TIN LIÊN QUAN |
---|
Quãng thời gian 7 năm là giảng viên chính chưa phải dài, nhưng chị Dương đã khẳng định được mình qua từng bài giảng LLCT, với sự tự tin, sáng tạo trong cách truyền đạt kiến thức.
Tiết học có một không hai
Nghe có vẻ lạ khi tiết học LLCT lại có tiếng chuông cà-rem leng keng trên giảng đường. Đó là sáng tạo của chị Dương để học viên không cảm thấy nhàm chán trong giờ học môn Lịch sử Đảng. Ý tưởng sử dụng tiếng chuông trong giờ dạy của mình được hình thành ngay sau khi xem một gameshows. Nữ giảng viên trẻ này đã tìm mua những chiếc chuông cà-rem vốn rất quen thuộc từ thuở nhỏ và bắt đầu đưa âm thanh này vào lớp học để tạo không khí sôi động. Lớp học được cô giáo Dương chia thành nhiều tổ, mỗi tổ một chiếc chuông. Những câu hỏi ngắn gọn được đưa ra cho các đội trả lời, tiếng chuông cứ thế lần lượt rung lên... Thế là nội dung của bài học đi vào trong trí nhớ của học viên một cách nhẹ nhàng.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Văn Hào trao giải nhất cho thí sinh Nguyễn Thị Ánh Dương tại Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2018. ẢNH: THANH THUẬN |
“Làm việc phải có trách nhiệm, nghĩ thế nên tôi luôn cố gắng. Với tôi, khi lên lớp thì bản thân phải hiểu và nắm chắc nội dung bài giảng. Hình thức cũng rất quan trọng, người giảng viên cần phải chỉnh chu, từ cách ăn mặc, đi đứng, nói chuyện. Đặc biệt, khi dạy phải chú ý quan sát, nắm bắt tâm lý học viên để điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp, tạo sự hứng khởi cho người học”. Giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Mộ Đức NGUYỄN THỊ ÁNH DƯƠNG |
Nguyễn Thị Ánh Dương tốt nghiệp ngành Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Sau khi thi đỗ công chức tỉnh vào năm 2008, chị Dương được phân công công tác tại Trung tâm Bồi dưỡng LLCT huyện Mộ Đức. Suốt nhiều năm trước khi làm giảng viên chính, chị Dương làm công tác giáo vụ. Mỗi khi trung tâm mở lớp, chị đều xin lãnh đạo đơn vị cho dự nghe với vai trò là học viên, để vừa học hỏi kinh nghiệm giảng dạy, vừa quan sát, nắm bắt tâm lý của người học, để điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho hiệu quả.
Điều đặc biệt trong mỗi bài giảng của chị Dương là lý luận luôn gắn với thực tiễn. Chị Dương cho biết: Trước khi lên lớp tôi tìm hiểu rất kỹ nội dung bài giảng, đồng thời gắn lý luận với thực tiễn để bài giảng thêm sinh động, dễ hiểu, từ đó giúp học viên vận dụng lý thuyết vào trong thực tiễn công việc và cuộc sống. Vì lẽ đó, tôi thường dự các cuộc họp dân ở các thôn trên địa bàn để hiểu và đưa vào trong bài giảng của mình. Hay như trực tiếp tham quan các mô hình khuyến nông khi có bài giảng cho đối tượng nông dân. Trước khi giảng bài về tôn giáo, tôi trực tiếp đến các chùa, nhà thờ để tìm hiểu, từ đó truyền đạt kiến thức cho học viên với những ví dụ cụ thể, dễ hiểu, sát với thực tiễn...
MINH ANH