(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 3 năm qua, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi có nhiều mô hình hay, điển hình tiên tiến được tôn vinh, nhân rộng, bước đầu lan tỏa trong toàn xã hội.
TIN LIÊN QUAN |
---|
VIỆC GÌ CÓ LỢI CHO DÂN THÌ HẾT SỨC LÀM
Là đảng viên, với hơn 20 năm công tác tại thôn, trong đó có gần 5 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), ông Huỳnh Hồng luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ. Bằng uy tín, trách nhiệm của bản thân, ông đã tích cực đi đầu trong việc vận động nhân dân đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới. Điển hình là việc ông vận động thực hiện bê tông 3 tuyến đường chính và 14 tuyến nhánh ở xóm Đồng, với tổng chiều dài 5.000m, rộng 4m đến ngõ từng nhà và ra đến chân ruộng.
Lãnh đạo tỉnh biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. ẢNH: SA HUỲNH |
Đây được xem là kỳ tích ở xóm Đồng, bởi quá trình triển khai thi công gặp rất nhiều trở ngại. Thế nhưng, với quyết tâm tạo diện mạo mới cho thôn, ông Hồng kiên trì đi đến từng nhà để vận động, phân tích lợi ích cho người dân hiểu. Đồng thời, ông cùng các đảng viên trong chi bộ thôn Hòa Bình đã gương mẫu và cùng gia đình, người thân hiến đất, đóng góp trước. Nhờ đó, cán bộ, nhân dân thôn Hòa Bình đồng tình hưởng ứng. “Làm việc gì cũng phải tâm huyết mới làm được. Mọi việc phải đưa ra bàn. Dân đồng thuận cao mới quyết định. Bác dạy rồi “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cứ lấy phương châm đó mà hành động”, ông Hồng chia sẻ.
Với người dân, dù ở đồng bằng hay miền núi, đất nông nghiệp luôn là nguồn lực chủ yếu để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Thế nhưng, khi Nhà nước cần, nhân dân cần họ sẵn sàng hiến tặng mảnh đất quý giá để phục vụ lợi ích của cộng đồng. Trường hợp Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ba Tô (Ba Tơ) Phạm Văn Mong là một điển hình.
Năm 2015, trong khi địa phương gặp khó khăn về mặt bằng xây dựng Trường Tiểu học xã Ba Tô, ông Mong tình nguyện hiến 600m2 đất vườn. Đến năm 2016, để thi công tuyến đường từ Quốc lộ 24 vào thôn Trà Nô, ông Mong hiến thêm 1.200m2 đất. Sau đó, xã chủ trương mở rộng thêm 2m mặt đường của tuyến nối Quốc lộ 24 vào thôn Trà Nô, ông tiếp tục hiến 600m2 đất vườn, đốn chặt 300 cây keo 2 năm tuổi và nhiều keo đang thu hoạch... trị giá hơn 120 triệu đồng, nhưng không yêu cầu bồi thường.
Tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” của ông Mong đã tác động tích cực đến các hộ dân. Họ đồng tình hiến đất mà không đòi hỏi bồi thường, hỗ trợ. Cách nghĩ, cách làm của ông Mong đã trở thành tấm gương sáng để người dân trên địa bàn noi theo.
HÀNH ĐỘNG THEO LỜI BÁC DẠY
Hơn 16 năm giành lại sự sống cho gần 2.000 trẻ em bị tim bẩm sinh là cả hành trình dài lặng lẽ, âm thầm cống hiến của những người làm công tác tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, đặc biệt là Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Bùi Đức Thọ.
Để duy trì nguồn quỹ “phẫu thuật tim bẩm sinh”, với kinh phí 20 tỷ đồng/năm cho gần 2.000 em phẫu thuật trong suốt 16 năm qua; hơn 30.000 lượt trẻ em dưới 16 tuổi được khám tầm soát bệnh tim bẩm sinh, thì công đầu không thể không kể đến vai trò của người đứng đầu. Anh Bùi Đức Thọ chia sẻ: "Nghề công tác xã hội chính là nhịp cầu nối bệnh nhân với nhà tài trợ, các nhà hảo tâm. Một khi mình kết nối được nhiều tấm lòng thì sẽ có nhiều em bị tim bẩm sinh được chữa trị kịp thời”.
Thấm nhuần lời Bác dạy “Cán bộ, hội viên chữ thập đỏ phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Mộ Đức Huỳnh Thị Thùy Trang luôn ý thức người làm công tác nhân đạo phải có tâm, yêu nghề và đồng cảm với người nghèo khó.
Chính vì vậy, chị thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình, chủ động tìm các nguồn tài trợ và vận động mọi người chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, tai nạn giao thông... Trong hai năm 2018 - 2019, chị đã vận động gần 10 tỷ đồng, giúp cho hơn 5.500 hoàn cảnh khó khăn, người gặp rủi ro. Đặc biệt, chị là người chủ động xây dựng và triển khai mô hình “Đồng tiền lẻ đẻ đồng tiền vàng - Kết nối vòng tay nhân ái” tại hơn 30 trường THPT, THCS, tiểu học bằng hình thức nuôi heo đất để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở huyện Mộ Đức.
“Cứ đầu tuần hoặc cuối tuần sinh hoạt, ban cán sự lớp kêu gọi cả lớp đóng góp bằng số tiền tiết kiệm từ việc bớt ăn quà để giúp đỡ các bạn khó khăn trong lớp, trong trường như mua quần áo, hỗ trợ trong dịp tết Nguyên đán... Số tiền còn lại dùng để cấp học bổng, tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những năm qua, mô hình đã giúp cho gần 12.000 em có hoàn cảnh khó khăn, với tổng giá trị gần 3,2 tỷ đồng”, chị Trang cho hay.
Khắc sâu lời dạy của Bác Hồ “Người thầy thì cần phải rèn luyện cái tâm thật sáng, cái tài thật cao mới đảm nhận được công tác trồng người”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Phong (Tây Trà) Nguyễn Trí Dũng luôn miệt mài cống hiến vì tương lai thế hệ trẻ vùng cao.
Thương học trò miền núi còn nhiều khó khăn, thầy Dũng liên hệ bạn bè, người quen và vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ học sinh. Trong năm học 2018 - 2019, thầy Dũng đã vận động hơn 820 triệu đồng để mua đồng phục, xe đạp, mền chiếu cho học sinh. Ngoài ra, thầy còn vận động cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc tài trợ gần 200 triệu đồng xây một phòng học kiên cố tại thôn Hà Riềng.
Đặc biệt, thầy là người khởi xướng xây dựng mô hình "thư viện thân thiện", qua đó thu hút học sinh học tập và vui chơi trong giờ giải lao, tăng cường hiểu biết tiếng Việt thông qua việc đọc sách báo, tranh ảnh... Thầy Dũng chia sẻ: “Việc gì có lợi cho học sinh thì mình hết sức làm. Càng yêu nghề bao nhiêu mình càng yêu học trò bấy nhiêu!”.
SA HUỲNH