Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam. Bác từng nhiều lần nói: “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi!”. Đồng bào miền Nam cũng luôn dành những tình cảm yêu quý nhất, kính trọng nhất đối với Người, như câu thơ đầy xúc động của nhà thơ Tố Hữu "Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha".
1. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước nhà được độc lập, nhưng không lâu sau, thực dân Pháp quay trở lại gây chiến ở Nam Bộ. Trước dã tâm của kẻ thù, những nhân nhượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa không đi đến kết quả, cả nước đã nhất tề đứng lên chiến đấu theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Người.
Sau 9 năm gian khổ và trường kỳ kháng chiến, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, còn ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm được sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ đã thực hiện Luật 10/59, tiến hành tàn sát dã man đồng bào và chiến sĩ... Trĩu nặng nỗi đau đất nước bị chia cắt, da diết nỗi nhớ miền Nam, Người nói: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.
Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, khi ở hậu phương lớn miền Bắc đang giành những thắng lợi quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thì ở tiền tuyến lớn miền Nam, quân và dân ta cũng từng bước giành những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Sát cánh cùng đồng bào miền Nam trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ và hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh tha thiết: “Trái tim của tôi và của 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam… không một giờ phút nào không nhớ đến đồng bào ruột thịt ở miền Nam đang chiến đấu anh dũng chống bọn Mỹ Diệm để cứu nước cứu nhà”.
Tháng 10-1962, nhân cuộc gặp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, Người ôm hôn đồng chí Nguyễn Văn Hiếu trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu thay mặt các đại biểu báo cáo tình hình của miền Nam, gửi đến Người món quà của đồng bào miền Nam, gồm: Bản cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tập thơ của một chiến sĩ đã hy sinh trong nhà tù Mỹ - Diệm, tập ảnh về phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam và một lọ hoa làm bằng vỏ đạn đại bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận quà và nói Người không có gì tặng cho đồng bào miền Nam rồi đưa tay mình lên ngực, giọng xúc động: “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi!”.
Chừng nào miền Nam chưa được giải phóng, Bắc - Nam chưa sum họp một nhà thì chừng đó Người thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Vì lẽ đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa III, ngày 8-5-1963, trước các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xin phép chưa nhận Huân chương Sao Vàng và đề nghị: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”.
Đáp lại tình thương yêu và sự tin tưởng của Người, đồng bào miền Nam nỗ lực phấn đấu và hy sinh để thực hiện đến cùng sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tình cảm máu thịt, sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam và của đồng bào miền Nam dành cho Người như “chất men” xúc tác, trở thành một trong những nhân tố quyết định làm nên những chiến thắng trên chiến trường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Quang Minh - TTXVN |
2. Tháng 5-1965, sau những thắng lợi vang dội đánh tan bước đầu kế hoạch “tìm diệt” của Mỹ, miền Nam mở Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ nhất. Sau đó, Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam cử một đoàn đại biểu gồm các anh hùng, chiến sĩ thi đua ra thăm miền Bắc. Đoàn có 5 người, gồm: Tạ Thị Kiều - người con gái anh hùng của Bến Tre; Lê Chí Nguyện, Huỳnh Văn Đảnh - tiêu biểu cho thanh niên miền Nam “đánh đâu thắng đó”; Trần Dưỡng - người con Quảng Nam “thần thông biến hóa” làm cho kẻ địch phải kinh sợ; A Vai - người con của dân tộc Vân Kiều đã “nhen ngọn lửa cách mạng” ở miền Tây Thừa Thiên. Được gặp, chụp ảnh và cùng ăn cơm với Người tại Phủ Chủ tịch, những người con ưu tú của “Thành đồng Tổ quốc” đã thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào miền Nam đối với Người thông qua những câu trả lời, chuyện kể và ước nguyện đánh thắng kẻ thù để đón Bác vào Nam…
Chan chứa tình thương yêu sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần hỏi thăm sức khỏe, thành tích cũng như cuộc sống, cuộc chiến đấu của mỗi người và của đồng bào miền Nam ruột thịt. Khi Anh hùng Tạ Thị Kiều và A Vai rưng rưng nước mắt, ngập ngừng: “Bác ơi! Chúng cháu nhớ Bác quá. Đồng bào miền Nam nhớ Bác quá!”, thì cả 5 đồng chí đều không ngăn được nước mắt. Khi đó, đôi mắt của Người cũng ngấn lệ. Người âu yếm nhìn những người con miền Nam và nhẹ nhàng nói: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm! Kìa, sao các cháu lại khóc? Bác cháu ta gặp nhau thì vui chứ!”. Nghe lời nói đầy yêu thương của Người, các anh hùng, chiến sĩ miền Nam càng nức nở hơn. Rồi Người nói: “Bác cháu ta đi dạo chơi một lúc”. Nhìn sang đồng chí Huỳnh Văn Đảnh, Người hỏi: “Cháu Đảnh quê ở tỉnh nào? Cháu bị thương trong trận nào? Vết thương cháu đã lành hẳn chưa?”. Người còn hỏi thêm về đời sống của đồng bào và bộ đội, về vấn đề ruộng đất... Nghe nói đồng bào đã lập tổ đổi công giúp nhau sản xuất, Người rất vui. Xin được ôm hôn Bác, đồng chí Đảnh nói: “Cháu xin hôn Bác phần của đồng bào và bộ đội giải phóng trao nhiệm vụ cho cháu”. Đáp lại tình cảm tha thiết đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Các cô, các chú và đồng bào càng đánh thắng giặc Mỹ, Bác càng khỏe mạnh, sống lâu”.
Đầu năm 1968, sau khi đề nghị Bộ Chính trị bố trí vào thăm đồng bào miền Nam bằng đường Trường Sơn chưa thực hiện được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích cực tập luyện sức khỏe, đi bộ, leo núi theo chỉ dẫn của bác sĩ một cách kiên trì. Tháng 3-1968, Người gửi thư đến đồng chí Lê Duẩn, trong đó có đoạn viết: “Chú có ý khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng (anh em trong đó) đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là vấn đề sức khỏe, ước nguyện cháy bỏng của Người đã không thể trở thành hiện thực.
Sang năm 1969, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày một yếu, ước nguyện được vào thăm đồng bào miền Nam vẫn là day dứt khôn nguôi của Người. Trong những ngày cuối đời, lúc nằm trên giường bệnh, dù phải chống chọi với nỗi đau bệnh tật, song mỗi khi tỉnh lại, câu đầu tiên Người nói vẫn là những câu hỏi về tình hình chiến sự ở miền Nam. Vào những giây phút cuối của cuộc đời trần thế, hình ảnh miền Nam vẫn luôn ở trong trái tim của Người.
Hơn 50 năm Người đi xa và 45 năm sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước đã thống nhất, “nỗi nhớ nhà” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và “nỗi mong cha” của đồng bào, chiến sĩ miền Nam vẫn in đậm trong trái tim mỗi chúng ta.
TIẾN SĨ VĂN THỊ THANH MAI/Báo Hà Nội mới