(Báo Quảng Ngãi)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Người khẳng định: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Bài học về “lấy dân làm gốc” đã và đang được các cấp ủy đảng ở cơ sở trên địa bàn Quảng Ngãi thể hiện một cách sinh động, sáng tạo, hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thực tế ở các địa phương cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm đến đời sống nhân dân, coi trọng lợi ích của nhân dân, biết dựa vào người dân mà triển khai chính sách, thì nơi đó sẽ có những chuyển biến rõ rệt.
Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm
Tại thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn), mọi chủ trương cấp ủy đảng đề ra đều hướng đến phục vụ lợi ích chính đáng của người dân. Từ một thôn ven biển bình thường như bao vùng ven biển khác, giờ đây thôn Hải Ninh đã trở thành điểm sáng trong nhiều hoạt động, từ việc đoàn kết làm sạch môi trường biển, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM) đến phát huy sức mạnh đoàn kết trong phòng, chống dịch Covid-19... Điều này bắt nguồn từ ý Đảng hợp với lòng dân. Chị Nguyễn Thị Nga, người dân ở thôn Hải Ninh bày tỏ: Người dân đồng lòng hưởng ứng tất cả các chủ trương của Đảng là vì tin vào Đảng, tin vào chính quyền, mọi việc đều vì lợi ích của người dân. Đơn cử như việc làm sạch bãi biển Sa Cần vào năm 2019, khi thôn phát động là dân hưởng ứng ngay".
Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa (bên trái) thăm hỏi hộ nghèo ở khu tái định cư. |
Hơn 20 năm bị “bức tử” bởi rác thải, giờ đây bãi biển Sa Cần đã sạch sẽ. Chiến dịch “Tử tế với Sa Cần” đã huy động hàng trăm người dân địa phương tham gia thu dọn "núi rác khổng lồ" ở đây. Chị Nga là người tiên phong ủng hộ 25 triệu đồng thuê một máy đào và kêu gọi người dân cùng làm sạch bãi biển. Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hải Ninh Dương Duy Din cho biết: "Thành công lớn nhất là người dân không còn vứt rác xuống biển. Mỗi gia đình thực hiện phân loại rác, thôn cũng có xe thu gom rác. Bãi biển Sa Cần giờ trở nên sạch đẹp".
Theo ông Din, ngoài việc đồng lòng bảo vệ môi trường, nhờ nội lực được khơi thông, chỉ trong vòng 2 năm, người dân trong thôn đã đóng góp gần 1 tỷ đồng để bê tông 44 tuyến đường liên thôn và lắp đặt điện chiếu sáng. Vừa qua, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, chính người dân đưa ra ý tưởng thành lập chốt kiểm tra thân nhiệt ngay tại cổng ra, vào thôn và đóng góp gần 60 triệu đồng để mua máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, mua khẩu trang cấp phát cho người dân...
Ở xã vùng cao Sơn Thủy (Sơn Hà), cán bộ, đảng viên tích cực thực hiện mô hình "Vườn rau giúp đỡ hộ nghèo". Vườn rau có diện tích hơn 200m2 nằm ngay trong khuôn viên UBND xã. Để có được vườn rau xanh tốt với đủ các loại rau, Đảng ủy xã đã huy động trên 5 triệu đồng từ tiền tiết kiệm của cán bộ, đảng viên; đồng thời phân công người chăm sóc vườn rau. Sản phẩm làm ra bán để gây quỹ hỗ trợ 1- 2 hộ nghèo/thôn, với mức 500 nghìn đến 1 triệu đồng/hộ. Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy Nguyễn Ích Long chia sẻ: Hình thức tiêu thụ sản phẩm trước hết là trong cán bộ, đảng viên, cứ đến kỳ thu hoạch, số tiền thu được từ bán rau sẽ gây quỹ hỗ trợ cho hộ nghèo. Tùy theo thời điểm, mức hỗ trợ sẽ khác nhau. Ngoài trồng rau, sắp tới chúng tôi sẽ trồng xen canh ớt xiêm để cung cấp cho các siêu thị.
Không chỉ cán bộ, đảng viên, mà việc học tập và làm theo Bác còn lan tỏa đến người dân. Ông Đinh Văn Tua, ở thôn Giá Gối, xã Sơn Thủy cho rằng, học ở Bác là học suốt đời, học từ những việc nhỏ nhất. Mỗi người làm tốt công việc của gia đình, hướng đến giúp ích cho xã hội, đó cũng là học và làm theo gương Bác. Ý thức được điều này, thực hiện phong trào xây dựng NTM, ông Tua đã hiến trên 200m2 đất vườn, hàng chục cây lâu năm, phá dỡ nhà cửa để làm tuyến đường bê tông, với chiều dài 10km từ trung tâm xã Sơn Thủy về thôn Giá Gối.
