Khởi nghĩa Ba Tơ: Khơi nguồn ngọn lửa cách mạng

10:03, 11/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 3.1945, những chiến sĩ cách mạng trung kiên ở Căng an trí Ba Tơ dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã cùng với đồng bào các dân tộc trong huyện tiến hành vũ trang, nhất tề nổi dậy, làm nên cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ thành công. Cuộc khởi nghĩa góp phần to lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi.
Lan tỏa ngọn lửa cách mạng
 
Cách đây 75 năm, chớp thời cơ phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp ngày 9.3.1945, đêm ngày 10.3.1945, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Trương Quang Giao đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân tích tình hình và đề ra một số nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Hội nghị nhận định: “Tình thế cách mạng nhiều nơi trong tỉnh đã chín muồi, không thể bỏ lỡ thời cơ mà phải mạnh dạn tiến hành khởi nghĩa. Trước mắt, khẩn trương huy động lực lượng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Ba Tơ, sau đó phát động lan nhanh ra nhiều nơi, tiến hành võ trang tuyên truyền, xây dựng căn cứ chống Nhật, châm ngòi cho phong trào khởi nghĩa toàn tỉnh”.
 
Hội nghị cũng quyết định thành lập Ban lãnh đạo khởi nghĩa gồm các đồng chí Trương Quang Giao, Phạm Kiệt, Trần Lương, Trần Quý Hai và Nguyễn Đôn... do đồng chí Trương Quang Giao làm trưởng ban. 
 
Một góc thị trấn Ba Tơ hôm nay.
Một góc thị trấn Ba Tơ hôm nay.
 
Trưa ngày 11.3, tại Suối Loa, Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã họp để xác định quyết tâm tiến hành khởi nghĩa cướp chính quyền ở Ba Tơ. Hội nghị đã phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa phụ trách địa bàn và nhanh chóng tập trung lực lượng tại Ba Tơ để tiến hành khởi nghĩa. Quần chúng từ Trường An, Suối Loa, Nước Lá, Nước Gia... nổi dậy làm chủ xóm làng và tham gia giành chính quyền ở châu lỵ Ba Tơ.
 
Chiều 11.3.1945, từ các ngã đường, đồng bào Kinh - Thượng tay cầm giáo mác, dao, rựa, cờ đỏ sao vàng, giương cao biểu ngữ, kéo về sân vận động Ba Tơ tham dự mít tinh, nghe phát biểu của đại diện Tỉnh ủy và Mặt trận Việt Minh, hô vang các khẩu hiệu ủng hộ cách mạng.
 
Sau cuộc mít tinh, đội quân du kích gồm 17 đồng chí, cùng với quần chúng nhân dân nhanh chóng chiếm Đồn Khố xanh, Nha kiểm lý, buộc tên Tri châu Ba Tơ Bùi Danh Ngũ giao nộp toàn bộ vũ khí, giấy tờ, con dấu cho lực lượng khởi nghĩa. Chính quyền địch ở châu lỵ Ba Tơ nhanh chóng tan rã.
 
Thừa thắng, lực lượng khởi nghĩa tiến đánh đồn Ba Tơ. Tiếng thét, tiếng súng của các lực lượng khởi nghĩa; tiếng mõ, tiếng tù và, tiếng hô thanh viện của quần chúng vang động một góc trời. Toàn bộ bọn lính khố xanh và chỉ huy đồn Ba Tơ buông súng đầu hàng. Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi.
 
Đến sáng 12.3, UBND cách mạng lâm thời và Đội du kích Ba Tơ chính thức ra mắt, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng huyện Ba Tơ. Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã thành lập Đội du kích Ba Tơ gồm 28 đội viên; làm lễ tuyên thệ tại bãi Hang Én với khẩu hiệu "Hy sinh vì Tổ quốc". Sau đó, đội nhanh chóng phát triển lực lượng, chuyển về đồng bằng xây dựng khu căn cứ Vĩnh Sơn và Núi Lớn; hình thành 2 đội võ trang Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám...
 
Từ thắng lợi của Khởi nghĩa Ba Tơ, Quảng Ngãi cũng là một trong những địa phương khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
 
Phát huy truyền thống Anh hùng
 
Phát huy truyền thống vẻ vang của Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ và Đội Du kích Ba Tơ anh hùng, quân và nhân dân huyện Ba Tơ tiếp tục lập nên nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
 
Ngày 30.10.1972, huyện Ba Tơ hoàn toàn giải phóng. Sau năm 1975, nhân dân Ba Tơ bắt  tay từng bước khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 
 
Núi Cao Muôn, nơi Đội du kích Ba Tơ năm xưa hoạt động.
Núi Cao Muôn, nơi Đội du kích Ba Tơ năm xưa hoạt động.
 
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết cho biết: Sau giải phóng, nhất là sau hơn 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, huyện Ba Tơ đã đạt nhiều thành tựu rất đáng tự hào trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, sản xuất hàng hóa bước đầu hình thành; sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế được chú trọng; quốc phòng, an ninh giữ vững. Huyện được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới...
 
Đến năm 2019, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 1.803 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng. Thu nhập bình quân ước đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Việc xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, với 10,5 tiêu chí/xã, trong đó Ba Động là xã đầu tiên của các huyện miền núi trong tỉnh đạt xã nông thôn mới. Huyện có 11 trường đạt trường chuẩn quốc gia; 17 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,2%/năm.
 
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và chính sách an sinh xã hội đảm bảo. Việc thực hiện các chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng mở rộng. Mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận và các hội, đoàn thể với nhân dân ngày càng thắt chặt. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái thi đua lao động sản xuất, để xây dựng cuộc sống mới trên quê hương anh hùng.
 
Bài, ảnh: BÁ SƠN  
 
 

.