(Baoquangngai.vn)- Ngày 28/2, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Trà Bồng về việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh từ khi Luật quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực.
[links()]
Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại một số trụ sở cơ quan, đơn vị, địa điểm có hoạt động liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh tại huyện Trà Bồng gồm: Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tây Trà (cũ); Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tây Trà (cũ); Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tây Trà (cũ); Trụ sở Bảo hiểm xã hội huyện Tây Trà (cũ); Trụ sở Huyện ủy Tây Trà (cũ); Trụ sở Chi cục Thuế huyện Tây Trà (cũ); Trụ sở UBND huyện Tây Trà (cũ)...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy khảo sát thực tế về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn huyện Trà Bồng. |
Theo báo cáo của UBND huyện Trà Bồng, đến nay, huyện đã xây dựng xong phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ và đã được UBND tỉnh phê duyệt, điều chỉnh. Cụ thể, giữ lại tiếp tục sử dụng 302 cơ sở nhà, đất (trong đó có 534 ngôi nhà) của 82 cơ quan, tổ chức, đơn vị; điều chuyển 46 cơ sở nhà, đất (trong đó có 58 ngôi nhà) của 29 cơ quan, tổ chức, đơn vị; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2 cơ sở nhà, đất (trong đó có 5 ngôi nhà) của 2 cơ quan, đơn vị; thu hồi 14 cơ sở nhà, đất (trong đó có 12 ngôi nhà) của 11 cơ quan, đơn vị; có hình thức xử lý khác đối với 2 cơ sở nhà, đất của 2 cơ quan, đơn vị (trong đó có 2 ngôi nhà) do nhà, đất nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở.
Trụ sở Bảo hiểm xã hội huyện Tây Trà (cũ) bỏ trống sau sáp nhập huyện Trà Bồng. |
Việc bị bỏ trống thời gian dài khiến nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị bị xuống cấp. |
Tuy nhiên, các tài sản là nhà, đất công bỏ trống, không có nhu cầu sử dụng có diện tích đất lớn vượt nhiều lần so với hạn mức giao đất ở theo quy định của Luật Đất đai, dẫn đến tài sản không xử lý dứt điểm được, phải kéo dài thời gian xử lý. Đồng thời, đối với huyện miền núi, việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn do các tài sản công nằm tại vị trí không có giá trị kinh tế (nhất là sau khi sáp nhập huyện), người dân đa số là hộ nghèo còn phụ thuộc vào trợ cấp của nhà nước nên không có khả năng đấu giá tài sản.
Các đại biểu đề xuất ý kiến, giải pháp về cơ chế, chính sách trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất công tại huyện Trà Bồng. |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cho biết, trong những năm qua, huyện Trà Bồng đã có rất nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận huyện Trà Bồng còn rất nhiều khó khăn do điều kiện xuất phát cơ sở, khó khăn do sáp nhập huyện. Chính vì thế, cần có sự chung sức, giúp đỡ của các sở, ngành, của tỉnh. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị của địa phương, các tài sản công, là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh đặc biệt là trên địa bàn huyện Trà Bồng sẽ được tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý, có hiệu quả, đúng mục đích.
Tin, ảnh: T.NHÀN