(Baoquangngai.vn)- Trên đất nước ta, các khu tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nhiều nhưng phần lớn đều do Nhà nước xây dựng và quản lý. Nhưng khu tưởng niệm bên chiến khu Đồng Bò thuộc tỉnh Khánh Hòa này lại do tư nhân xây dựng. Chủ nhân là ông Bùi Xuân Phước, một cựu binh từng đi qua hai cuộc chiến tranh.
Ông Phước bước thoăn thoắt kia trong khu tưởng niệm để thuyết minh cho khách. Ông nói liên hồi kỳ trận, giọng cũng “khỏe” như bước chân ông nên rất khó tin khi nghe ông bảo đang ở tuổi 85. “Tôi tuổi con heo- Ất Hợi 1935. Chả thấy “nằm đợi mà ăn” như ông bà mình hay nói mà cứ quần quật như chiếc đuôi con heo vậy”- ông Phước phân bua bằng một hình ảnh ví von rất gợi. Tôi hỏi ông vất vả điều gì khi đã ở vào tuổi này rồi? Ông bảo: “Cũng do mình rước khổ vào thân chứ chả ai bắt phải khổ cả. Ví như cái khu tưởng niệm Bác Hồ này, tôi theo đuổi mấy chục năm nay, bán cả nhà ở phố để lên đây xây dựng. Không khổ sao được? Nhưng mà vui anh à”.
Thai nghén ý tưởng
Nghe ông Phước nói giọng lơ lớ giữa vùng cực Nam Trung bộ với giọng Quảng, tôi hỏi: “Hình như bác có gốc gác gì với xứ Quảng?”. Ông thú nhận: “Tôi gốc người Đà Nẵng nhưng lớn lên thì ở Tuy Hòa rồi 45 năm nay gắn bó với Nha Trang. Thi thoảng tôi có pha một vài tiếng địa phương ngoài ấy là “bắt chước” giọng của ông bà cụ sinh ra tôi đấy. Đi đâu rồi cũng không “trốn” được cái gốc gác của mình”.
Ở tuổi thượng thọ nhưng ông Phước nhớ không sót chi tiết nào từ việc ông theo cha làm nghề hỏa xa thời Pháp ở Tuy Hòa đến khi tham gia đội thiếu sinh quân rồi thoát ly gia đình đi kháng chiến. Tôi phải cắt ngang dòng ký ức không lúc nào ngưng chảy trong ông vì sợ lạc đề: “Từ đâu mà bác lại hình thành khu tưởng niệm về Bác Hồ khá tốn kém nhưng không mang lại một chút lợi lộc gì về kinh tế thế này?”.
Đang kể say sưa về trận đánh quân Pháp trên vùng An Khê năm 1953 nhưng nghe tôi cắt ngang, ông cụ chuyển “kênh” rất nhanh: “Tôi là dân bảo tàng mà. Cậu biết đấy, dân bảo tàng thì luôn luôn nuôi một ý nguyện là bảo quản và phục dựng tất cả những gì thuộc về lịch sử. Bác Hồ là nhân vật lịch sử vĩ đại. Dân khu vực Nam Trung bộ này không phải ai cũng có điều kiện để về quê Bác hoặc ra Thủ đô để viếng Người và được tiếp cận với các hiện vật liên quan đến Bác. Vậy thì tại sao mình không tìm cách để mọi người không có điều kiện ra Nghệ An hoặc Hà Nội mà vẫn “gặp” Bác ngay tại Khánh Hòa này?”. Ý tưởng ấy được ông Phước thai nghén từ khi còn làm việc ở Bảo tàng Phú Khánh.
Bán nhà để thực hiện ý tưởng
Năm 1995, ông Phước về hưu sau 6 năm với cương vị là Giám đốc Bảo tàng Phú Yên kể từ khi tách tỉnh Phú Khánh. Ông quay lại Nha Trang và bắt tay vào thực hiện ý định từ khi còn đương chức: hình thành khu tưởng niệm về Bác Hồ. Chiến khu Đồng Bò hay còn gọi là mật khu Đá Hang là địa chỉ ông Phước chọn lựa sau nhiều đắn đo. “Giờ thấy có vẻ đông đúc chứ 25 năm trước, đây là một vùng đất hoang. Dù chỉ cách trung tâm Nha Trang hơn 10 cây số nhưng do địa hình hiểm trở nên trong kháng chiến chống Pháp, cách mạng đã chọn Đồng Bò làm “chiến khu” là vậy. Chính vì nó quá đìu hiu nên mới mua được 2.200m2 chứ giờ mua làm sao nổi!”- ông Phước nói lý do ông chọn nơi đây để xây khu tưởng niệm.
