Gặp người kể chuyện về Bác

02:09, 01/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giáo sư Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương năm nay tròn 75 tuổi, với hơn 40 năm nghiên cứu chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tài sản của ông là hàng vạn tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ. Đến nay, những công trình nghiên cứu của ông về Bác đã in thành sách, trở thành tài liệu đặc biệt hữu ích dành cho mọi người.
TIN LIÊN QUAN

Với hàng vạn tư liệu quý về Bác, gần 30 năm qua, GS Hoàng Chí Bảo đã có hàng nghìn buổi nói chuyện về Bác, cho nhiều đối tượng khác nhau. Cuộc đời của ông là những chuyến đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đem đến cho mọi người những câu chuyện cuốn hút, xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài công tác nghiên cứu giảng dạy, GS Hoàng Chí Bảo còn có những chương trình nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài.
 GS Hoàng Chí Bảo trò chuyện với cán bộ chủ chốt huyện Bình Sơn.
GS Hoàng Chí Bảo trò chuyện với cán bộ chủ chốt huyện Bình Sơn.
Nói về cơ duyên bắt đầu nghiên cứu về Bác, GS Hoàng Chí Bảo cho biết: "Tôi là người có mặt tại lễ truy điệu Bác tại Quảng trường Ba Đình. Sự kiện xúc động lòng người này đã tạo cho tôi một bước ngoặt và từ đó tôi tâm nguyện sẽ nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Lúc đó tôi 25 tuổi và đang là giáo viên. Đặc biệt, từ khi tìm hiểu những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, đức tính sáng ngời, tấm gương cao thượng, cả cuộc đời hy sinh vì dân vì nước thì tôi đều chuyển tải các câu chuyện đó đến cho các học trò của tôi ở các trường, đến các bạn nghe đài. Tuy nhiên, buổi nói chuyện "chính thức" đầu tiên về Bác Hồ là vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác - năm 1990".

"Năm 1965, Bác bắt đầu viết Di chúc, vào đúng dịp sinh nhật, chọn thời điểm 9 - 10 giờ sáng để viết và sửa Di chúc, nói lên chiều sâu trong thế giới nội tâm của Bác, bản lĩnh văn hóa, lấy sự sống vượt lên cái chết của Người. Di chúc chỉ có 1.000 từ thôi, nhưng Bác dặn dò không sót một điều gì. Bản Di chúc chứa đựng những giá trị rất thiêng liêng là động lực cho chúng ta trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác".

GS HOÀNG CHÍ BẢO

Tại buổi nói chuyện chuyên đề "50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" của vị giáo sư 75 tuổi ở huyện Bình Sơn, cả hội trường như lặng đi. Những giọt nước mắt lăn dài trên má khi những câu chuyện bên giường bệnh và những giây phút cuối đời của Người. Ông kể: “Bác ra đi đúng vào ngày Quốc khánh, ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày khai sinh ra đất nước. Trước phút lâm chung, Bác không nói được nữa, đưa mắt nhìn tất cả mọi người âu yếm như một lời vĩnh biệt. Bác nhìn rất lâu vào ông Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác, theo Bác suốt từ những ngày ở chiến khu Việt Bắc, cùng chia ngọt sẻ bùi với Bác. Như hiểu ý Bác, ông Vũ Kỳ vừa đi vừa khóc, chạy lên đầu giường nơi Bác nằm rồi quỳ xuống. Bác hôn lên trán ông Vũ Kỳ rất lâu, rồi tắt thở”.

Bác đi rồi, nhưng mọi người vẫn nhớ những khoảng khắc lúc ốm nặng, khi bệnh tật, Bác vẫn hỏi: “Miền Nam hôm nay thắng ở đâu? “Sắp đến ngày khai giảng, đã chuẩn bị trường lớp, sách bút cho các cháu đến đâu rồi?”... Trong những giờ phút đau đớn nhất vì bệnh tật, Bác vẫn nghĩ đến tất cả mọi người trong trái tim mênh mông...

GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ: "Cuộc đời của Bác vô cùng gian lao, sóng gió. Người ta gọi Bác là người chiến sĩ vô sản hóa đầu tiên trong lịch sử Đảng ta là như vậy. Từ khi bắt tay nghiên cứu về Bác, nói về Bác tôi đã dặn lòng phải làm sao đạt được hai chuẩn mực. Một là thấu hiểu, hai là thấu cảm. Tức là ngoài hiểu về mặt lý trí, phải hòa vào trong tình yêu, tình thương, nỗi lòng tâm trạng của Bác. Đừng bao giờ nghĩ Bác là thần thánh, bởi Bác vĩ đại, nhưng cũng là một con người bằng xương bằng thịt, có niềm vui, có nỗi khổ như chúng ta".   

Việc tìm hiểu, nghiên cứu về Bác Hồ là công việc của nhiều người, nhiều thế hệ. Với riêng GS Hoàng Chí Bảo - người dành cả cuộc đời để nghiên cứu,  tìm hiểu về những câu chuyện, những triết lý sống của Bác thì đó là lòng tôn kính và tình thương yêu vô hạn dành cho Bác.

Bài, ảnh: SA HUỲNH


 

.