệnh nhanh chóng qua đi". 
"Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh đã có hơn 600 tấm gương từ tỉnh đến cơ sở được vinh danh “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Những tấm gương điển hình với những việc làm ý nghĩa, thấm đượm nhân văn được ví như những “ông Bụt” giữa đời thường. Việc làm, nghĩa cử của họ đã tạo nên sức lan tỏa lớn và tô điểm cho đời những gam màu tươi sáng, khơi dậy phong trào thi đua làm việc tốt trong cộng đồng. Bác Hồ đã nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn”, việc nhân rộng, biểu dương những tấm gương bình dị, gương người tốt, việc tốt sẽ tạo tính lan tỏa trong toàn dân, góp phần làm ngát hương vườn hoa dâng Bác". 
 
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh BÙI THỊ QUỲNH VÂN
Những tấm gương bình dị mà cao quý
 
Vài ngày tới, đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, huyện Bình Sơn sẽ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Câu lạc bộ được tập hợp bởi những tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng 3 năm qua trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Sơn Ngô Văn Dụng cho biết: CLB “Những tấm gương bình dị mà cao quý” sẽ là hạt nhân, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, củng cố niềm tin của nhân dân vào các cấp ủy, chính quyền cơ sở. Bởi những tấm gương bình dị này là người thật, việc thật, ở sát cơ sở". 
 
Câu chuyện về ba chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) được thầy giáo Trần Quang - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hành Minh nhận đỡ đầu cho đến nay vẫn lay động lòng người. Trong suốt 6 năm qua, cuộc sống của ba chị em Lương Thị Mỹ Duyên, Lương Thị Đông Hải và Lương Công Nam chưa ngày nào đơn độc bởi luôn có sự chung tay giúp đỡ của “người cha đỡ đầu” và cộng đồng xã hội. Chị cả Lương Thị Mỹ Duyên bộc bạch: “Chị em con dù không còn cha mẹ, nhưng chưa phải nghỉ học ngày nào, chưa ngày nào phải nhịn đói. Được thầy Quang dạy dỗ, khuyên răn nên chị em con sẽ cố gắng học tốt để không phụ công ơn của thầy”. 
 
Năm 2019, thầy giáo Trần Quang được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Giờ đây, khi đã hoàn thành nhiệm vụ của người thầy giáo, thầy Trần Quang được bầu làm Chủ nhiệm CLB “Những tấm gương bình dị mà cao quý” huyện Nghĩa Hành. Thầy Quang cho hay: "Tôi cảm thấy vừa vinh dự, nhưng cũng ý thức được trách nhiệm ngày càng cao, làm sao để lan tỏa nhiều hơn những việc làm tốt, những con người tốt trong cộng đồng xã hội.
 
Trước đây, việc học và làm theo Bác hầu hết là làm tự phát, giờ chúng ta phát triển thành tổ chức nên chắc chắn sẽ hiệu quả, thiết thực hơn. Từ khi ra đời đến nay, CLB đã phát huy bước đầu trong việc chăm lo đời sống cho nhân dân như làm vườn rau sạch với diện tích 1.000m2 để bổ sung nguồn thực phẩm phục vụ “bữa cơm tình thương”, vận động các thành viên đóng góp những vật dụng cần thiết để hình thành “cửa hàng không giá” phục vụ đồ dùng sinh hoạt, học tập cho những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu sử dụng... 
Anh Lê Minh Tâm, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) hớt tóc từ thiện cho người dân.
Anh Lê Minh Tâm, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) hớt tóc từ thiện cho người dân.
Sư cô Thích Nữ Uyên Liên - trụ trì chùa Phổ Quang, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) cũng là tấm gương bình dị mà cao quý được các cấp biểu dương. Sư cô giờ là mẹ của hơn 40 đứa trẻ, trong số đó có đến 27 em đang học từ mầm non đến THCS, bé nhỏ nhất chưa đầy 30 tháng tuổi. Tình thương như người mẹ của sư cô Uyên Liên đã bù đắp cho những đứa trẻ bất hạnh, giúp các em vơi đi nỗi buồn, thiệt thòi trong cuộc sống. "Khi chúng ta ra đời, điều quý giá nhất là tình cảm của cha mẹ dành cho mình, thì các con ở đây đều không có, nếu có cũng rất ngắn ngủi. Chính vì vậy, khi đón các con về chùa, các con được sống trong tình yêu thương để bù đắp phần nào nỗi bất hạnh. Không chỉ học văn hóa, cô còn cho các con ở tuổi cấp 1, cấp 2 học thêm nhạc, họa... để các con có tâm hồn cởi mở hơn, sống tự tin hơn. Mong muốn lớn nhất của cô là dù các con làm gì, khi đã trưởng thành phải là người tử tế, sống có đạo đức, có tư cách, là công dân tốt", sư cô Uyên Liên chia sẻ.   
 
Đến thời điểm này đã có 3 địa phương là TP.Quảng Ngãi, Nghĩa Hành và Bình Sơn ra mắt CLB “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Đây là một bước chuyển về nhận thức trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy quyết tâm của cấp ủy, chính quyền trong tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền mặt tích cực, góp phần quan trọng trong việc nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả, lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến, làm cho việc thực hiện Chỉ thị 05 ngày càng đi vào chiều sâu, có kết quả thực chất.
 
Bài, ảnh: THANH THUẬN
 
*Kỳ cuối: Ý Đảng hợp với lòng dân
 

.