Kỳ cuối: Bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam
(Báo Quảng Ngãi)- Theo các nhân chứng và tài liệu lịch sử, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là một trong những mốc son quan trọng, mở đầu cho phong trào Đồng khởi và khơi thông dòng thác cách mạng ở miền Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Quảng Ngãi là một tỉnh có truyền thống cách mạng kiên cường; các dân tộc anh em trên địa bàn luôn thể hiện tính tiên phong cách mạng, tinh thần quật khởi, sẵn sàng đứng lên chống lại ách áp bức. Các huyện phía tây của Quảng Ngãi là địa bàn chiến lược trọng yếu của tỉnh và Quân khu 5. Vì lẽ đó, trong những năm chiến tranh, kẻ thù luôn tập trung lực lượng đánh phá ác liệt...
Vì sao nổ ra cuộc khởi nghĩa Trà Bồng
Do nằm ở vị trí chiến lược, nên trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi luôn được chọn là căn cứ cách mạng của tỉnh, của Quân khu 5. Như huyện Ba Tơ là nơi khai sinh Đội du kích Ba Tơ – một trong các lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng bào các dân tộc anh em ở miền Tây Quảng Ngãi có truyền thống yêu nước nồng nàn, kiên cường, đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm, áp bức; là thành lũy che chở cho các cơ sở cách mạng tồn tại và phát triển.
Gò Rô (xã Trà Phong) - nơi diễn ra "Hội nghị Diên Hồng" bàn kế đánh giặc của người dân miền Tây Quảng Ngãi, nay là trung tâm huyện lỵ Tây Trà. Ảnh: X.Thiên |
Với đồng bào dân tộc Cor ở huyện Trà Bồng, luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh. Trong phong trào “Nước xu đỏ” (năm 1937) cũng thu hút đông đảo đồng bào Cor tham gia dưới sự lãnh đạo của Phó Mục Gia (Đinh Gia) - người con ưu tú, ngoan cường của dân tộc Cor; tiếp đó là cuộc đánh đồn Trà Bồng năm 1940.
Trên vùng đất quế này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng chọn Trà Bồng làm nơi đóng chân để lãnh đạo phong trào cách mạng. “Sở dĩ có sự lựa chọn đó là vì nơi đây gần với Khu ủy Khu 5, thuận tiện cho việc xin ý kiến và tiếp nhận sự chỉ đạo của cấp trên đối với phong trào cách mạng. Mỗi ngôi nhà của người Cor là một cơ sở cách mạng”, nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Biền cho biết.
Điều đó vô tình đã trở thành “cái gai” trong mắt chính quyền tay sai của Mỹ, nên chúng luôn tìm cách để “nhổ” cho bằng được. Vì thế, trong những năm 1957 – 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm đã ra sức phát động các chiến dịch tố cộng, tàn sát những đảng viên, quần chúng ưu tú của ta, với khẩu hiệu “giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Cùng với đó, chúng còn cho thành lập nhiều nhà tù, trại giam để nhốt, tra khảo các lực lượng ưu tú của ta; mở nhiều cuộc hành quân quy mô hòng đánh phá khu căn cứ miền Tây Quảng Ngãi, trọng điểm là Trà Bồng.
Chúng quyết tâm nhổ sạch các cơ sở cách mạng của ta; tăng cường lập các đồn bốt, bắt thanh niên đi đắp đường, xây dựng đồn bốt... đẩy người dân vào con đường cùng. Theo đồng chí Phạm Thanh Biền, trong tháng 5 và 7.1959, chính quyền Mỹ - Diệm đã tung cả sư đoàn 22 lên càn quét quy mô lớn ở huyện Trà Bồng. Chúng bắn phá, giết người, cướp phá mùa màng, phong tỏa kinh tế, ép nhân dân đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội bù nhìn, với lời tuyên bố: “Ai không đi bầu cử sẽ bị giết, nhà bị đốt”. Chính những bức xúc chính trị - xã hội bị dồn nén đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi.
Dẫu trong tình thế khó khăn đó, nhưng đồng bào Cor ở Trà Bồng vẫn một lòng trung thành với cách mạng, mọi hoạt động đều tuân thủ sự chỉ đạo của tổ chức. Với Tỉnh ủy Quảng Ngãi, mặc dù chưa có sự chỉ đạo của cấp trên, nhưng cũng chủ động xây dựng các khu căn cứ, thành lập 3 đơn vị vũ trang để sẵn sàng đối mặt với kẻ thù khi hội đủ điều kiện. Đầu năm 1959, phong trào cách mạng ở miền Tây Quảng Ngãi tiếp tục được củng cố và lớn mạnh. Riêng huyện Trà Bồng có 20 xã thành lập được chi bộ để lãnh đạo cách mạng. Đây cũng là điều kiện cơ bản để tiến hành khởi nghĩa Trà Bồng.