Chọn chỗ đất rồi nhưng để hình thành các gian trưng bày vẫn là một thử thách lớn với chủ nhân. Ông Phước quyết định bán ngôi nhà ở Nha Trang để lấy tiền xây cho bằng được khu tưởng niệm. Dù vậy vẫn không đủ, ông bèn “xin” lại miếng đất của đứa con gái mà ông dùng làm của hồi môn để … bán tiếp. “Kể ra có một người cha “bất thường” như cha tôi thì cũng ngại thật. Nhưng tôi biết, ông đang thực hiện ý tưởng mà cụ theo đuổi cả đời nên tôi chấp nhận”- chị Bùi Thị Thu Hà nhớ lại thời điểm quyết định hệ trọng của đời chị.
Nhà sàn Bác Hồ được thu nhỏ |
Bán một ngôi nhà và một mảnh đất của con gái dưới Nha Trang, ông Phước như “đánh cược” với niềm đam mê thành kính của mình. Trong lúc nhà cửa của khu tưởng niệm còn dang dở thì vợ ông đổ bệnh sau một thời gian dài bà cùng ông rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc để sưu tầm các hiện vật liên quan đến cuộc đời Bác Hồ.
Vừa nuôi vợ ốm liệt giường vì tai biến, lại vừa phải hoàn thiện khu tưởng niệm và bổ sung hiện vật, ông Phước như … đi trên mây. “Cũng may là bạn bè biết tâm nguyện của tôi nên ai cũng chia sẻ, từ tiền bạc cho đến những lời động viên. Cuối cùng thì tôi cũng toại nguyện sau…12 năm theo đuổi một ước mơ (1998-2010). Thương một nỗi là khi khu tưởng niệm đón những vị khách đầu tiên thì vợ tôi cũng đã về với ông bà tổ tiên rồi”- ông Phước ngậm ngùi nhắc lại kỷ niệm.
Hiện vật “kể chuyện” Bác Hồ
Khu tưởng niệm về Bác Hồ của ông Bùi Xuân Phước đã thành địa chỉ thăm viếng của nhiều du khách, nhất là những cựu chiến binh và các cháu học sinh mỗi dịp đến Nha Trang. Không lộng lấy gì đâu nhưng cái cách bài trí của chủ nhân khu tưởng niệm thì khá bắt mắt. “Tôi hình thành hai trục hình chữ thập. Trục đông-tây thì thờ tổ tiên, trục bắc-nam thì thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ”- ông Phước giải thích.
Khách ghé thăm khu tưởng niệm không chỉ vì vị trí mát mẻ, cạnh chiến khu Đồng Bò vang danh một thuở mà còn tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời của Bác. Hàng trăm hình ảnh, hiện vật ấy như một cuốn phim chiếu chậm về cuộc đời hoạt động của Người.
Ông Phước thuyết minh với khách về những hiện vật |
Ông Phước đưa chúng tôi đi vào gian nhà chính- nơi có tượng Bác Hồ bằng đồng mà ông tiết lộ là được Ban quản lý Lăng Hồ Chủ tịch tặng. Bên dưới bức tượng đồng là nơi đặt lư hương. Khách chợt giật thột khi ấy một tấm hình được rọi lớn bằng người thật như đang nằm ngủ. Ông Phước nói về lai lịch bức ảnh hiếm này: “Biết tôi lặn lội sưu tầm hình ảnh, hiện vật liên quan đến Bác Hồ, một cựu chiến binh mách cho tôi là ở đường Hồng Bàng (Nha Trang) có người đang cất giữ nhiều hình ảnh về Bác vì chồng người này từng một thời thường gần gũi Người.
Tôi dò la tìm và được chị Liễu, chủ nhân của tấm ảnh này tặng cho tôi. Đây là tấm hình lúc Bác mất, trước khi đưa vào lồng kính. Tôi quá vui và phải mang tấm ảnh này vào TP HCM để rọi lớn vì Nha Trang lúc ấy không làm được”. Du khách còn được nhìn tận mắt đôi dép cao su, chiếc nón cối, chiếc áo kaki cũ sờn của Bác được ông Phước lồng vào tủ kính rất trang trọng. Dĩ nhiên đây chỉ là những phiên bản nhưng dù sao thì người xem vẫn hình dung được một góc nhỏ về cảnh sinh hoạt của Bác Hồ khi Người còn tại thế.
Mỗi hiện vật là một câu chuyện, được ông Phước thuyết minh như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Ông làm với tất cả nỗi đam mê và lòng thành kính của mình.
Đang nói dở chừng, ông lại xin lỗi khách vì phải đón một đoàn cựu chiến binh vừa bước qua cổng ngõ. “Ngày nào cũng vài ba đoàn như thế. Cực nhưng mà vui”. Vừa nói ông vừa bước thoăn thoắt ra ngõ. Tôi nhìn câu khẩu hiệu được khắc trên tường phòng khách: “Quá khứ vinh quang chỉ được trân trọng khi hiện tại vẫn tiếp tục làm đẹp cho đời”. (Lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Tôi bỗng hiểu vì sao một cụ già 85 tuổi rồi mà vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Vì ông vẫn muốn “làm đẹp cho đời” bằng công trình ý nghĩa này.
Bài, ảnh: Trần Đăng