Từ việc làm của ông Tua, 30 hộ dân trong thôn tích cực hưởng ứng phong trào hiến đất, cây cối hoa màu để mở đường. Vì thế, gần 17.000m2 đất với cây cối, hoa màu trị giá lên đến gần 2 tỷ đồng đã được người dân hiến tặng. “Tuyến đường được nâng cấp không chỉ phục vụ cho mình mà còn giúp người dân dễ dàng trong vận chuyển hàng hóa, nên mình có hy sinh một chút để cho việc thi công được thuận lợi, cũng là vui rồi”, ông Tua bộc bạch
Xây dựng hơn 900 mô hình học tập và làm theo Bác
Mỗi việc làm từ cơ sở đều mang lại lợi ích cho nhân dân địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 900 mô hình học tập và làm theo Bác đã và đang được triển khai thực hiện. Qua đó cho thấy, việc học và làm theo Bác đã trở thành công việc thường xuyên của mỗi tổ chức, cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Việc khó có đảng viên
Gần 4 năm qua, huyện Bình Sơn thực hiện có hiệu quả phong trào “ngôi nhà cấp ủy”. Đây là địa phương duy nhất của tỉnh thực hiện mô hình này. Tính hiệu quả không chỉ dừng lại ở mặt vật chất là ngôi nhà, mà còn gieo tình cảm, niềm tin, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với dân.
Ở trong ngôi nhà mới là niềm vui không thể tả xiết đối với vợ chồng bà Trịnh Thị Hận, đảng viên ở thôn Đông Thuận (xã Bình Trung). Vợ chồng bà Hận từng tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt tù đày. Ở tuổi xế chiều, đau ốm triền miên, nên vợ chồng bà sống nhờ vào tiền chính sách. Từ lâu ngôi nhà đã xuống cấp, nhưng không có tiền để xây mới. Chi bộ thôn đã quyên góp hỗ trợ 40 triệu đồng, nhờ đó vợ chồng bà Hận đã xây dựng được ngôi nhà mới. Bà Hận phấn khởi bảo: "Vợ chồng tôi cảm thấy ấm lòng khi được ở trong ngôi nhà mới đầy ắp nghĩa tình. Mừng nhất là chính tổ chức đảng, đảng viên quan tâm, giúp đỡ".
Phong trào "ngôi nhà cấp ủy" xuất phát từ khi Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư về cơ sở tham gia các buổi sinh hoạt chi bộ ở các xã và nhận ra vẫn còn nhiều đảng viên khó khăn về nhà ở. Đa số các trường hợp này rơi vào tình trạng không thể áp dụng các chính sách hỗ trợ nhà ở của Chính phủ. Các kênh hỗ trợ khác kinh phí cũng giới hạn, chỉ ưu tiên hộ nghèo. “Là địa phương giàu truyền thống cách mạng, đối tượng chính sách rất nhiều, được chăm lo ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đảng viên có đời sống khó khăn, nhất là đảng viên lớn tuổi. Vì thế, phong trào xây dựng “ngôi nhà cấp ủy” ra đời”, bà Hà Thị Anh Thư chia sẻ.
Bằng chủ trương đúng đắn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhiều người, phong trào nhận được sự ủng hộ thực hiện và lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương. Sau gần 4 năm phát động, huyện đã vận động trên 6,2 tỷ đồng (trong đó các cấp ủy ở huyện quyên góp 2,1 tỷ đồng; cấp xã huy động 4,1 tỷ đồng), để hỗ trợ xây mới và sửa chữa 128 ngôi nhà cho những trường hợp khó khăn về nhà ở.
Đối với xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) - một trong những xã miền núi của tỉnh sớm về đích NTM thì vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên có tính quyết định. Bởi khi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí. Trong đó tiêu chí hộ nghèo là khó đạt nhất, bởi đây là xã miền núi với 100% là đồng bào dân tộc Hrê. Tuy nhiên, với cách làm phù hợp là phân công nhóm đảng viên phụ trách nhóm hộ, giúp đỡ hộ nghèo theo hình thức mỗi nhóm đảng viên hằng tháng tổ chức họp các hộ dân để giúp họ tháo gỡ khó khăn, như hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi...
Nỗ lực của cấp ủy và đảng viên được đền đáp xứng đáng khi vào cuối năm 2016, Nghĩa Sơn trở thành xã miền núi đầu tiên của tỉnh đạt xã NTM và đang hướng đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Hiện nay, toàn xã chỉ còn 6 hộ nghèo, chiếm 1,7%, một con số ấn tượng mà không phải địa phương nào cũng làm được. Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn Phạm Văn Đại cho hay: Việc phân công nhóm đảng viên phụ trách nhóm hộ được xem là cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình đặc thù của địa phương và được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình. Chủ trương này đã tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, qua đó phát huy nội lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Đây cũng là cơ sở để đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm. Nếu đảng viên hoàn thành việc phân công quản lý nhóm hộ, các hộ hoàn thành tốt các chủ trương, thì đảng viên tổ đó được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Nếu các hộ chấp hành các chủ trương không đạt thì đảng viên tổ đó chỉ xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí là không hoàn thành nhiệm vụ. Đến thời điểm này, chưa có đảng viên nào phải xếp loại hoàn thành nhiệm vụ, còn đảng bộ xã 5 năm liền giữ vững danh hiệu đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bài, ảnh: THANH THUẬN