(Báo Quảng Ngãi)- Qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững, đến nay huyện Mộ Đức đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục của huyện.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, huyện Mộ Đức xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nên đã nhanh chóng cụ thể hóa nghị quyết bằng những chương trình hành động.
Huyện đã tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết 03 bằng nhiều hình thức, như truyền thông, biểu diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan câu lạc bộ gia đình văn hóa...
UBND huyện đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện, giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến 2025 và Đề án trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến 2025.
Huyện Mộ Đức tổ chức lễ hội “Tinh hoa ngày mùa” đã góp phần giữ gìn nét đẹp của văn hóa lúa nước ở địa phương. |
Trưởng phòng VH - TT huyện Mộ Đức Võ Việt Cường cho biết: "Các hoạt động về xây dựng và phát triển toàn diện con người về đức, trí, thể, mỹ, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững đã đi vào nền nếp. Các cơ sở tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là về xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Mộ Đức được đẩy mạnh, góp phần thực hiện chương trình xây dựng xã văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đến nay, toàn huyện Mộ Đức có gần 84% gia đình, hơn 81% số thôn – tổ dân phố, 5 xã đạt và giữ chuẩn văn hóa nông thôn mới và gần 93% cơ quan đạt và giữ chuẩn văn hóa. Toàn huyện có 54 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; 6 nhà văn hóa xã; có 8/13 xã, thị trấn có sân thể thao và 50 thôn, tổ dân phố có sân thể thao.
Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa được chú trọng. Có 100% di tích trên địa bàn huyện đã giao cho các trường học chăm sóc; 17 di tích xây dựng bia bảng, 5 bảng chỉ đường, trên 200 cột mốc bảo vệ di tích.
Huyện cũng đã hình thành các tour, tuyến, điểm du lịch, đồng thời quy hoạch, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và xúc tiến kêu gọi đầu tư một số sản phẩm du lịch bước đầu đã thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ngoài ra, huyện tập trung nguồn kinh phí gần 21 tỷ đồng để xây dựng hình ảnh con người Mộ Đức và tạo sản phẩm, dịch vụ phục vụ phát triển văn hóa.
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn cho hay: "Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực trên địa bàn huyện. Rõ nhất là những nét văn hóa, con người Mộ Đức được giữ gìn và phát huy.
Hiện nay, huyện có kế hoạch mời các chuyên gia đầu ngành khảo sát, tiếp tục xây dựng những mô hình du lịch nông nghiệp; sức khỏe; trong đó đầu tư mô hình rau sạch, măng tây ở thôn Diên Quan, xã Đức Thắng; mô hình tham quan trải nghiệm lúa nước dọc ven sông xóm Cây Gạo, xã Đức Tân; tổ chức lễ hội tinh hoa văn hóa làm sản phẩm du lịch phục vụ du khách".
Huyện Mộ Đức hiện có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và có Trung tâm học tập cộng đồng. Có 100% hộ gia đình được tiếp cận thông tin qua các phương tiện thông tin và truyền thông; có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông, Internet. Tuổi thọ dân số trung bình 73 tuổi. Có 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%. |
Bài, ảnh: MAI HẠ