Thương binh 2/4 Lê Văn Năm, đơn vị 339, hiện đang sinh sống ở xã Trà Sơn (Trà Bồng) chia sẻ: Với những chính sách thống trị tàn bạo của kẻ thù trong giai đoạn 1956 - 1959 đã làm mâu thuẫn giữa đồng bào các dân tộc ở Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi với chính quyền Mỹ - Diệm ngày càng sâu sắc. Đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Với khí thế quật khởi của quần chúng nhân dân, chỉ trong 4 ngày khởi nghĩa, bộ máy ngụy quân, ngụy quyền ở Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đã bị tê liệt và đã thành lập được chính quyền cách mạng ở cơ sở.
“Tinh thần của Đại hội Gò Rô đã thổi bùng lên ngọn lửa quật khởi đầu tiên ở Nam Trung Bộ - cũng là điểm xuất phát của cao trào vũ trang khởi nghĩa toàn miền Nam”. Đồng chí PHẠM THANH BIỀN, |
Bước ngoặt của cách mạng miền Nam
Có thể khẳng định rằng, nhờ sự chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi lúc bấy giờ mà cuộc khởi nghĩa Trà Bồng đã nhanh chóng giành thắng lợi và lan rộng ra các huyện phía tây của tỉnh. 60 năm qua, âm vang chiến thắng lừng lẫy của cuộc khởi nghĩa vẫn còn sục sôi trong lòng đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng và Tây Trà.
Bởi lẽ, đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang có sự tham gia của các dân tộc anh em chống lại bọn tay sai của đế quốc Mỹ và giành thắng lợi, mặc dù chúng được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại. “Đây là hình thức đấu tranh khởi nghĩa vũ trang kết hợp với phong trào chính trị của quần chúng, lần đầu tiên được triển khai, tạo ra bước ngoặt lớn cho phong trào cách mạng ở miền Nam”, nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Biền phân tích.
Với sự quyết tâm chiến đấu của người dân và các lực lượng vũ trang, cùng với các xã của huyện Trà Bồng, trên 40 xã thuộc các huyện miền Tây Quảng Ngãi cũng được giải phóng, hình thành một dải căn cứ liên hoàn nối liền với các khu căn cứ đang hình thành ở Bắc Tây Nguyên.
Nhờ đó, cuối năm 1959 và đầu 1960, vùng giải phóng, vùng căn cứ cách mạng ở khu 5 được mở rộng, phạm vi chiếm đóng, kìm kẹp của địch ngày càng thu hẹp, đưa phong trào cách mạng ở miền Nam lên một tầm cao và khí thế mới. Đó là, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng, đấu tranh chính trị là chủ yếu sang thế tiến công, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đã tạo động lực và niềm tin cho quân và dân miền Nam. Từ đó, các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ đã đẩy mạnh các cuộc đấu tranh vũ trang. Tiếp theo đó là cuộc Đồng khởi của toàn miền Nam, khởi đầu là cuộc đồng khởi của nhân dân Bến Tre vào ngày 17.1.1960. Tiếp đến là Tây Ninh, Mỹ Tho, Tân An, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau... và hầu hết các tỉnh Nam Bộ đồng loạt nổi dậy làm chủ 2/3 số ấp, xã...
Kết quả đó đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh một phía” của địch, buộc chúng chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, nhưng cũng thất bại. Cuối cùng nhân dân ta đã thực hiện thành công lời dạy của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”; tô thắm thêm truyền thống yêu nước của nhân dân Quảng Ngãi anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sự kiện tiêu biểu Quảng Ngãi có hai cuộc khởi nghĩa vũ trang là khởi nghĩa Ba Tơ (3.1945) và khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, đều giành thắng lợi, có tính tiên phong và giá trị “khai mở” cho những thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong đó, cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi có quy mô rộng, giành được thắng lợi lớn đầu tiên ở miền Nam kể từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, góp phần hoàn thiện phương thức đấu tranh vũ trang đối với cách mạng ở miền Nam. Thắng lợi này còn là mốc son lịch sử quan trọng, mở đầu cho phong trào Đồng khởi ở miền Nam; là sự kiện tiêu biểu trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tỉnh Quảng Ngãi, của Khu 5 và toàn miền Nam. |
B.SƠN- X.THIÊN- M.HẠ